> Nam sinh xứ Nghệ cứu người trong lũ dữ
Hai đội trưởng “thuyền không số” - ông Phan Thuận (55 tuổi) và Hồ Sở (54 tuổi, cùng trú thôn Phú Khương, Hành Tín Tây) vừa được Chủ tịch nước Trương Tấn Sang gửi thư khen ngợi vì sự gan dạ và thành tích cứu người trong cơn lũ tháng 11 vừa qua.
Tay không vượt đỉnh lũ
Chập tối 15/11, Tư Nghĩa mưa xối xả. Sông Vệ nước cuộn đục ngầu, chảy xiết, hung hãn ùa về, đe dọa “nuốt chửng” vùng thấp trũng Hành Tín Tây, Hành Tín Đông… Lão ngư Phan Thuận vội mượn con thuyền nhỏ của anh rể Ngô Cân (65 tuổi, cùng thôn Phú Khương), gọi 3 thanh niên trong đội “thuyền không số” sẵn sàng ứng trực bên triền sông.
Cách đó hơn 200 mét, sau rặng tre bị nước kéo nghiêng, gia đình anh Phạm Hùng (xóm Đình, Phú Khương) đang kêu cứu. Ông Thuận cùng anh Phan Xuân lùa ghe, chèo mạnh tới. “Ghe nhỏ, chúng tôi phải lựa từng chiều nước xiết để tránh. Sợ nhất là gặp mấy lùm cây phía dưới, ghe dễ bị cản, lật úp”, ông Thuận kể.
Lũ ngập gần mái nhà anh Hùng, 4 người trong gia đình bị “đôn” lên tận xà gồ. Cả thuyền vội dỡ ngói, mở đường thông cứu sống người nhà anh Hùng trong gang tấc. Kế bên, nhà anh Trần Ngọc (xóm Đình) bị nước lũ đe dọa. Mưa lạnh, bụng đói thắt, nhưng mọi người vẫn âm thầm cứu hộ.
55 tuổi, dáng người nhỏ nhưng lúc chèo thuyền vượt lũ, ông Thuận như không biết mệt mỏi, chỉ huy 3 thanh niên trong đội. Bốn người thay phiên nhau, bơi lái. Ông chẳng nhớ rõ đã cứu bao nhiêu hộ, đưa lên thuyền vào bờ bao nhiêu người. Lúc tìm đến nhà chị Trịnh Lợi tận Xóm Cát, trời tối sẫm, chiếc đèn pin lờ mờ bóng nước đục. Nhà chị Lợi gần lút mái. “May mà có ông Thuận đến kịp, nếu không chưa biết gia đình tôi sẽ thế nào”, chị Lợi kể.
Gắn đời mình với nghiệp lưới cá từ nhỏ, ông Thuận thông thạo từng luồng lạch sông Vệ. Ám ảnh về trận lũ lịch sử năm 1999 tàn phá thôn làng, bản thân gia đình ông bị lũ dữ cuốn trôi nhà cửa, ông đăng ký tham gia đội cứu hộ tự nguyện trong thôn. “Mình cũng như dân thôi, bão lũ thiên tai ai chẳng sợ. Giúp được gì thì mình làm cái đó”, ông nói. Sau năm 1999, ông Thuận dời nhà lên khu vực cao.
Gần 15 năm nay, từng là “đội viên” rồi thuyền trưởng đội “thuyền không số”. Bà Bùi Thị Tuyết (51 tuổi, vợ ông Thuận), kể: ông đi từ sáng, về đến nhà vào rạng sáng 16/11. Biết ổng làm nhiệm vụ chung cho dân làng, nhưng cả nhà lo ngay ngáy. Thuyền nhỏ, lũ lớn, khó lường trước điều gì. Chỉ đến khi ông về, cả nhà mới dám tắt đèn đi ngủ.
