Xăm trổ mạn chuyện

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày nay, ra đường dù không cố ý cũng dễ dàng thấy những cánh tay mầu đen đỏ. Nhiều cô gái mặc váy ngắn để lộ hình xăm trên cặp đùi nõn nà. Lại có hình xăm sau gáy, trên cổ, cả ngón tay cũng có. Xăm gần như thành trào lưu.

Từ tín ngưỡng đến chính trị

Rất nhiều dân tộc trên thế giới có tục xăm mình mang ý nghĩa tín ngưỡng. Hình xăm có khi là vật tổ, là những gì chống lại tự nhiên thần bí để bảo vệ bản thân. Người Việt cũng không ngoại lệ.

Theo truyền thuyết, thời Hồng Bàng, dân chúng ở rừng núi thường xuống sông ngòi bắt cá để ăn nhưng bị con Giao Long làm hại. Thời ấy vua giải quyết mọi vấn đề nên họ hoang mang bạch lại cho vua hay. Nghe xong vua phán: “Con Giao Long chỉ ưa cùng loài mà ghét khác loài”. Rồi vua bảo lấy mực vẽ hình giống “thủy quái” lên cơ thể, mọi người làm theo, khi xuống sông ngòi bắt cá, Giao Long không cắn nữa. Tục “vẽ mình” của người Bách Việt được cho là khởi nguồn từ đây.

“Đại Việt sử ký toàn thư” chép, thời Lý Thánh Tông đội quân bảo vệ nhà vua, hoàng tộc và các quan lớn vô cùng đông đảo lên tới 3.500 người. Trong số này có 2.000 lính đặc biệt, chia làm 16 tổ, tất cả những người này được thích (xăm) lên trán ba chữ “Thiên Tử Binh” (lính của nhà vua). Như vậy, ban đầu xăm với ý nghĩa tín ngưỡng đến triều Lý đã chuyển sang phục vụ chính trị. Thời Lý, xăm còn là đặc quyền của vua, người được vua ban chữ để xăm vô cùng hãnh diện và hạnh phúc. Và xăm cũng có húy. Lý Thánh Tông cấm “đầy tớ trong nhà thích hình con rồng trên mình”. Thời Lý Anh Tông cũng nhắc, “kẻ gia nô của bậc vương hầu không được xăm hình rồng ở ngực”. Năm 1118, vua Lý Nhân Tông ra chỉ dụ, cấm nô bộc của các nhà dân trong ngoài kinh thành không được thích mực vào ngực, vào chân.

Khi quân Nguyên Mông xâm lược Đại Việt (đời Trần), trước vó ngựa hùng mạnh của quân thù, 271 trai tráng trong đó có trai làng Khê Tang, xã Cự Khê (nay thuộc huyện Thanh Oai, Hà Nội) theo Hưng Đạo đại vương đồng loạt xăm hai chữ “Sát Thát” (giết giặc Nguyên) lên cánh tay. Trước tấm lòng “trung quân, ái quốc” của các nghĩa sĩ, trai tráng khắp nơi đã hưởng ứng theo Hưng Đạo đại vương đánh quân Nguyên Mông.

Xưa, người ta dùng gai tre nhúng đầu nhọn vào than củi tán mịn hay nước lá chàm đặc sau đó châm theo mẫu vẽ trên da. Than củi và nước lá chàm khi ngấm vào da thịt không gây nhiễm trùng, không tạo ra phản ứng vì thế hình xăm không bị nhòe nhoẹt, loang lổ.

Vì sao xã hội “mặc cảm” với người xăm?

Cái gai mới nhú đã nhọn, mọi chuyện đều có nguyên nhân. Thời Lý, những ai trái lệnh khi xăm hình rồng bị xử phạt phải làm nô lệ cho nhà quan. Tuy nhiên mức phạt này không ghi trong “Hình thư”, bộ luật của triều Lý. Trong “Lê triều hình luật” cũng không có điều khoản nào xử phạt người xăm trái ý chỉ. Song trong “Hoàng Việt luật lệ”, bộ luật của triều Nguyễn ban hành năm 1813 lại qui định cụ thể hình phạt các tội và dùng xăm để sỉ nhục. Về tội ăn cắp, luật ghi “Tội ăn cắp nhưng không lấy được đồ thì bị phạt xuy 50 roi (tội xuy có 5 bậc, đánh 10-50 roi, dùng dây mây nhỏ, vừa đánh vừa răn cho biết sỉ), miễn xăm chữ”. Tuy nhiên nếu lấy được đồ thì “không kể là chia tang vật hay không…, thủ phạm và người liên quan bị xăm hai chữ “ăn trộm” ở tay, mỗi chữ to 5 phân, nét to 5 ly”. Trong “Châu bản triều Nguyễn” còn lưu một số văn bản về việc xử tội trộm cắp. “Phàm những kẻ sờ mó trộm cắp, bất luận là tội phạm lần đầu hay tái phạm, đều lập tức thích chữ gông lại, cho làm khổ sai, sau mãn hạn 3 năm thì giao cho dân bảo lãnh”. Kẻ trộm cắp tái phạm nhiều lần thì bị xử đánh gậy, đi đày và thích chữ ở cánh tay phải, nhưng cũng có kẻ bị xử tội chém đầu.

Xăm trổ mạn chuyện ảnh 1

Dịch vụ xăm có mặt ở khắp nơi.

