Xác định địa điểm diễn ra Hội thề Lũng Nhai

Xác định địa điểm diễn ra Hội thề Lũng Nhai
TP - GS Phan Huy Lê- Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam nói, địa điểm đó là một làng ven sông Âm, ở chân núi Pù Mé, nay là làng Lũng Mi (tên gọi khác là làng Mé) thuộc xã Ngọc Phụng, huyện miền núi Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa.

> Thanh Hóa: Cần xác định nơi diễn ra Hội thề Lũng Nhai

Sự xác định này được GS Lê nêu ra tại Hội thảo khoa học “Hội thề Lũng Nhai trong khởi nghĩa Lam Sơn” ngày 20/7 ở huyện Thường Xuân (Thanh Hóa) do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện Sử học, Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Thanh Hóa, UBND huyện Thường Xuân tổ chức.

Hai quan điểm trong giới sử học Thanh Hóa

Nhiều năm qua, trong giới sử học Thanh Hóa có hai quan điểm: một cho rằng Hội thề Lũng Nhai diễn ra tại làng Lũng Mi, xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân. Một quan điểm lại cho rằng, địa điểm diễn ra Hội thề Lũng Nhai tại xã Phúc Thịnh, hoặc xã Kiên Thọ, huyện miền núi Ngọc Lặc, Thanh Hóa (đại diện cho nhóm có quan điểm này là nhà nghiên cứu lịch sử Phạm Tấn- công tác tại Hội sử học Thanh Hóa).

Tôn trọng ý kiến đa chiều của các nhà nghiên cứu lịch sử, tháng 11/2012 và tháng 5/2013, UBND huyện Thường Xuân, Sở VH - TT&DL Thanh Hóa đã tổ chức cho đoàn cán bộ nghiên cứu thuộc Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Viện sử học, Khoa Lịch sử Trường ĐH khoa học xã hội và nhân văn, Viện Lịch sử quân sự, các nhà nghiên cứu lịch sử của Hội sử học Thanh Hóa… tiến hành khảo sát, điền dã tại núi Pù Mé thuộc làng Lũng Mi, xã Ngọc Phụng và hai xã Phúc Thịnh, Kiên Thọ.

Tại hội thảo khoa học nêu trên, có 31 tham luận của các giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử hàng đầu Việt Nam đã nêu bật ý nghĩa quan trọng, to lớn của Hội thề Lũng Nhai trong khởi nghĩa Lam Sơn. Phần lớn các tham luận, ý kiến của nhà khoa học đều cho rằng Hội thề Lũng Nhai diễn ra tại làng Lũng Mi, xã Ngọc Phụng.

Theo tài liệu tại hội thảo, Hội thề Lũng Nhai do anh hùng dân tộc Lê Lợi khởi xướng, tổ chức vào tháng 3/1416. Tại hội thề này, Lê Lợi cùng 18 vị anh hùng hào kiệt tổ chức lễ tế cáo trời đất, kết nghĩa anh em, nguyện hợp sức phát động cuộc khởi nghĩa chống ách đô hộ của nhà Minh. Hội thề Lũng Nhai đặt cơ sở cho sự hình thành hạt nhân đầu tiên của bộ tham mưu khởi nghĩa, trong số những người dự hội thề lịch sử sáng lập ra cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, đặc biệt có Nguyễn Trãi.

Sau hội thề, công việc tiến hành một cách khẩn trương, Lam Sơn trở thành nơi tụ nghĩa của anh hùng hào kiệt bốn phương. Tất cả những con người yêu nước ấy khác nhau về vùng miền, lối sống, ngôn ngữ nhưng họ có cùng mối thù không đội trời chung với quân giặc và một lý tưởng quyết tâm đuổi giặc cứu nước.

Những hiện vật đang được lưu giữ

Hiện vật đang lưu giữ tại xã Ngọc Phụng
Hiện vật đang lưu giữ tại xã Ngọc Phụng.

Trong những năm qua, xã Ngọc Phụng đã thu thập được nhiều hiện vật cổ có liên quan đến cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.

Nhóm hiện vật lưu giữ tại UBND xã Ngọc Phụng gồm có 7 hiện vật (chất liệu đồng, sắt, đá). Trong đó, có 6 hiện vật gồm: Lao, khâu kiếm, đốc kiếm, mảnh trang trí hình chữ nhật, mảnh giá treo hình rồng và khánh là do bà con phát hiện năm 2007 trong quá trình canh tác tại đồi Bái Chanh và dưới chân núi Bù Me ở thôn Xuân Thành (trước kia là làng Mé hoặc Lũng Mi).

Một hiện vật là tượng voi đá phát hiện ở thôn Quyết Tiến, xã Ngọc Phụng năm 2008 (khu vực có miếu thờ). Khu vực phát hiện nhóm hiện vật trên tương truyền là nơi Lê Lợi cùng 18 người hào kiệt đồng sức, đồng lòng, làm lễ tế cáo trời đất kết nghĩa anh em, tuyên đọc lời thề quyết tâm đánh giặc cứu nước.

Tại xã Ngọc Phụng và các vùng xung quanh còn nhiều truyền thuyết dân gian về Lê Lợi và khởi nghĩa Lam Sơn như: Làng Phụng Dưỡng là nơi cứu chữa tân binh trong khởi nghĩa, hòn đá mài mực, suối Khao, chòm Nhân, đá ngồi, cánh đồng chó…

Nhóm hiện vật đang lưu trữ trong dân (gia đình ông Phạm Quang Toán, dân tộc Mường, thôn Phú Vinh, xã Ngọc Phụng) có 11 hiện vật chủ yếu là chất liệu đồng và chất liệu hữu cơ. Trong đó có 8 hiện vật gồm: Kiếm, chuôi kiếm, chắn kiếm, chuông và bốn đồng tiền Minh Mệnh là trong bộ Khót của ông Mo Mường.

Trong đó, chiếc kiếm có hàng chữ Hán dịch là “Na sát quỷ”. Hai đồng tiền Khải Định gia đình sử dụng để xin tiền đài (âm – dương) mỗi khi dâng hương cúng ở bàn thờ tổ tiên. Hiện vật còn lại là ống quyển (được làm bằng ống nứa, bên ngoài sơn đỏ, có hoa văn vân mây) xưa kia đã dùng để cất giữ tài liệu giấy gió có chữ Nho.

Phát biểu tại hội thảo, GS Phan Huy Lê và các nhà khoa học mong muốn UBND huyện Thường Xuân sớm xây dựng văn bia khắc tên 19 vị anh hùng hào kiệt tham gia Hội thề Lũng Nhai, đặt tại nơi diễn ra hội thề này; có phương án lập hồ sơ, chuẩn bị các điều kiện cần thiết theo quy định của Luật Di sản văn hóa để đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận địa điểm diễn ra Hội thề Lũng Nhai là di tích lịch sử. Từ đó, nhằm phát huy giá trị lịch sử văn hóa của di tích này, nằm trong quần thể di tích lịch sử- văn hóa Lam Kinh (đã được công nhận là di tích cấp quốc gia đặc biệt).

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.