Xót xa cảnh lúa chín chìm trong nước ở ĐBSCL

TPO - Những ngày qua, tại một số địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), do mưa lớn kéo dài, nhiều diện tích lúa hè thu đang độ thu hoạch bị ngập nặng.
Xót xa cảnh lúa chín chìm trong nước ở ĐBSCL ảnh 1

Lúa chín bị chìm trong nước ở Hậu Giang.

Tại Hậu Giang, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết, trên địa bàn tỉnh, do mưa kéo dài từ giữa tháng 7 đã gây thiệt hại gần 4.000ha lúa hè thu.

Xót xa cảnh lúa chín chìm trong nước ở ĐBSCL ảnh 2

Diện tích lúa hè thu bị thiệt hại chủ yếu là lúa đang thời kỳ thu hoạch. Bên cạnh đó, có gần 2.000ha lúa thu đông vừa xuống giống cũng bị thiệt hại.

Xót xa cảnh lúa chín chìm trong nước ở ĐBSCL ảnh 3

Với diện tích lúa thu đông giai đoạn mạ, nông dân đang tích cực bơm nước thoát úng nhưng có khả năng diện tích thiệt hại tiếp tục tăng nếu mưa lớn kéo dài trong thời gian tới.

Xót xa cảnh lúa chín chìm trong nước ở ĐBSCL ảnh 4

Lúa thu đông mới xuống giống cũng bị thiệt hại.

Tại Cà Mau, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2 và lốc xoáy, trong những ngày qua trên địa bàn huyện Trần Văn Thời có mưa to, gió mạnh, làm ngập úng cục bộ nhiều ha lúa hè thu (chủ yếu ở xã Khánh Bình Đông) đang trong giai đoạn thu hoạch.

Xót xa cảnh lúa chín chìm trong nước ở ĐBSCL ảnh 5
Xót xa cảnh lúa chín chìm trong nước ở ĐBSCL ảnh 6

Thu hoạch lúa ướt ở Cà Mau.

Ông Mai Văn Một - Trưởng ấp 5, xã Khánh Bình Đông cho hay: “Mưa liên tục hơn 10 ngày qua, mặc dù xả cống nhưng nước thoát không kịp, thiệt hại của bà con là rất lớn. Bước đầu, chúng tôi cùng cán bộ xã đi rà soát, có khoảng 40ha bị thiệt hại. Trà lúa này còn vài chục ha cũng chuẩn bị thu hoạch, nếu mưa còn tiếp diễn, có thể thiệt hại hết toàn bộ gần 100ha lúa ở vùng trũng của ấp này”.

Xót xa cảnh lúa chín chìm trong nước ở ĐBSCL ảnh 7
Xót xa cảnh lúa chín chìm trong nước ở ĐBSCL ảnh 8

Bên cạnh lúa, nhiều diện tích rau màu, cây ăn trái ở miền Tây cũng bị ảnh hưởng. Tình hình thời tiết vẫn còn phức tạp, việc đánh giá thiệt hại vẫn đang tiếp tục nên diện tích thiệt hại có khả năng tăng đối với các loại cây trồng.

Ông Ngô Minh Long – Giám đốc Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, ngành chức năng đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương tăng cường công tác thăm đồng, kịp thời ghi nhận và theo dõi báo cáo tình hình thiệt hại hàng ngày. Bên cạnh đó, vận động nông dân khai thông dòng chảy, tích cực bơm tát chống ngập úng cho lúa và các loại cây trồng khác.

Đại diện một doanh nghiệp kinh doanh lúa gạo ở Cần Thơ chia sẻ: "Chưa thấy vụ nào đến kỳ thu hoạch mà mưa dầm dề như vụ này. Lúa bị thiệt hại ảnh hưởng đến năng suất và sản lượng cũng như lợi nhuận của một bộ phận nông dân do chất lượng lúa bị giảm. Các công ty thu mua lúa cũng có thể bị ảnh hưởng về sản lượng và chất lượng đầu vào”.

Giá lúa gạo tiếp tục tăng

Những ngày qua, giá lúa tại ĐBSCL tiếp tục tăng. Cụ thể, tại An Giang ngày 1/8, giá lúa IR50404 ở mức 6.600-6.800 đồng/kg; lúa Đài Thơm 8 có giá 6.900-7.100 đồng/kg; lúa OM5451 ở mức 6.800-7.000 đồng/kg; lúa OM18 là 6.900-7.200 đồng/kg…

Giá gạo bán lẻ ở các cửa hàng theo đó cũng được đẩy lên. Một chủ cửa hàng gạo ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ cho biết, gạo các loại cửa hàng bán hiện đều tăng từ 1.000-2.000 đồng/kg so với hồi giữa tháng 7.

Xót xa cảnh lúa chín chìm trong nước ở ĐBSCL ảnh 9

Ông Nguyễn Ngọc Huấn – Giám đốc Hợp tác xã Khiết Tâm (huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) cho biết, giá lúa vụ hè thu năm nay tăng khoảng 1.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Sau khi trừ chi phí, bà con lãi khoảng 40 triệu đồng/ha, cao hơn khoảng 10 triệu đồng so với cùng kỳ năm trước và là mức cao nhất trong nhiều năm qua.

Về giá gạo xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 1/8, gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên mức 588 USD/tấn (tăng 80 USD so với hồi đầu tháng 7), tuy nhiên vẫn thấp hơn gạo Thái Lan (623 USD/tấn). Ở phân khúc gạo 25% tấm, gạo Việt Nam có giá 568 USD/tấn, cao hơn gạo Thái Lan (564 USD/tấn)…

Tin liên quan