Trong suốt nhiều năm qua, khoảng 300 xác ướp Chinchorro đã được tìm thấy ở khu vực sa mạc miền Bắc Chile, khu vực gần biên giới Peru. Những xác ướp này có niên đại từ giữa những năm 5.000 đến 1.500 Trước công nguyên và được coi là xác ướp lâu đời nhất thế giới.
Kỹ thuật ướp xác của người Chinchorro rất phức tạp. Họ lấy não và nội tạng người chết ra khỏi cơ thể và nhồi rơm hoặc tro vào hộp sọ. Sau đó, họ dùng cây sậy để giữ xương sống thẳng và lấy sợi từ thân cây sậy để khâu cơ thể và ráp nối các bộ phận. Cuối cùng, họ phủ bột nhão từ đất sét hoặc bùn lên toàn bộ thi thể.
Một xác ướp trẻ em của người Chinchorro.
Tuy đã nằm dưới lớp cát sa mạc hàng ngàn năm, nhưng khi được đưa lên mặt đấy, những xác ướp Chinchorro lại phải đối mặt với nguy cơ bị hư hại nặng nề, hoặc thậm chí phân hủy nếu các nhà nghiên cứu tại Chile không có kinh phí để cải thiện và duy trì việc bảo quản. Cụ thể, độ ẩm không khí cao có thể khiến vi khuẩn sống trong xác ướp Chinchorro phát triển mạnh, làm cho xác ướp phân hủy hoàn toàn. Để ngăn quá trình phân hủy, người ta cần bảo quản xác ướp ở môi trường có độ ẩm từ 40% đến 60%.
Phần đầu của một bào thai được ướp xác.
“Chúng tôi đang tích cực kêu gọi tài trợ. Những xác ướp này đã tồn tại tới 7.000 năm, lâu hơn rất nhiều những xác ướp ở Ai Cập (chỉ mới tồn tại 3.000 năm) và có ý nghĩa rất lớn trong việc nghiên cứu lịch sử phát triển của con người”, ông Sergio Medina Parra, nhà nhân chủng học hiện làm việc tại Đại học Tarapaca ở thành phố Arica cho biết. “Việc này không chỉ có lợi cho các xác ướp Chinchorro mà còn giúp cải thiện công tác bảo tồn xác ướp ở khắp nơi trên thế giới.”
Ông Medina cũng đang tích cực kêu gọi và vận động để những xác ướp Chinchorro được tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới.