Xe được chạy trên 80 km/giờ qua trạm thu phí

Một trạm thu phí không dừng tại Thụy Sỹ (ảnh lớn), các trạm thu phí một dừng như hiện nay sẽ bị xóa bỏ (ảnh nhỏ). Ảnh: Bảo An.
Một trạm thu phí không dừng tại Thụy Sỹ (ảnh lớn), các trạm thu phí một dừng như hiện nay sẽ bị xóa bỏ (ảnh nhỏ). Ảnh: Bảo An.
TP - Xóa bỏ các gác chắn, ô tô có thể qua trạm thu phí với tốc độ tối đa cho phép là mục tiêu của Bộ GTVT trong kế hoạch triển khai hệ thống thu phí không dừng. Ngoài tiết kiệm thời gian, xăng dầu cho chủ phương tiện, giảm ùn tắc, các trạm thu phí tự động này sẽ làm minh bạch hóa công tác thu phí.

“Xóa” nhà thu phí thắt nút cổ chai


Trong thông báo kết luận cuộc họp mới đây, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường yêu cầu, chậm nhất đến ngày 31/1/2015, tổ công tác liên ngành phải hoàn thành và đưa vào sử dụng thí điểm 3 trạm thu phí không dừng kết hợp trạm kiểm soát tải trọng xe. Tổ liên ngành gồm nhiều cơ quan của Bộ GTVT, nhóm các doanh nghiệp đầu tư trạm thu phí tự động (gồm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV, Cty CP Tasco, chủ đầu tư các tuyến đường theo hình thức BOT và các nhà đầu tư tài chính khác) cùng có nhiệm vụ lập đề án tổng thể để áp dụng thu phí không dừng tại QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên.   

Hiện nay, QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên đang vào giai đoạn nước rút để hoàn thành vào cuối năm 2015. Với việc huy động vốn ngoài ngân sách để đẩy nhanh hạ tầng giao thông; tới đây, dọc hai tuyến huyết mạch này có khoảng 20 trạm thu phí. Nếu tiếp tục duy trì theo phương thức truyền thống, các trạm thu phí này sẽ trở thành những nút thắt cổ chai, hạn chế năng lực khai thác của những tuyến đường này. Cụ thể, chủ phương tiện phải giảm tốc độ; dừng xe, mua vé, trả tiền; tăng chi phí xăng dầu, ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông. 

Trong cuộc họp mới đây, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng yêu cầu “triển khai công tác thu phí không dừng trên toàn bộ hệ thống đường bộ; trước mắt là QL1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên. QL1A mà cứ mấy chục cây số lại phải dừng xe thu phí, ùn tắc, mất thời gian là không thể được”. Ngoài ra, hệ thống thu phí mới sẽ góp phần minh bạch hóa thông tin từ các trạm thu phí của các nhà đầu tư. Tất cả thông tin và hình ảnh của phương tiện tham gia giao thông từ các trạm thu phí sẽ được truyền trực tiếp về văn phòng Bộ GTVT, Bộ Công an và các cơ quan quản lý nhà nước khác. Các trạm thu phí này sẽ được kết hợp trạm cân động (có thể cân xe ở tốc độ 230 km/h) cũng nhằm bảo vệ các tuyến đường mới.

Ông Hồ Trọng Vinh, GĐ dự án thu phí không dừng của Tasco cho hay, thu phí không dừng tại Việt Nam sẽ được triển khai theo lộ trình do Bộ GTVT đề ra. Theo đó, trong hai năm đầu triển khai, các trạm sẽ được xây dựng theo hình thức bán tự động, vẫn còn gác chắn để kiểm soát (sau đó xóa bỏ dần, kể cả các đảo thu phí). “Lúc đó, việc thu phí thực hiện hoàn toàn bằng hệ thống tự động; phương tiện qua trạm thu phí như qua một cổng chào hướng dẫn giao thông” - ông Vinh nói. Như vậy, phương tiện qua trạm thu phí trên QL1A và đường Hồ Chí Minh trong tương lai có thể di chuyển với tốc độ 80km/h. Nếu áp dụng thu phí tự động tại cao tốc, tốc độ qua trạm là 100-120 km/h.

Tránh tăng chi phí vận tải 

Công nghệ thu phí tự động sẽ được áp dụng là RFID do Mỹ phát triển; nhận diện xe thông qua thẻ định danh eTag. Loại thẻ này được cấp miễn phí trong giai đoạn triển khai hệ thống, gắn chặt trên xe khi xe đi đăng kiểm (nếu bóc ra sẽ bị hỏng nhằm ngăn chặn tình trạng tráo đổi giữa các xe). Bộ GTVT chủ trương áp dụng công nghệ hiện đại này.

Ông Hồ Trọng Vinh cho hay, mục tiêu của đề án thu phí không dừng là không tăng phí đường bộ, tạo thuận tiện cho chủ các phương tiện tham gia giao thông, nâng cao công tác quản lý của cơ quan quản lý nhà nước. Cụ thể, khi sử dụng thẻ eTag, khách hàng sẽ có một tài khoản giao thông để thanh toán phí đường bộ. Tài khoản này được kết nối với tài khoản ngân hàng bất kỳ do khách hàng tự đăng ký trước đó. Mức phí qua trạm tự động bằng phí như qua trạm hiện hành. Doanh nghiệp thu phí sẽ được các nhà đầu tư BOT ký hợp đồng dịch vụ thu phí để triển khai và quản lý vận hành, đồng thời kết nối với hệ thống tổng thể toàn quốc.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam ông Nguyễn Văn Thanh ủng hộ việc kêu gọi các nhà đầu tư BOT để đẩy nhanh việc mở rộng QL1A và đường Hồ Chí Minh, tạo hạ tầng thuận lợi cho vận tải đường bộ. Ông Thanh cho rằng, với việc nâng áp dụng hệ thống trạm thu phí tự động, Bộ GTVT đã thể hiện quyết tâm xuyên suốt trong việc tạo hạ tầng hiện đại, thuận lợi. Tuy nhiên, ông Thanh đề nghị, việc thu phí tự động không được tăng phí qua trạm ở cả hai phương diện: Không được tăng phí mỗi lần qua trạm và tránh kéo dài thời gian thu phí.

Ngoài ra ông Thanh đề nghị, hạn chế tối đa việc để lái xe và chủ xe nộp tiền, rồi tiền “đóng băng” trong tài khoản ứng trước. Hơn nữa, do trình độ về công nghệ của lái xe Việt Nam chưa cao nên việc thu phí mới phải thuận lợi trong việc để người nộp phí biết mình bị trừ bao nhiêu tiền khi qua trạm.

Giúp phát hiện xe bị trộm cắp 

Để vận hành một trạm thu phí hiện nay cần trung bình 60 lao động và các chi phí vận hành liên quan. Do vậy việc vận hành mô hình mới giảm thiểu hầu hết các chi phí này. Từ các trạm thu phí tự động sẽ hình thành trung tâm quốc gia về thu phí và kiểm soát tải trọng. Ngoài hai chức năng này, trung tâm có thể có nhiều ứng dụng khác: Tìm kiếm xe có nghi vấn như xe mất trộm, xe lưu hành không có đăng kiểm… khi lưu thông qua trạm. 

MỚI - NÓNG