Chiều 18/3, theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, trong ngày 17/3, các tỉnh Bắc Bộ có mưa, lượng mưa phổ biến từ 10-30mm.
Một số khu vực có lượng mưa lớn hơn: Bảo Yên (Lào Cai) 86mm, Văn Bàn (Lào Cai) 81mm, Vĩnh Tuy (Hà Giang) 59mm, Ghềnh Gà (Tuyên Quang) 66mm. Do ảnh hưởng của không khí lạnh, từ đêm 17, rạng sáng 13/8, nhiều tỉnh ở miền núi phía Bắc đã xảy ra mưa đá như Lào Cai, Tuyên Quang, Lai Châu, Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Kạn, Sơn La, Hà Giang.
Đến chiều 18/3, mưa đá đã làm 2.260 nhà hư hỏng, tốc mái, trong đó nặng nhất là Lai Châu trên 1.150 nhà, Hà Giang trên 430 nhà, Lào Cai gần 340 nhà, Yên Bái trên 180 nhà… Mưa đá cũng làm 870 ha hoa màu gãy đổ, nhiều gia súc, gia cầm bị chết…với ước tính thiệt hại trên 9 tỷ đồng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ đêm 18 đến ngày 22/3, ở phía Tây Bắc Bộ vào chiều tối và đêm có mưa rào và dông vài nơi, ngày nắng, riêng chiều tối ngày 21 và 22/03 có mưa rào và dông rải rác. Trong cơn dông có khả năng xảy ra lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh.
Từ ngày 23 đến ngày 24/3, có mưa, có nơi mưa vừa, mưa to và rải rác có dông, đề phòng lốc sét, mưa đá và gió giật mạnh. Mưa đá thường xảy ra ở vùng núi hay khu vực giáp biển, giáp núi (bán sơn địa), còn vùng đồng bằng ít xảy ra hơn.
Mưa đá thường hình thành trong các tháng chuyển tiếp giữa thời tiết lạnh sang nóng hoặc giữa nóng sang lạnh (tháng 3,4,5,6 hoặc tháng 8,9,10 và 11).
Vào các tháng này thường có sự giao tranh mãnh liệt giữa các phần tử không khí ở hai khối không khí có bản chất trái ngược nhau. Chính sự giao tranh này tạo nên những vùng đối lưu rất mạnh gây ra mưa rào và dông mạnh, kèm theo mưa đá.
Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã đề nghị các tỉnh bị thiệt hại do mưa đá, dông lốc khẩn trương thống kê thiệt hại và tập trung khắc phục hậu quả, đảm bảo ổn định đời sống cho người dân.
Các địa phương khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa thông tin kịp thời đến người dân và cộng đồng để chủ động các biện pháp ứng phó phù hợp với mưa, dông lốc, sét và mưa đá.