- Tây có nhiều cái sự văn minh lắm, cụ thể, theo cậu nên học cái gì?
- Xếp hàng! Phải xếp hàng! Văn hóa xếp hàng nó thể hiện sự văn minh. Khi nó là hiện thực thì sẽ không bao giờ chúng ta chứng kiến cảnh chen lấn, xô đẩy, giẫm đạp lên giành nhau cơ hội lấy ấn, ăn cơm Hàn, tắm, nghe nhạc… miễn phí nữa.
- Ý kiến rất hay! Nếu triển khai được điều này thì khỏi phải ý kiến này nọ là tại sao mình bị trộm, cướp từ mấy năm nay nhưng chờ mãi không đến lượt được các cơ quan hữu trách xin lỗi nhỉ?
- Chính xác! Ai bị trộm cướp trước, xin lỗi trước, xếp hàng tuần tự sẽ đến lượt…
- Thế cái cô gái Ai Cập vừa được xin lỗi công khai đó hình như có dấu hiệu chen ngang, bởi nạn nhân của trộm cướp, trấn lột ở Sài Gòn đâu chỉ riêng cô ta?
- Thì thế mới sinh ra phản ứng. Theo mình cần xây dựng bộ tiêu chí minh bạch. Trước hết là thời gian. Ai làm nạn nhân trước được xin lỗi trước. Nếu cùng thời điểm, ai cao tuổi thì được ưu tiên. Khi cùng tuổi, thì phụ nữ được xếp trên nam giới. Nếu cùng giới, thiệt hại người nào nhiều hơn thì được so-ry đầu. Thiệt hại ngang nhau thì nội nhường cho ngoại…
- Rắc rối, nhiêu khê phết nhỉ! Hèn chi bấy nay chả mấy ai được xin lỗi vì xếp hạng, phân loại vẫn chưa xong. Theo cậu, có nên áp dụng bộ tiêu chí này vào ngành y không?
- Nên quá đi chứ! Văn hóa xếp hàng áp dụng cho tất cả các lĩnh vực đời sống mà! Tai biến y khoa, ưu tiên xin lỗi người già, sau đó trung niên rồi đến trẻ. Nếu cùng độ tuổi, thì tai biến não xin lỗi trước, sau đó tim, phổi, dạ dày, đại tràng, tiết niệu, cuối cùng đến chân…
- Như thế liệu có phức tạp quá không? Bởi có bệnh nhân gãy chân bó bột bị tai biến, đã thác xuống suối vàng vì không thể chờ được lời xin lỗi theo thứ tự ưu tiên đó.