Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đến chiều nay, bão số 12 đã làm 29 người chết (Quảng Ngãi 2 người, Bình Định 3 người, Khánh Hòa 16 người, Lâm Đồng 3 người, Đăk Lắk 1 người và 4 người sự cố tàu vận tải); 29 người mất tích (Bình Định 4 người, Phú Yên 1 người và 24 người do sự cố tàu vận tải).
Bão đã làm trên 1.000 ngôi nhà bị sập đổ (nặng nhất là Khánh Hòa gần 700 nhà), trên 43.600 nhà bị tốc mái, hư hỏng (trong đó Khánh Hoàng gần 29.400 nhà, Phú Yên gần 12.600 nhà).
Diện tích lúa bị ngập hơn 4.400 ha; trên 25.300 ha rau màu bị hư hại. Bão cũng đánh chìm gần 230 tàu (Bình Định 2 tàu, Phú Yên 114 tàu, Khánh Hòa 112 tàu); gần 1.500 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại (chủ yếu của Khánh Hòa, Phú Yên).
Bão cũng khiến nhiều tuyến nhiều tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ tại Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Nam bị ngập, sạt lở, chia cắt; nhiều chuyến tàu bị ách tắc do tuyến đường sắt từ Phú Yên đi Khánh Hòa bị phong tỏa.
Đến chiều nay, tại Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định hầu như bị mất điện toàn tỉnh; các tỉnh Đắk Lắk, Quảng Ngãi, KonTum, Đắk Nông bị mất điện một phần…
Trong báo cáo gửi Thủ tướng hôm nay về cơn bão số 12, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai cho biết, bão số 12 là cơn bão mạnh. Cấp độ rủi ro thiên tai tới 4 (cấp rủi ro chỉ sau cấp thảm họa) ở các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận.
Khoảng 6 giờ 4/11, bão đổ bộ vào đất liền tại tỉnh Khánh Hòa gây gió giật mạnh nhất đạt cấp 12-13; ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên cấp 13; Lâm Đồng cấp 10-11, các khu vực khác có gió giật mạnh cấp 7-9.
Đặc biệt, bão duy trì gió mạnh trên đất liền kéo dài (12 tiếng), phạm vi ảnh hưởng rộng các tỉnh ven biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận và Tây Nguyên; gây mưa lớn từ 400-600mm tại tỉnh Thừa Thiên- Huế, từ 300-500mm tại các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, từ 200-300mm tại các tỉnh Bình Định, Phú Yên…
Theo Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, đây là cơn bão mạnh nhất trong nhiều năm qua đổ bộ vào khu vực nhưng nhiều cấp chính quyền địa phương và người dân còn chủ quan, chưa quyết liệt và không có kinh nghiệm trong ứng phó với bão lớn.
Việc kiểm soát, tổ chức neo đậu, cứu hộ, cứu nạn các tàu vận tải ở cảng Quy Nhơn, tỉnh Bình Định còn nhiều bất cập, hạn chế. Phương án ứng phó của một số địa phương còn chưa sát với thực tế, nhất là phương án sơ tán, di dời dân ở những nơi không an toàn.
Trong khi đó, mức bảo đảm thiết kế của công trình đê điều, hệ thống điện, thông tin thấp hơn cường độ bão xảy ra. Nhiều khu neo đậu tàu thuyền trú tránh bão bất cập, quá tải, không đủ cho các tàu thuyền vào tránh trú, đặc biệt là tàu vãng lai, tàu vận tải…
Ngoài ra, do năng lực các của cơ quan tham mưu phòng, chống thiên tai các cấp ở địa phương trong khu vực còn rất nhiều hạn chế cả về số lượng, kinh nghiệm cán bộ, trang thiết bị, phương tiện. Việc tham mưu xây dựng kế hoạch, phương án phòng chống thiên tai, nhất là với bão mạnh của các địa phương còn xa rời thực tế, không áp dụng được khi có tình huống thiên tai xảy ra.