World Cup trần trụi giữa bầy… hacker

World Cup trần trụi giữa bầy… hacker
Rất nhiều đội tuyển sẽ nhờ cậy đến sự giúp đỡ của công nghệ trong việc tra cứu thông tin, trao đổi dữ liệu cũng như nghiên cứu đối thủ trong kỳ World Cup tới. Tuy nhiên họ nên cẩn thận khi sử dụng “con dao hai lưỡi” mang tên công nghệ số.

Đi tìm thông tin

Trong bóng đá cũng như trong bất kỳ lĩnh vực nào trên đời, am hiểu về đối thủ là điều cực kỳ quan trọng. Tuy nhiên, ít nhất là ở cấp độ ĐTQG, thu thập thông tin lại không phải là chuyện dễ dàng.

Các CLB thi đấu tối thiểu là 40 trận mỗi năm (có thể lên tới 60 trận nếu họ vào sâu ở Cúp QG cũng như Champions League) và sự phát triển của công nghệ thông tin cho phép người ta tổng hợp được một kho dữ liệu đủ lớn về bất kỳ đội bóng nào mà mình cần, tuy nhiên với các ĐT thì khác.

Thường thì các ĐTQG chỉ đá từ 10-15 trận mỗi năm, trong đó có một phần không nhỏ là giao hữu và đội hình ra sân hiếm khi được cố định, do đó chẳng có gì đảm bảo là hệ thống dữ liệu của các trận đấu này có thể phản ánh được đầy đủ bộ mặt của một đội bóng.

Trong những năm diễn ra World Cup hay EURO, khi mà các ĐT hầu như chỉ đá giao hữu (trừ giai đoạn tháng 6-7) và với một thái độ “giữ chân” thì nghiên cứu về đối thủ dựa trên các thông tin công khai lại càng trở nên bất khả thi.

Tất nhiên là người ta cũng có thể thi đấu cọ xát với các đội bóng có lối chơi tương tự như đối thủ mà mình sắp phải chạm trán ở World Cup, nhưng xét cho cùng thì Peru không phải Uruguay và xứ Wales cũng rất khác với Anh. Thế nên các ĐT cần phải tìm kiếm một giải pháp khác để có được những thông tin mình muốn, cho dù chúng không được chính thống cho lắm. 

Từ thô sơ đến hiện đại

Thô sơ và tốn ít neuron thần kinh nhất là những giải pháp “cơ học”, dạng như quan sát trực tiếp. Ví dụ, lắp đặt camera theo dõi (đừng nghĩ rằng chuyện này không thể xảy ra trong bóng đá hiện đại, bởi mới tháng 4/2014 vừa rồi thì Leeds United đã phải báo cảnh sát can thiệp sau khi phát hiện ra nhiều camera quay lén trong phòng họp và khu vực tập luyện).

Tuy nhiên về cơ bản thì phương án này đều dễ bị vô hiệu hóa và còn có thể mang đến những rủi ro cho bên thực hiện chúng (gặp rắc rối với cơ quan an ninh, bị kiện tụng…) nếu không may bị phát hiện.

Trong thời buổi mà thế giới đang được “số hóa” một cách cao độ như hiện nay, công nghệ cao đang tỏ ra cực kỳ hữu ích đối với công tác chuẩn bị của các đội bóng. Tất cả các tuyển thủ Anh đã nhận được một chiếc iPad đặc biệt, trong đó có cài đặt một phần mềm chuyên dụng để nghiên cứu cầu thủ, và các chức năng của nó được tùy chỉnh theo yêu cầu của từng thành viên trong đội.

Ví dụ, Wayne Rooney hay Daniel Sturridge sẽ có thể dễ dàng truy cập và theo dõi các pha bóng của bộ đôi trung vệ bên phía Italia, trong khi Gary Cahill hoặc Phil Jagielka sẽ nhận được đầy đủ thông tin và hình ảnh liên quan đến những pha xử lý của các tiền đạo Azzurri.

Chưa hết, FA cũng đã thiết lập một Trung tâm dữ liệu phục vụ riêng cho World Cup, theo đó các chuyên gia phân tích làm việc tại St George’s Park sẽ xem toàn bộ các trận đấu ở Brazil, chọn lọc ra những gì đáng chú ý nhất trước khi gửi đến cho các trợ lý của Hodgson ở Rio de Janeiro.

