Xe biển xanh chở cảnh sát tới nhà cựu phó chủ tịch tỉnh Bình Thuận

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Hai xe biển số xanh 80A và 80B chở theo các cán bộ Cơ quan CSĐT Bộ Công an và đại diện VKSND Tối cao đã xuất hiện tại nhà riêng của cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, Bí thư huyện đảo Phú Quý, chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận.

Sáng 4/7, xe biển xanh của Bộ Công an và đại diện VKSND Tối cao xuất hiện tại nhà riêng của một số nguyên cán bộ, lãnh đạo tỉnh Bình Thuận.

Cụ thể, tại nhà ông Nguyễn Ngọc (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011 - 2016) trên đường Lâm Đình Trúc, phường Phú Thủy, TP. Phan Thiết có 2 xe cảnh sát mang biển số xanh 80B. Sau khoảng 1 giờ làm việc, lực lượng chức năng đã rời đi.

Xe biển xanh chở cảnh sát tới nhà cựu phó chủ tịch tỉnh Bình Thuận ảnh 1

Hai xe biển xanh xuất hiện trước nhà cựu lãnh đạo tỉnh Bình Thuận.

Cũng trong sáng nay, xe của Bộ Công an cũng xuất hiện trước nhà ông Lê Quang Vinh - Bí thư huyện đảo Phú Quý (nguyên Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận).

Các cán bộ của Cơ quan CSĐT Bộ Công an và đại diện VKSND Tối cao, công an địa phương vào bên trong căn nhà ông Ngọc khoảng 30 phút rồi rời đi.

Một chiếc xe khác chở Tổ công tác của Bộ Công an cũng xuất hiện tại nhà riêng của một chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh Bình Thuận.

Một nguồn tin xác nhận với Tiền Phong, xe của Bộ Công an và đại diện VKSND Tối cao xuất hiện tại nhà riêng các ông Nguyễn Ngọc, Lê Quang Vinh do có liên quan đến dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.

Cụ thể, ông Nguyễn Ngọc, ông Lê Quang Vinh và một số cá nhân khác có liên quan trong vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí, xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Hồi cuối tháng 4, Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C01), đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam ông Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết.

Ông Lê Tiến Phương (65 tuổi) là cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận nhiệm kỳ 2011-2016. Tháng 12/2015, HĐND tỉnh Bình Thuận khóa IX đã miễn nhiệm chức danh chủ tịch UBND tỉnh đối với ông Phương do ông có đơn xin thôi giữ chức để nghỉ hưu trước tuổi.

Bên cạnh đó, Cơ quan điều tra cũng khởi tố bị can, bắt tạm giam và khám xét nơi ở của ông Xà Dương Thắng, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.

Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng khởi tố các bị can đối với ông Đỗ Ngọc Điệp, nguyên Chủ tịch UBND TP Phan Thiết; Hồ Như Hải, nguyên Phó Giám đốc Công ty CP Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam chi nhánh Bình Thuận, Thẩm định viên về giá và Lê Anh Huy, nguyên Trưởng phòng Hành chính tổng hợp thuộc Chi cục quản lý đất đai tỉnh Bình Thuận.

Dự án Khu du lịch đô thị biển Phan Thiết có diện tích hơn 62 ha do Công ty TNHH Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết, thuộc Tập đoàn Rạng Đông làm chủ đầu tư. Toàn bộ dự án này trước đây là sân golf Phan Thiết, được một tỷ phú Mỹ xây dựng từ năm 1993, đến năm 1997 đưa vào khai thác cùng với khách sạn Phú Thủy (nay là Ocean Dunes).

Đến ngày 15/11/2013, dự án được chuyển nhượng chủ đầu tư lần thứ 4, sang Tập đoàn Rạng Đông. Giấy chứng nhận đầu tư do UBND tỉnh Bình Thuận cấp với mục tiêu “xây dựng và kinh doanh một sân golf đạt chuẩn quốc tế và các công trình phục vụ kèm theo”.

Nhưng chỉ sau hơn 2 tuần nhận chuyển nhượng sân golf (tức ngày 2/12/2013), Rạng Đông có văn bản đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận cho chuyển đổi sang đất ở đô thị. Mục đích của việc chuyển đổi này là “đầu tư xây dựng và kinh doanh biệt thự, nhà vườn, nhà phố, nhà cao tầng và các công trình phụ trợ”.

Xe biển xanh chở cảnh sát tới nhà cựu phó chủ tịch tỉnh Bình Thuận ảnh 2
Số tiền mà tỉnh Bình Thuận đã áp thu đối với dự án Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết thấp hơn khoảng 1.900 tỷ đồng so với kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp Bộ.

Ngày 25/11/2015, ông Lê Tiến Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận đã ký quyết định số 3317/QĐ - UBND về phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất cho diện tích 363.523 m2 (gồm đất ở kết hợp thương mại dịch vụ, chiếm 58,57% diện tích dự án). Phần còn lại là diện tích không thu tiền sử dụng đất là 257.132 m2 theo quy định (gồm các công trình công cộng, nhà trẻ… chiếm 41,43% diện tích khu đất dự án). Tổng số tiền sử dụng đất mà Tập đoàn Rạng Đông phải nộp là 936,8 tỷ đồng.

Tháng 10/2022, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã có thông báo số 2384/TB-VPCQCSĐT về kết luận giám định tài sản.Theo thông báo này, kết quả định giá quyền sử dụng đất dự án Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết tại thời điểm 10/4/2015 đến 25/11/2015 là hơn 2.863 tỷ đồng. Số tiền này chỉ là phần diện tích 363.523,6 m2 đất ở đô thị được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, trong tổng số 620.656 m2 của dự án Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết.

Trong khi trước đó, UBND tỉnh Bình Thuận có quyết định phê duyệt giá đất để tính tiền sử dụng đất đối với diện tích 363.523,6 m2 nêu trên là 936,8 tỷ đồng. Như vậy, số tiền mà tỉnh Bình Thuận đã áp thu đối với dự án nêu trên thấp hơn khoảng 1.900 tỷ đồng so với kết luận của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự cấp Bộ.

MỚI - NÓNG