> Xóa mù chữ vùng biên giới, hải đảo
> Thầy & trò đi xóa “mù “điện
Sự học đối với những người có gia đình ở thôn Bon Choih xã Đức Xuyên, huyện Krông Nô, tỉnh Đăk Nông không bao giờ là muộn.
Lớp học gia đình
-A lô! Hôm nay sao bác chưa đến dạy?
-Thông cảm tí nhé, bác có khách, đến trễ vài phút!
Trả lời xong ông Phan Văn Điền, thôn phó Bon Choih vội vàng đội chiếc đèn pin lên đầu, ôm tập sách vở lên và giục chúng tôi đi nhanh lên lớp xóa mù .
Vượt qua đoạn đường rừng khoảng nửa cây số là có mặt ở một cụm dân cư khoảng 10 hộ người Mông. Những ngôi nhà vách nứa thấp san sát nhau. Đứng giữa sân, ông Điền bắt đầu gọi lớn: “Chuẩn bị vào học được chưa?”. Từ trong các ngôi nhà bắt đầu ơi ới tiếng thưa. Có chị đỏ lửa to cho nồi cám lợn nấu dở chín nhanh. Có anh bỏ bó lúa đập dở vớ bộ áo quần sạch mặc vào, vơ lấy cuốn vở để kịp lên lớp.
Nhà của anh Dương Văn Lành trở thành lớp học cho cả thôn. Gian nhà rộng khoảng 30m2 đặt hai bộ bàn ghế gỗ dài, chiếc bảng được treo lên tường cùng vài tấm lịch cũ để dùng vẽ sơ đồ dạy học.
Chúng tôi bước vào lớp khi đã có khoảng 15 người già trẻ, gái trai ngồi sẵn vào bàn. Lớp học mờ ảo bởi khói bếp tỏa ra từ nồi cám lợn bị dụi lửa khi buổi học bắt đầu. Theo thầy Điền, mục đích của lớp không phải chỉ dạy để biết cái chữ mà còn giúp đồng bào biết cách làm ăn. Các buổi học rất đặc biệt, ngoài việc học đọc, học viết còn lồng vào việc nâng cao nhận thức về phòng chống bệnh sốt xuất huyết; cách trồng bắp, trồng đậu, trồng lúa năng suất cao; cách nuôi lợn cho nhanh lớn…
Bắt đầu, ông Điền quay sang hỏi lớp trưởng Hoàng Văn Dinh: “Lớp trưởng Dinh, hôm trước học bài nào?”. Dinh gãi đầu, gãi cổ nhớ lại: “Hôm trước thầy dạy cách trồng ngô”. Ông Điền hỏi, trong lớp này nhà của mọi người có bao nhiêu con heo? Cả lớp nháo nhào đếm, nhà anh này có hai con, nhà chị kia có một, nhà không có. Lớp trưởng Dinh dùng ngón tay đếm đi đếm lại để làm một phép tính cộng: “Dạ! 12 con heo cái ạ! Không có heo đực”. Được rồi, vậy hôm nay chúng ta sẽ học cách nuôi heo nái!
Ông Điền bước vào bài giảng như vậy, rồi dạy mọi người cách chọn giống, cách làm chuồng cách chăm sóc… Cứ mỗi ý ông lại đọc và mời một học sinh lên vừa đánh vần vừa viết. Mỗi trò viết xong lại được thưởng một tràng pháo tay cổ vũ. Lớp học mỗi lúc một sôi động.
Khi đã dạy xong các kiến thức cơ bản về phương pháp nuôi heo nái, đến phần bài tập, ông Điền đề nghị cả lớp viết một đoạn văn về mục đích của việc nuôi heo. Cầm cuốn vở nét chữ nguệch ngoạc, Dương Văn Sinh 20 tuổi đọc to : “Nhà tôi có hai con heo. Sang năm tôi bán một con còn một con để thịt cả nhà ăn”. Những tràng pháo tay ngợi khen nổi lên rôm rốp. Lớp học đoàn kết, thân thiện, sôi nổi không khác không khí của một gia đình đông con ngày Tết. Ngồi phía dưới, chị Dương Thị Mị 30 tuổi địu con tấm tắc khen: “Thằng Sinh giỏi quá, mình cũng phải cố gắng học thêm cái chữ để viết được như nó, giờ mình chỉ mới biết mặt chữ cái thôi, chưa biết viết”.
