Trở lại vụ án “lâm tặc đánh nhà báo” tại Đăk Lăk:

Vừa ra tù, bị xử tiếp, lại được hưởng án treo?!

Vừa ra tù, bị xử tiếp, lại được hưởng án treo?!
TP - Vụ án “lâm tặc đánh nhà báo” ở Đăk Lăk cho thấy nhiều trường hợp cán bộ tiến hành tố tụng đã áp dụng sai luật khi cho bị cáo được hưởng án treo.

>> Lâm tặc đánh nhà báo: Côn đồ được hưởng án treo!

Vừa ra tù, bị xử tiếp, lại được hưởng án treo?! ảnh 1
Các bị cáo tại phiên sơ thẩm ngày 30/9/2008

Tại phiên họp Quốc hội, nhiều đại biểu bức xúc trước tình trạng “lạm phát án treo”, lo ngại tình trạng này kéo dài sẽ bất lợi cho cuộc đấu tranh phòng chống tội phạm.

Các đại biểu dẫn ra các số liệu thống kê, chưa có điều kiện đi sâu phân tích vì sao có hiện tượng “lạm phát” như vậy.

Tiền phong số ra ngày 1/10 có bài “Côn đồ được hưởng án treo” tường thuật về phiên tòa hình sự sơ thẩm do TAND TP Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk) mở ngày 30/9.

Ra trước vành móng ngựa là một trùm lâm tặc ở huyện Buôn Đôn và ba gã côn đồ ở TP Buôn Ma Thuột - những kẻ chủ mưu và trực tiếp đánh nhà báo Hoàng Dưỡng (nguyên Trưởng đài truyền thanh huyện Buôn Đôn). Ba gã côn đồ bị truy tố về tội “cố ý gây thương tích” với hai tình tiết tăng nặng “dùng hung khí nguy hiểm” và “có tính chất côn đồ”.

Những người tham dự phiên tòa rất ngạc nhiên khi thấy đại diện Viện KSND TP Buôn Ma Thuột giữ quyền công tố đề nghị cho cả ba gã côn đồ được hưởng án treo. Lại càng ngạc nhiên hơn, khi sau đó HĐXX đã tuyên mỗi bị cáo này phải chịu 30 tháng tù giam, nhưng cho hưởng án treo!

Cả ba kẻ đã trực tiếp đánh nhà báo Hoàng Dưỡng đều đã có tiền án. Bị cáo Nguyễn Bửu Điện sinh năm 1962 có một tiền án 10 tháng tù giam về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, mãn tù năm 1996.

Bị cáo Nguyễn Văn Tiến sinh năm 1969 có một tiền án 15 tháng tù giam về tội “gây rối trật tự công cộng”, một tiền án 39 tháng tù giam về tội “gây rối” và “cố ý gây thương tích”, mãn tù năm 2002. Theo quy định, hai bị cáo này đã được xóa án tích - một trong những điều kiện để có thể được hưởng án treo.

Tuy nhiên, hành vi đánh nhà báo của họ ngoài hai tình tiết tăng nặng được Cáo trạng nêu, còn phải kể thêm “phạm tội có tổ chức” (đông người tham gia, có bàn bạc trước), nhiều hơn các tình tiết giảm nhẹ là “thành khẩn khai báo” và “bồi thường thiệt hại”.

Điều 6 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC đã quy định rõ trường hợp bị cáo vừa có tình tiết giảm nhẹ vừa có tình tiết tăng nặng thì họ chỉ có thể được hưởng án treo khi tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên.

Đáng nói đến nhất là trường hợp bị cáo Văn Viết Tùng, sinh năm 1976. Ngày 7/3/2008, Tùng tham gia cùng Điện, Tiến đánh nhà báo Hoàng Dưỡng. Trong khi Tùng chưa bị phát hiện về hành vi này thì ngày 10/3/2008, Tùng bị bắt tạm giam về tội đánh bạc.

Ngày 6/6/2008, TAND TP Buôn Ma Thuột tuyên phạt Tùng 6 tháng tù giam. Ngày 5/9/2008, Tùng mãn tù về tội đánh bạc, được gia đình bảo lãnh cho tại ngoại để chờ hầu tòa vụ đánh nhà báo.

Thế nhưng, trong bản Cáo trạng số 307/KSĐT-TA do ông Nguyễn Văn Luyến - Phó Viện trưởng Viện KSND TP Buôn Ma Thuột - ký ngày 9/9/2008 (chỉ bốn ngày sau khi Tùng ra tù) lại ghi nhân thân của Tùng là “tiền án tiền sự: chưa”. Có lẽ xuất phát từ sai lầm này mà HĐXX đã sai theo, tuyên cho Tùng lại được hưởng án treo ngay trong thời gian Tùng chưa được xóa án tích!

Mới đây, Viện KSND tỉnh Đăk Lăk đã có Quyết định kháng nghị bản án sơ thẩm, đề nghị TAND tỉnh Đăk Lăk xét xử phúc thẩm vụ án theo hướng không cho cả ba bị cáo Điện, Tiến, Tùng được hưởng án treo, mà phải chuyển sang hình thức tù giam.

Kháng nghị của Viện KSND tỉnh Đăk Lăk rõ ràng là một biện pháp thiết thực để giảm “lạm phát” án treo đang tràn lan hiện nay.

MỚI - NÓNG