Xe tăng đặc biệt của lục quân Nga

Mô hình xe tăng chiến đấu chủ lực Armata của Nga - Ảnh: Military-Today
Mô hình xe tăng chiến đấu chủ lực Armata của Nga - Ảnh: Military-Today
Theo nhiều nguồn tin, Nga sẽ sớm chính thức công bố loạt xe chiến đấu bọc thép đặc biệt có thể hoạt động trong những điều kiện khắc nghiệt nhất.

Truyền thông Nga dẫn lời các chuyên gia quân sự và một số sĩ quan cấp cao tiết lộ lục quân nước này sẽ trình làng thế hệ xe chiến đấu bọc thép mới mang tên Armata vào năm 2015, để thay thế các khí tài đã già nua hiện nay. Thế hệ Armata đầu tiên gồm 24 chiếc với một nửa là xe tăng chiến đấu chủ lực và số còn lại là xe bọc thép chở quân. Nếu không có gì thay đổi, thế giới sẽ chứng kiến những chiếc Armata “bằng xương bằng thịt” trong cuộc diễu binh mừng Ngày chiến thắng phát xít tại thủ đô Moscow vào năm sau. “Lô xe đầu tiên sẽ xuất xưởng vào năm 2015. Bạn có thể thấy chúng tại Quảng trường Đỏ ngày 9.5”, Itar-Tass dẫn lời Phó chủ tịch Ủy ban Công nghiệp quân sự Nga Oleg Bochkaryov.

Tập đoàn Uralvagonzavod, đặt trụ sở tại thành phố Nizhny Tagil, đã trúng thầu chế tạo Armata và theo chuyên san The National Interest, loại xe chiến đấu mới sẽ dần thay thế tất cả các loại xe tăng thời chiến tranh lạnh như T-64, T-72, T-80 và cả T-90. Ngay loạt xe bọc thép tấn công hiện đại BMP cũng sẽ phải nhường chỗ cho Armata.  

Át chủ bài ở Bắc cực

Theo Itar-Tass, xe tăng Armata sẽ được trang bị pháo 125 mm gắn trên tháp pháo tự động. Đội điều khiển xe tăng sẽ ngồi trong khoang bọc thép riêng, tách biệt hoàn toàn với khoang nhiên liệu và đạn dược, điều chỉ có ở những loại xe tăng tân tiến nhất. Điểm đặc biệt của xe tăng Armata là chú trọng bảo đảm khả năng sống còn của ê kíp vận hành, điều vốn chưa được xem trọng trong các loại xe tăng trước đây của Liên Xô hoặc Nga, theo các chuyên gia nước này. Chính vì thế, xe tăng Armata được phủ một lớp giáp hoàn toàn mới, gọi là 44S-SV-SH, có tính năng bảo vệ cực cao, Phó tổng giám đốc Vyacheslav Khalitov của Tập đoàn Uralvagonzavod tuyên bố như vậy trên đài phát thanh Russian News Service.

Nga lập Bộ Tư lệnh Bắc Cực

Theo Itar-Tass, kể từ ngày 1.12, Bộ Tư lệnh chiến lược Bắc cực của Nga chính thức hoạt động, trụ sở tạm đặt tại căn cứ của Hạm đội phương Bắc. Itar-Tass dẫn nguồn tin cấp cao từ Bộ Quốc phòng Nga cho hay Bộ Tư lệnh đã nhanh chóng triển khai các nhóm binh sĩ được trang bị vũ khí hiện đại như hệ thống tên lửa ven biển Rubezh và hệ thống pháo phòng không Pantsir-S1 đến các đảo do Nga kiểm soát ven Bắc cực.

Cụ thể, lớp giáp của Armata được làm từ một loại thép đặc biệt, cực kỳ vững chắc và có thể hoạt động tốt trong những điều kiện chiến đấu khắc nghiệt nhất, đặc biệt là thời tiết tại Bắc cực. Đặc điểm này rất phù hợp với chính sách tăng cường hiện diện tại Bắc cực của Nga. Khu vực này càng chứng tỏ tầm quan trọng chiến lược về địa chính trị lẫn tài nguyên và đang là đối tượng tranh chấp của nhiều nước khác như Mỹ, Canada và một số quốc gia Bắc Âu, theo trang tin RBTH. Một ưu điểm khác của lớp giáp Armata là khá nhẹ. Các chuyên gia đã tìm ra cách tăng độ cứng của thép song vẫn duy trì được độ dẻo. Điều này giúp giảm độ dày đến 15% mà không tác động đến đặc tính bảo vệ của áo giáp.  

Áp đảo xe tăng Mỹ ?

Chương trình Armata được tiết lộ trong bối cảnh quan hệ Nga - Mỹ đang căng thẳng chưa từng có kể từ thời chiến tranh lạnh. Đặc tính hoạt động tốt trong thời tiết khắc nghiệt của loại xe này cũng khiến nhiều chuyên gia liên tưởng đến việc một số quan chức Moscow hồi cuối tháng 10 từng đề cập ý tưởng giành lại Alaska, vốn được đế quốc Nga bán cho Mỹ năm 1867.  

Từ đó, nhiều chuyên gia Mỹ đã tỏ ra lo ngại về lực lượng xe tăng và xe bọc thép bị đánh giá là ngày càng lạc hậu của nước này. Theo The National Interest, quân đội Mỹ trong thời gian qua đã phát động nhiều chương trình thay thế xe chiến đấu bộ binh Bradley và xe tăng chủ lực Abrams nhưng vẫn chưa đi đến đâu.

Năm 2009, lục quân Mỹ công bố chương trình Xe chiến đấu mặt đất (GCV) để thay thế xe Bradley. Tuy nhiên, nỗ lực này bị hủy bỏ vào tháng 2.2014 do quá tốn kém mà hiệu quả không cao. Mỹ đang triển khai chương trình Xe chiến đấu tương lai (FFV) song còn quá sớm để đánh giá là thành công hay thất bại. Mặt khác, do chưa tìm ra phương án thay thế khả dĩ nào cho xe tăng chủ lực Abrams, Lầu Năm Góc đang đặt kỳ vọng vào dự án chế tạo, đúng hơn là nâng cấp, một phiên bản mới của Abrams được gọi là M1A3 vào năm 2018. 

Tuy nhiên, một sĩ quan cấp cao giấu tên thừa nhận với The National Interest rằng sớm muộn gì toàn bộ các thế hệ xe tăng Abrams cần phải cho về hưu. Ông lý giải thiết kế từ thời thập niên 1970 của Abrams đã ở ngưỡng giới hạn và rất khó để nâng cấp hay cải tiến về trọng lượng, không gian cũng như sức mạnh. Cứ đà này thì dù “cố đấm ăn xôi” lắm, Abrams cũng chỉ phục vụ cho đến thập niên 2050 và khi đó, thiết kế này sẽ hơn 70 tuổi, trong khi những cường quốc quân sự khác không ngừng hiện đại hóa lực lượng xe tăng và xe bọc thép của họ.

Theo Danh Toại 

Theo Thanh Niên
MỚI - NÓNG