Từ nay không phải điểm chỉ
Lớp trưởng Dinh thỉnh thoảng lại quay sang giúp đỡ cô gái bên cạnh đánh vần rất nhiệt tình, thì ra đó là hai vợ chồng. Cả hai vợ chồng đều không biết chữ, hai đứa con đều đang nhỏ chưa đến độ tuổi đi học. “Mình phải học cái chữ để sau này con cái đến lớp về nó hỏi gì còn biết, còn không biết cái chữ làm sao dạy con cái được. Vợ chồng mình phải theo thầy Điền học cái chữ thôi!”- vợ Dinh nói.
Lớp học tạm bợ nhưng đông chật học sinh. |
Lớp học đều đặn diễn ra 3 ngày trong tuần, đúng 19 giờ là bắt đầu không kể mưa hay nắng, được hơn 1 năm nay. Ông Điền cho biết: “Trước đó, lớp học ở nhà cộng đồng của bon, nhưng vì đoạn đường dốc và trơn nên chuyển lên tận đây để mùa mưa bà con dễ dàng tham gia hơn”. Đợt nghỉ hè ở lớp học này cũng là lúc vào mùa rẫy, mùa con ong đi lấy mật, mùa bà con phát nương vào khoảng tháng 2 đến tháng 3 trong năm.
Đã trở thành thói quen, cứ vào thứ 2,4,6 hàng tuần mọi người lại đi rẫy về sớm khi mặt trời còn đậu trên ngọn cây để kịp buổi học tối. “Trước đây chiều nào đàn ông trong thôn cũng tụ tập uống rượu, nay đi rẫy về lo tắm rửa ăn cơm để lên lớp. Vừa biết được cái chữ, vừa biết được cách trồng ngô, nuôi heo năng suất cao, lại giữ được sức khỏe để mai lên rẫy làm được nhiều lúa, nhiều ngô hơn. Có lớp học vừa sáng cái đầu, vừa no cái bụng, mình và mọi người rất cảm ơn”- Hoàng Thị Mị nói.
Anh Trần Văn Khởi (SN 1975) ở Cà Mau lên Đức Xuyên làm thuê rồi lấy vợ. Anh chưa bao giờ được đến lớp, nghe ông Điền vận động, anh đăng ký tham gia ngay. Hằng ngày đi làm thợ đụng, nhưng hễ hôm nào lớp học là anh lại có mặt từ sớm: “Ngày xưa nhà nghèo không có điều kiện đi học, nay có tuổi rồi nhưng mình vẫn muốn đi học để ra xã hội không phải mặc cảm vì mù chữ. Trước đây, mỗi lần làm giấy tờ hay ký tá cái gì cũng phải dùng tay điểm chỉ, nay thì mình ký được tên rồi”.
Ông Điền giảng bài cho học sinh. |
Năm nay, ông Điền đã 60 tuổi, dù bận đủ thứ việc nhưng ông vẫn cố gắng thu xếp để dạy đầy đủ cho mọi người. Mỗi tháng ông nhận được 600 ngàn tiền phụ cấp của Dự án ActionAid. Để có được lớp học này ông và Ban tự quản Bon Choih phải đến từng nhà vận động. Mới đầu nhiều người còn tỏ ra thờ ơ”. Nhưng chịu khó thuyết phục, cuối cùng họ đồng ý theo học. Đến nay, lớp học đã có 23 người, hầu hết đã biết viết và biết tính. Ông Điền nói: “Mới đầu tôi cũng nản, nhưng thấy bà con “khát” con chữ nên dù bận nhiều việc tôi cũng thu xếp để đảm bảo việc dạy học cho bà con”. Dự án ActionAid Việt Nam phối hợp với chính quyền địa phương triển khai từ tháng 3-2010.
Bà Phạm Thị Thu Huệ, cán bộ Dự án ActionAid cho biết: Lớp học phát triển cộng đồng ở thôn Bon Choih nằm trong chương trình xóa mù chữ của dự án, với mục đích xóa mù cho người dân, vừa lồng ghép các bài dạy cách phát triển kinh tế phù hợp với thực tế địa phương. Tới đây, dự án sẽ còn mở nhiều lớp học như vậy trên địa bàn huyện.
ActionAid Quốc tế là một tổ chức phát triển phi lợi nhuận quốc tế hoạt động vì mục tiêu xóa bỏ đói nghèo trên phạm vi toàn cầu. Được thành lập vào năm 1972 tại Vương quốc Anh. Là một bộ phận của ActionAid Quốc tế, ActionAid Việt Nam (AAV) hoạt động từ năm 1989, mục tiêu xóa đói giảm nghèo thông qua quá trình cùng làm việc với những nhóm người nghèo và khó khăn nhất, trong đó đặc biệt chú ý tới các dân tộc thiểu số và phụ nữ. |