TPO - “Cả máy chính, máy phụ đều dởm, quá nguy hiểm cho ngư dân khi ra khơi. Tàu hỏng, phía công ty lại chậm sửa chữa, làm khó ngư dân, cố tình kéo dài thời gian khắc phục, đẩy ngư dân tới đường cùng phá sản”, ông Đinh Công Khánh (xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định) - chủ tàu vỏ thép BĐ 99086 TS bức xúc.
Ông Khánh cho hay, tàu BĐ 99086 TS do công ty TNHH MTV Nam Triệu đóng. Tuy nhiên tàu bị hư hỏng nhiều bộ phận, đặc biệt cả máy chính và máy phụ đều là máy dởm khiến con tàu không thể ra khơi. Máy CUMMINS mua của Trung Quốc, không đảm bảo chất lượng trong khi hợp đồng ghi xuất xứ của Singapore. Máy chính thì chưa chạy đã hở bạc, xịt khói, không đủ tải điện. “Công ty ăn quá dày, quá ác với ngư dân” – ông Khánh nói.
4 tháng nay tàu phải nằm bờ khiến ông Khánh đau đầu vì đủ mối lo. Tiền đóng bến bãi hàng tháng cho tàu, tiền lãi ngân hàng, sinh hoạt, ăn uống nuôi gia đình… trong khi ngày đêm chỉ lo trông giữ con tàu.
“Con tàu là nguồn sống để nuôi cả 20 gia đình tham gia sản xuất, biết bao nhiêu thứ lo nhưng giờ chẳng làm gì được. Tiền lãi, vay ngân hàng vẫn nhân lên mỗi tháng nhưng tối ngày chỉ lo trông giữ tàu. Không có thu nhập, cuộc sống gia đình đảo lộn, vợ chồng lời qua tiếng lại. Đủ cái khổ. Qua tháng 9 là đến mùa mưa bão rồi. Làm sao sớm khắc phục cho ngư dân đi làm, chứ đợi thế này giết ngư dân” – ông Khánh chia sẻ.
Theo các ngư dân có tàu vỏ thép bị hư hỏng nằm bờ, họ đang có nhiều gánh nặng, khoản phí đang đè lên vai. Các khoản phí, tổn thất kinh tế tàu nằm bờ là rất lớn yêu cầu công ty đền bù. Mong muốn cơ quan chức năng yêu cầu cơ sở đóng tàu sớm có trách nhiệm khắc phục đúng theo kết quả tổ thẩm định đã công bố và sớm khắc phục để có thể ra khơi đánh bắt.
Ngư dân Đinh Công Khánh “vạch tội” công ty đóng tàu Không chỉ ở Bình Định, nhiều ngư dân ở Thanh Hóa cũng 'chung thảm cảnh' trên khi nhiều tàu mới đưa vào sử dụng đã hư hỏng, trục trặc.
Tại TP.Sầm Sơn (Thanh Hóa) có 7 chiếc tàu vỏ thép đang hoạt động, tàu hạ thủy sớm đã đi khai thác trên biển được hơn 6 tháng nhưng có 4 chiếc thường xuyên hư hỏng, trục trặc phải nằm bờ sửa chữa.
Cụ thể, tàu số hiệu TH-93968 TS của ông Nguyễn Duy Muộn (ở phố Tiến Lợi, phường Quảng Cư) có công suất 829CV, hành nghề lưới chụp, tổng vốn đầu tư hơn 17,7 tỉ đồng (trong đó vốn vay ngân hàng 17 tỉ đồng, còn lại vốn của gia đình) do Công ty CP Đại Dương (địa chỉ tại xã Thụy Hải, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) đóng. Hiện tàu đang phải nằm bờ để sửa máy phát điện chính. Tàu của gia đình ông Muộn được UBND tỉnh Thanh Hóa phê duyệt đóng theo Nghị định 67 từ tháng 2/2015. Đến tháng 8/2016, tàu được hoàn thành bàn giao cho gia đình ông Muộn. Hai tháng sau (10/2016) ông Muộn cùng 9 thuyền viên xuống nghề chuyến đầu tiên nhưng vừa thả lưới xuống biển thì máy tời bị vỡ, hư hỏng nặng không thể đánh bắt.
Ông Nguyễn Duy Muộn trên con tàu liên tục hư hỏng. Ông Muộn phải đánh tàu vào xưởng sửa chữa của Công ty CP Đại Dương (ở Thái Bình) để sửa, mất 10 ngày mới xong. Chuyến ra khơi thứ 2 vừa đánh bắt được 2 hôm thì máy phát điện chính bị hỏng, ông Muộn lại đánh tàu về bến ở cảng Hới (TP Sầm Sơn) để sửa. Các chuyến đi tiếp theo khi thị bị gãy neo, thủy lực bị bung khỏi bệ, máy phát điện hỏng… Theo ông Muộn thì cả 8 chuyến đi biển từ khi nhận được tàu đều gặp trục trặc từ các thiết bị trên tàu, phải dừng đánh bắt giữa chừng, chi phí hao tổn mất từ 40 đến gần 100 triệu đồng cho mỗi chuyến. Trong khi đó, mỗi quý ông Muộn phải nộp cho ngân hàng khoảng 270 triệu đồng và trả lương cho lao động 8 triệu đồng/người/tháng. Không chỉ riêng tàu của ông Muộn, nhiều tàu vỏ thép khác trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng liên tục gặp sự cố, hư hỏng.
Ông Trần Châu – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho rằng, các thiệt hại của ngư dân do tàu nằm bờ thì các công ty đóng tàu cần có trách nhiệm bồi hoàn lại cho ngư dân.