“Người hùng” chân đất
Chiếc ghe do gia đình ông Sở tự bỏ tiền túi đóng, để “lo việc thiên hạ”. Sau những giờ vượt lũ, chiếc ghe đã bị hư hại. ảnh: nguyễn huy. |
Trưa 30/11, đoàn công tác từ thiện một số đơn vị tại TPHCM đến thăm, hỗ trợ hơn 100 đội viên trong đội “thuyền không số” xã Hành Tín Tây, mỗi suất trị giá từ 300 nghìn - 2 triệu đồng. “Xã đề nghị cấp huyện và tỉnh tặng bằng khen cho các đội cứu hộ và riêng cá nhân hai ông Hồ Sở, Phan Thuận. Phần lớn đội viên đều gặp khó khăn, thiệt hại. Hiện xã có quyết định khen thưởng, nhưng do kinh phí hạn hẹp nên chỉ hỗ trợ được... 4 thùng mì tôm cho ông Sở và ông Thuận” - ông Nguyễn Văn Như, Phó chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây, cho biết. |
2 giờ chiều 15/11, nước sông Vệ dâng cao, gần lút bãi bồi. Thoảng tiếng kêu cứu của anh Nguyễn Hồng Phúc bên mạn bờ Hành Tín Tây, ông Hồ Sở thúc 2 con trai là Hồ Thanh Phê, 32 tuổi và Hồ Thanh Lâm, 30 tuổi cùng mình đánh ghe ra ứng cứu. Nước xoáy, ba cha con gồng mình chèo ghe nhích từng mét trên quãng sông rộng hơn 300m. Hơn nửa tiếng đồng hồ, nhìn thấy anh Phúc bị cô lập giữa dòng nước lũ trên bãi bồi nhưng rất khó tiếp cận.
“Gió lớn, mưa rát mặt, chiếc ghe liên tục chao nghiêng, nước vào ghe. Ba cha con tìm cách giữ thăng bằng, hỗ trợ đưa anh Phúc vào bờ an toàn”, ông Hồ Sở kể. Trước giờ nước lũ dâng, anh Phúc chỉ kịp đưa vợ con đi sơ tán, rồi chèo ghe ra phía bãi bồi canh ruộng dưa. Vừa buộc ghe, nước lũ ập về, kéo mất chiếc ghe nhỏ, mình anh kẹt giữa lũ xiết. Anh Phúc bảo: nếu ở lại tính mạng chắc khó giữ. Với tôi, ông Sở không chỉ là người dân lối xóm mà còn là ân nhân cứu mạng.
Đánh ghe về đến nhà, cũng là lúc chuồng heo nhà ông Sở ngập hơn nửa, 15 con heo bị lũ cuốn trôi nổi bên ngoài. “Mọi người bơi theo vớt được 10 con, còn 5 con trôi hẳn”, anh Lâm nói. Chỉ kịp đưa vợ, 2 con dâu và 2 cháu nội nhỏ lên gác lửng, ông Sở gọi thêm hai người hàng xóm Phan Thanh Tùng (32 tuổi), Ngô Văn Lương (43 tuổi), tức tốc bơi chiếc “thuyền không số” dài gần 3m, rộng chừng 1,5m ngược xuôi khắp xóm.
“Nước chảy mỗi lúc một xiết. Chiếc ghe liên tục mất hướng, kéo vào cả bụi tre làm mọi người bị thương. Tôi cố dặn các cháu giữ bình tĩnh, lấy thăng bằng và tìm hướng chèo cắt nước”, ông Sở kể.
Ngang nhà chị Phan Thị Thi (36 tuổi, xóm Cát) lại nghe tiếng kêu cứu. Hai vợ chồng chị Thi bị nước lũ dồn lên tận mái. Cả nhóm vội dỡ ngói, đưa hai vợ chồng vào điểm cao an toàn. 20 giờ, có tiếng kêu cứu từ nhà anh Nguyễn Hùng, cả ghe lại tức tốc tiếp cận mục tiêu.
Ông Sở kể: ghe đi từ đầu giờ chiều đến gần 9-10 giờ tối mới có thể gác chèo khi không còn ai ở vũng đỉnh lũ gặp nạn. Mình mất của, nhưng cứu được người là may rồi.