Còn đối thủ hàng đầu của họ ở vòng bảng, ĐT Italia, cũng không chịu thua kém. Mỗi tuyển thủ Italia được phát một chiếc thẻ đặc biệt, với bề ngoài gần như y hệt thẻ ATM ngân hàng, chỉ có điều nó không được dùng để rút tiền. Thay vi tiền mặt, những chiếc thẻ này sẽ cung cấp cho Pirlo và các đồng đội toàn bộ những thông tin mà họ cần, từ lịch tập luyện cho đến phương án đá phạt góc, từ điểm yếu của đối thủ cho đến các bài nói chuyện khích lệ tinh thần của HLV (đã được thu sẵn vào các clip).

“Ngày trước, người ta đưa cho chúng tôi hàng đống folder và tài liệu. Bây giờ, chỉ một mảnh nhựa nhỏ là đủ” - Demetrio Albertini, cựu tuyển thủ Italia nay là PCT LĐBĐ Italia (FIGC) cho biết. Rất hiệu quả, nhưng không phải là không thể bị khai thác.

Bức tường mỏng manh

Nhà cung cấp giải pháp công nghệ cao hàng đầu nước Mỹ, NetApp, đã ước tính rằng sẽ có khoảng 12.902 GB dữ liệu liên quan tới World Cup được truyền tải qua mạng trong vòng một tháng bóng lăn, tức cao hơn khoảng 30% so với World Cup 2006 và 2010.

Một phần là vì số lượng CĐV sử dụng thiết bị công nghệ cao (smartphone, iPad…) để upload hình ảnh/video lên mạng đã tăng lên, một phần vì các hãng truyền hình cố gắng nâng cao chất lượng phát sóng, nhưng phần khác cũng vì các ĐT tham gia World Cup ngày càng tích cực khai thác và truyền tải dữ liệu phân tích qua mạng. Và cần phải khẳng định rằng các dữ liệu này không phải là không thể đột nhập, nhất là với những tay hacker sừng sỏ.

Chẳng nói đâu xa, các thành viên của nhóm hacker nổi tiếng Anonymous vừa tuyên bố họ đã chuẩn bị một đợt tấn công mạng quy mô lớn trong thời gian diễn ra World Cup và đích ngắm sẽ là các nhà tài trợ lớn của ngày hội bóng đá thế giới, trong đó có Coca-Cola, Adidas, Budweiser hay Emirates Airlines.

Anonymous không nói đùa: cuối tháng 5 vừa qua, họ đã tấn công vào cơ sở dữ liệu của… Bộ ngoại giao Brazil, lấy đi tổng cộng 333 tài liệu. Sau đó, người phát ngôn của cơ quan ngoại giao nước chủ nhà World Cup đã phải lên tiếng trấn an dư luận rằng “chỉ có 55 tài khoản email bị đột nhập” và “không có gì quan trọng bị tiết lộ, ngoại trừ một số văn bản đính kèm trong email”.

Nói thì nói vậy, nhưng trên thực tế hệ thống liên lạc của Bộ ngoại giao Brazil đã bị phá hủy nghiêm trọng tới mức các nhà ngoại giao ở nước này đã không thể sử dụng email trong vài ngày, và nếu một kho dữ liệu tối mật như thế còn bị xâm phạm thì chẳng có gì đảm bảo là hệ thống truyền dữ liệu của các ĐTQG tham dự World Cup có thể làm khó các hackers (nên nhớ rằng các cơ quan an ninh mạng sừng sỏ bậc nhất thế giới cũng vẫn chưa làm gì được Anonymous).

Thử tưởng tượng xem điều gì sẽ xảy ra nếu một vài hacker nổi tiếng, như Che Commodore hoặc AnonManifest chẳng hạn, truy cập thành công vào kho dữ liệu chiến thuật/tập luyện của một vài ĐT đối thủ (sau khi được “ai đó” nhờ vả) và bỗng… nổi hứng yêu nước mà gửi chúng cho ĐT quê hương mình?

Đó sẽ là thảm họa, thảm họa thực sự đối với bên bị lộ thông tin và tốt nhất là các HLV trưởng vẫn nên để dành những gì tinh túy nhất cho các cuộc hội thoại kín bên trong phòng thay đồ, thay vì trông cậy toàn bộ vào công nghệ cao…

Theo Quang Hải
Theo Theo Đất Việt
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.