Xăm trổ mạn chuyện ảnh 2

Những cô gái trẻ không ngại khoe hình xăm trên mạng.

Một qui định khác là “Đạo chích tái phạm tới 10 lần bị xử giảo giam hậu (giam chờ ngày treo cổ). Kẻ đã bị xử phạt đánh gậy, thích chữ vào mặt, sung làm lính ở phủ nhưng không biết hối cải, bỏ trốn hàng ngũ thì bị xử trảm lập quyết (chém ngay)”. Thời vua Tự Đức (1847-1883), để sỉ nhục kẻ có tội, quan cai ngục dẫn tù đi qua chỗ đông người, qua chợ cho dân chúng biết mặt. Sợ tù bỏ trốn, quan cai ngục dùng dây buộc tay tù này với tù kia nên người ta gọi là tù dây. Dân buôn bán và đi chợ nhìn thấy vết xăm trên trán tù nhân khiếp vía. Nhiều tù đói quá đã cướp quà cho vào mồm ngấu nghiến, dân chợ sợ quá vội cho bánh, cho quà, thuốc lào để họ không cướp. Từ đó cứ nhìn thấy người xăm là mặc cảm.

Vẫn xăm trổ

Tuy bị xã hội mặc cảm, phần lớn nói sau lưng, thậm chí nói công khai bỉ bôi trong các cuộc họp ở tổ dân phố, xóm làng, bị từ chối yêu, từ chối cưới nhưng vẫn có người dám xăm trổ. Thời bao cấp, thanh niên xăm trổ đa phần có tiền án, tiền sự hay đi trại. Con nhà lành hầu như không ai thêm thắt cái gì vào cơ thể mẹ cha cho. Ngày đó họ xăm không phải làm đẹp, xăm vì ẩn ức, có thể là từ sự phản ứng nào đó nên chữ xăm thường là “hận đời”, “hận tình phải trả”, “nhớ mẹ”, “bạc mệnh”… Nhưng có người “sợ chết” lại xăm 4 chữ Hán “Bản mệnh trường sinh”. Hình xăm cũng đơn giản, có người xăm mũi tên xuyên qua quả tim, người xăm Phật bà, hình chữ thập trước ngực hay sau lưng.

Trong chiến tranh chống Mỹ và sau khi đất nước thống nhất một thời gian, thanh niên đi khám nghĩa vụ quân sự có hình xăm ở tay, trên lưng, ngực người nếu đủ sức khỏe vẫn nhập ngũ bình thường. Khi nhập ngũ họ hay xăm ngày nhập ngũ hay chữ “xa quê”. Tuy nhiên tổ kiểm soát quân sự của Trạm 99 ở đường Nam Bộ (nay là Lê Duẩn, gần ga Hà Nội) kiểm tra giấy tờ tân binh mặt non choẹt phát hiện có hình xăm thế nào cũng bị xử lý.

Thời bao cấp, xăm bằng mực Tầu hoặc bằng muội cao su. Để vết xăm liền nét phải xăm dầy mũi hoặc chập hai hoặc ba cây kim khâu, cắm vào thịt ít nhất là 2 ly. Đau điếng nhưng chơi thì ráng chịu. Vết xăm tấy đỏ ba bốn ngày rồi xẹp dần và lúc đó hình xăm hiện ra. Có một vài đứa phổ biến, xăm bằng sữa non đàn bà mới sinh con đầu lòng xăm thay mực khi cáu giận vết xăm sẽ nổi đỏ, đó là chuyện tào lao.

Thập niên 80, thế kỷ 20, theo hiệp định hợp tác lao động với các nước xã hội chủ nghĩa, Liên Xô tiếp nhận nhiều nhất lao động Việt Nam sang làm việc. Ở Liên Xô có những vùng khí hậu rất lạnh, mùa đông có băng tuyết nên khi khám sức khỏe, các bác sĩ Liên Xô loại những ai gẫy nhiều răng và cả người xăm trổ (có thể đó chỉ là lý do được nêu ra). Vì thế nhiều người đã xăm tay vội vàng xóa. Họ lấy lưỡi dao lam rạch theo vết xăm để máu ứa ra, sau đó giã tôm sống đắp lên rồi băng lại. Khi vết rạch bị nhiễm trùng, sẽ tháo băng ra rửa nước muối, rắc thuốc kháng sinh. Dăm sáu ngày, vết rạch đóng vẩy, cậy vẩy ra thì những vết xăm mầu nước cống sẽ đi theo rồi thành sẹo. Tuy nhiên xen lẫn sẹo vẫn còn chấm mực, rất bẩn.

Dù có nhiều ý kiến, rằng xăm là ghi lại kỷ niệm, là trang trí, là làm đẹp, hình xăm sẽ xua đuổi tà ma, ác quỉ để họ tự tin, mạnh mẽ, xăm là văn minh… Rằng ngày nay con nhà lành, con nhà cán bộ có chức quyền cũng xăm nhưng cũng không xóa được hẳn “mặc cảm” trong xã hội. Tuy nhiên xăm biểu hiện quan niệm cho mình, không vì thiên hạ, đó cũng là lối sống của giới trẻ hôm nay.

Lúc trẻ da dẻ căng mịn, vết xăm rất đẹp nhưng khi có tuổi cơ thể gầy ốm, da nhăn nheo, hình xăm co lại không còn rõ đường nét trông như vệt bẩn. Rất chán.

MỚI - NÓNG