Nhớ trận lũ lịch sử 1999, gia đình ông Sở là một trong hộ dân bị nước cuốn sập nhà. Căn nhà đất dựng tạm, thành nơi trú nắng mưa cho gia đình. Nhà làm nông, năm 2004, ông Sở mới dành đủ số tiền ít ỏi dựng căn nhà cấp 4. Chắt chiu được đồng nào, ông dành hết đóng chiếc ghe để tự nguyện tham gia cứu hộ cứu nạn.
Năm 2005, chiếc ghe kiên cố được ông làm, mất gần cây vàng. Ông bảo: có ghe mọi người an tâm hơn và có thể hỗ trợ hàng xóm. Nhiều năm nay, vùng này ít ngập nặng nên bà con còn chủ quan. May mà không ai thiệt hại gì.
Nhân rộng mô hình
Theo ông Nguyễn Văn Như, Phó chủ tịch UBND xã Hành Tín Tây, đặc thù xã vùng thấp trũng nên lũ lụt ảnh hưởng nặng. Trận lũ này, xã có gần 100% nhà bị ngập và là địa phương ngập nặng nhất tỉnh. Tuy nhiên, thiệt hại về người được khống chế, nhờ mô hình hoạt động của các đội “thuyền không số”.
Gọi “không số” vì chủ yếu các ghe nhỏ để luồn lách vào tuyến dân cư, sơ tán và hỗ trợ cứu nạn. Sau trận lũ lịch sử 1999, đội thuyền này manh nha thành lập và ngày càng phát triển. Đến nay toàn xã có gần 10 đội tại 7 thôn xóm với 15 chiếc thuyền và cả trăm người cùng tham gia. Trong đó, có 4 đội thuyền của xã gồm cán bộ công nhân viên chức, thanh niên xung kích tham gia và 11 chiếc do người dân tự nguyện đóng góp, tổ chức cứu hộ, cứu nạn.
“Ý thức tương thân, tương ái, hỗ trợ nhau góp phần giảm thiểu thiệt hại về tính mạng trước lũ dữ. Chỉ riêng ông Thuận, trận lũ vừa qua đã cứu hơn 42 hộ dân, gia đình ông Hồ Sở cứu 25 hộ với tổng cộng 240 người bị cô lập”, ông Như nói. Lo cứu người, còn bản thân những “người hùng” này phải chịu không ít tổn thất.
Trong đó, ông Hồ Sở là một điển hình. Anh Phan Thanh Tùng thuộc đội thuyền ông Sở đã “sơ tán” vợ đang mang bầu và con nhỏ đi ở nhờ để “rảnh tay” cứu lũ. Lúc về, toàn bộ tài sản, vật dụng gia đình, gà vịt của anh đều bị lũ cuốn trôi, hư hại.
Chủ tịch nước biểu dương ông Hồ Sở và Phan Thuận Theo UBND tỉnh Quảng Ngãi, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang vừa gửi Thư khen hai ông Hồ Sở và Phan Thuận. Thư viết: “Tôi xúc động được biết trong cơn bão số 15 vừa qua, mặc dù đã có tuổi, các ông vẫn tích cực đi đầu cùng một số người không quản ngại nguy hiểm, vượt qua lũ dữ trong đêm tối, trên chiếc ghe nhỏ của gia đình, cứu hàng trăm người đến nơi an toàn, tránh được tổn thất sinh mạng trước thiên tai tàn khốc. Việc làm của các ông thể hiện sinh động phẩm chất hy sinh cao cả, tấm lòng nhân ái “thương người như thể thương thân” của người Việt Nam ta. Tôi nhiệt liệt biểu dương hành động dũng cảm quên mình của các ông; chúc các ông và gia đình luôn mạnh khỏe, hạnh phúc; mong các ông cùng bà con, dưới sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, đùm bọc lẫn nhau, nhanh chóng khắc phục khó khăn, mất mát, ổn định cuộc sống và tiếp tục đoàn kết vươn lên xây dựng quê hương mình ngày càng giàu mạnh. Thân ái!” (Trích thư ngày 28/11/2013). Tỉnh đoàn Quảng Ngãi gửi văn bản đề nghị T.Ư Đoàn tặng huy hiệu “Tuổi trẻ dũng cảm” cho đoàn viên Hồ Thanh Lâm với thành tích cứu người dân thoát nạn trong trận lũ lịch sử vừa qua. |