Lạm dụng xét nghiệm tràn lan
Một thực tế đang tồn tại là có nhiều bệnh viện thực hiện xã hội hóa còn tình trạng chỉ định xét nghiệm quá mức. Ví dụ, tại Bệnh viện Uông Bí, Bãi Cháy chi phí xét nghiệm chiếm đến 30-40%, trong khi bình quân cả nước là trên 20%. Ông Thảo cho hay: “Giá dịch vụ y tế các bệnh viện tự xây dựng, nhiều khu vực không kiểm soát giá, thu chênh lệch với bảo hiểm y tế quá lớn. Ví dụ có bệnh viện tại TPHCM chạy thận nhân tạo trước giá 250.000 đồng, bệnh viện thu thêm 200.000 đồng; nay điều chỉnh giá lên 460.000 đồng - tính giá gần sát thực tế mà họ vẫn thu thêm 200.000 đồng. Đây là cái khó trong việc đảm bảo quyền lợi người bệnh”.
Thống kê cho thấy, trong số gần 2.000 máy xã hội hóa của cả nước thì 38% không có đề án, bệnh viện tự lắp đặt rồi thông báo bảo hiểm thanh toán. Có tới 60% máy cho thuê mượn không có đề án.
Theo ông Thảo, vẫn còn tồn tại những bất cập như không quy hoạch rõ ràng, tập trung tại một số khu vực thành phố lớn. Đáng chú ý những dịch vụ có khả năng thu hồi vốn nhanh, có lợi nhuận thì được tập trung xã hội hóa. Thống kê của cơ quan bảo hiểm cho thấy có tới 80% xã hội hóa tập trung vào liên kết đặt máy xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.
Thêm nữa, việc quản lý chất lượng các dịch vụ xã hội hoá cũng chưa được thường xuyên, tỷ lệ lắp đặt máy xã hội hoá đúng quy định của Bộ Y tế chưa nhiều. Thống kê cho thấy, trong số gần 2.000 máy xã hội hoá của cả nước thì 38% không có đề án, bệnh viện tự lắp đặt rồi thông báo bảo hiểm thanh toán. Có tới 60% máy cho thuê mượn không có đề án. Vì thế có một số kỹ thuật chưa được phê duyệt làm tại Việt Nam nhưng vẫn được làm, dẫn đến khó kiểm soát chất lượng. Đây là nguyên nhân khiến nhiều bệnh viện không công nhận kết quả xét nghiệm của nhau.
Ông Thảo đề xuất cần tăng cường quản lý Nhà nước từ quy hoạch lắp đặt đến chất lượng, giá cả. Ngoài ra phải có kiểm định chất lượng định kỳ các máy móc này nhằm sẽ xóa bỏ tình trạng không chấp nhận kết quả của nhau.
Ông Nguyễn Văn Tiên, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội lo ngại về giá các bệnh viện thu khi thực hiện xã hội hóa vì có bệnh viện đầu tư hàng trăm tỷ đồng nhưng thu giá gấp 3-4 lần bảo hiểm y tế. Ông Tiên đề nghị Bộ Y tế cần có cơ chế sau này cho những bệnh viện lớn như Bạch Mai, Việt Đức có xã hội hóa thì dùng tiền quỹ bảo hiểm y tế mua lại các khoản nợ đã đầu tư đó, để bệnh viện thu bằng giá bảo hiểm y tế thì người dân sẽ được hưởng.
Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, cơ sở hạ tầng của ngành y tế hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu, tỷ lệ giường bệnh trên dân số còn thấp, hiện mới đạt 24 giường bệnh/10 vạn dân (theo khuyến nghị của các tổ chức quốc tế chỉ tiêu này cần đạt là 39/10 vạn dân).
Bên cạnh những bất cập nêu trên, xã hội hóa y tế đã đạt được một số kết quả tích cực như phát triển nhiều kỹ thuật mới, trang bị được nhiều loại thiết bị hiện đại, tiên tiến như hệ thống PET.CT, CT-Scanner các loại, hệ thống cộng hưởng từ, máy gia tốc tuyến tính, các thiết bị tán sỏi ngoài cơ thể, mổ Phaco, siêu âm màu, máy xét nghiệm các loại... giúp nâng cao hiệu quả chẩn đoán và điều trị, phát hiện sớm, chính xác bệnh tật, giảm tỷ lệ tử vong. Nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật cao đã được thực hiện, làm cho trình độ kỹ thuật về y tế của Việt Nam đang dần tiến bộ ngang với các nước tiên tiến trong khu vực.
Để tiếp tục xã hội hóa và kết hợp công tư trong khám, chữa bệnh hiệu quả, Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ Y tế) đề xuất, thời gian tới ngành y tế cần sớm thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế vì hiện nay giá dịch vụ mới chỉ tính 3/7 yếu tố chi phí; chỉ có tính đủ chi phí thì mới thúc đẩy và khuyến khích vay vốn để đầu tư, bình đẳng giữa trong và ngoài công lập, khuyến khích tham gia bảo hiểm y tế. Các bệnh viện phải từng bước thu hẹp các giường bệnh theo yêu cầu nằm rải rác ở các khoa hiện nay…