Xét danh hiệu NSND, NSƯT: Có phong tặng, có thu hồi

Đề xuất Chính phủ không bỏ sót trường hợp đặc biệt khi phong danh hiệu. Ảnh: KỲ SƠN
Đề xuất Chính phủ không bỏ sót trường hợp đặc biệt khi phong danh hiệu. Ảnh: KỲ SƠN
TP - Nghệ sĩ nếu bị xử lý hình sự phải bị thu hồi danh hiệu. Đó là một trong những góp ý mới nhằm sửa đổi Nghị định xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.

THAY ÐỔI TIÊU CHÍ

Ông Lê Khánh Hải, Thứ trưởng Bộ VHTTDL chủ trì hội nghị góp ý dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89/2014/NĐ-CP về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Ông Phùng Huy Cẩn, Vụ trưởng Vụ Thi đua Khen thưởng, Phó Trưởng Ban thường trực Ban soạn thảo nêu: bên cạnh những ưu điểm, quá trình xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT theo Nghị định số 89 cũng bộc lộ một số vướng mắc.

NSƯT Xuân Bắc cho rằng, NSND, NSƯT là danh hiệu cao quý của Nhà nước trao tặng, do đó chỉ nên dành cho các nghệ sĩ xuất sắc. “Không nên tính tới việc quy đổi huy chương với xét tặng danh hiệu cao quý này. Cái gì khó, đắt, thì mới quý”, Xuân Bắc góp ý. 

Vướng mắc chủ yếu: cách tính thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp, về tiêu chuẩn giải thưởng, về số lượng thành viên Hội đồng các cấp và cơ cấu thành phần Hội đồng, về tỉ lệ phiếu bầu tại các Hội đồng xét tặng danh hiệu, về tỉ lệ % số lượng thành viên Hội đồng có mặt tại cuộc họp Hội đồng. “Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 89 đã nghiên cứu, soạn thảo và thảo luận nhiều nội dung của dự thảo trên cơ sở thực tiễn hai đợt xét tặng năm 2015, 2018 cũng như qua rà soát ý kiến của các chuyên gia, nghệ sĩ”, ông Phùng Huy Cẩn nói.

Xét danh hiệu NSND, NSƯT: Có phong tặng, có thu hồi ảnh 1 Không nên hạ thấp các tiêu chí xét danh hiệu. Ảnh: KỲ SƠN

Đối với tiêu chuẩn giải thưởng của danh hiệu NSND, dự thảo bổ sung quy định: “... có ít nhất hai giải Vàng quốc gia (trong đó có một giải Vàng cá nhân) sau khi được NSƯT. Đối với tiêu chuẩn NSƯT, bổ sung quy định: “... có ít nhất hai giải Vàng quốc gia hoặc một giải Vàng quốc gia và hai giải Bạc quốc gia (trong đó phải có một giải cá nhân). Ban soạn thảo bổ sung thêm quy định này vì có ý kiến cho rằng, một số NSND, NSƯT không có nổi một HCV, HCB cá nhân. Nghệ sĩ được phong tặng mà công chúng không biết đến nhiều, là bởi các huy chương của họ đều được quy đổi từ giải thưởng của tác phẩm, thiếu dấu ấn cá nhân, chưa thuyết phục.

Về số lượng thành phần Hội đồng các cấp theo hướng giảm đại diện các cơ quan, tổ chức hành chính và tăng thêm nhà chuyên môn, chuyên gia, chuyên ngành nhằm đánh giá chính xác hơn về những cống hiến và tài năng của nghệ sĩ. Lĩnh vực nghệ thuật khó đạt thống nhất tuyệt đối, vì thế quy định “ít nhất 90% tổng số thành viên Hội đồng có mặt tại cuộc họp bỏ phiếu đồng ý” được đề xuất sửa thành 80%.

Nhiều nghệ sỹ băn khoăn tiêu chí quy đổi giải thưởng ở từng lĩnh vực điện ảnh, âm nhạc, múa, sân khấu, phát thanh truyền hình. Đại diện Bộ Công an bày tỏ, cần quy định cụ thể hơn về chuyện quy đổi huy chương, và thắc mắc thành phần quy đổi lĩnh vực sân khấu không có chức danh chỉ đạo nghệ thuật, người làm âm nhạc, âm thanh ánh sáng. NSND Phạm Ngọc Khôi, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cũng băn khoăn về những bất cập trong việc quy đổi giải thưởng của chỉ đạo nghệ thuật, biên đạo múa và nhạc công. Ông phân tích: với chỉ huy hợp xướng, chỉ huy giao hưởng nhạc vũ kịch trong âm nhạc có vai trò vô cùng quan trọng nhưng bị thiệt thòi. NSƯT Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình nói “sốc” khi vai trò của chỉ đạo nghệ thuật bị xem nhẹ.

THU HỒI NẾU CẦN

Xưa nay chưa từng có chuyện thu hồi danh hiệu NSƯT, NSND. NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cho rằng, các nghệ sĩ của giai đoạn trước, hay còn gọi là “trường hợp đặc biệt” không còn nhiều, chủ yếu việc xét tặng dành cho lớp trẻ, nên tiêu chí chuyên môn cần phải đặt lên hàng đầu, không nên hạ tiêu chí thấp quá làm ảnh hưởng đến chất lượng danh hiệu.

Ông Phùng Huy Cẩn cho biết, Ban soạn thảo nhận được đề xuất đáng chú ý về việc thu hồi danh hiệu đối với nghệ sĩ vi phạm, sai phạm mà bị xử lý hình sự, hoặc có hành động, việc làm ảnh hưởng xấu ở phạm vi rộng đến cộng đồng, xã hội.

“NSND, NSƯT ngoài việc đóng góp cho nghề nghiệp còn phải trau dồi phong cách, lối sống. Bổ sung quy định này là để nhắc nhở nghệ sĩ, ngoài cống hiến về chuyên môn thì cần sống đúng, chuẩn mực, có ý thức hơn với cộng đồng, với xã hội”, NSND Hoàng Dũng nêu. NSƯT Xuân Bắc, Phó Giám đốc Phụ trách Nhà hát Kịch Việt Nam đồng tình. “Nếu có việc trao tặng, phong tặng thì cũng cần phải có xử lý, thu hồi để đảm bảo tính cao quý của danh hiệu. Tuy nhiên, để mọi việc được minh bạch, rõ ràng thì cần có hội đồng trước khi đưa ra quyết định thu hồi”, Xuân Bắc nói.

Theo NSND Nguyễn Quang Vinh, Quyền Cục trưởng Cục Nghệ thuật Biểu diễn, ban soạn thảo cân nhắc các vấn đề nóng được nghệ sĩ góp ý. Đối với đề nghị xem xét các thành phần sáng tạo như thắc mắc, ông Vinh phân tích: có nhiều hình thức ghi nhận và biểu dương khác, không nhất thiết phải xét danh hiệu NSND, NSƯT. Thứ trưởng Lê Khánh Hải đề nghị ban soạn thảo tiếp tục lắng nghe, lấy ý kiến và sửa đổi, bổ sung cho hợp lí.

Nhằm tránh bỏ sót việc tôn vinh các nghệ sĩ tài năng, Ban soạn thảo đề xuất bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của Hội đồng cấp Nhà nước: “Xem xét đề nghị bằng văn bản của Chủ tịch Hội đồng chuyên ngành cấp Nhà nước và bỏ phiếu đối với các nghệ sĩ có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho ngành, nghề nghệ thuật, có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ nhưng chưa đạt tỉ lệ phiếu đồng ý trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định”.

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.