Vụ sụt lún tại Quốc Oai do khoan chạm hang động ngầm

Vụ sụt lún tại Quốc Oai do khoan chạm hang động ngầm
TP- Trận lụt lịch sử vừa qua gây ngập úng Hà Nội có vẻ đã làm lộ ra nhiều điểm yếu về hạ tầng. Mới đây nhất là vụ sụt lún nhiều nhà dân chỉ sau một mũi khoan khai thác nước ngầm của một hộ dân tại Quốc Oai, Hà Nội ngày 30/11.

Kết luận bước đầu của cơ quan địa chất về sự việc này là do sụt lún hang động ngầm. Nếu không có các biện pháp khảo sát và cảnh báo kịp thời, nhiều khu vực dân cư khác có thể cũng sẽ chịu hậu quả tương tự trong tương lai.

Tính đến chiều qua (1/12), đã có 20 hộ dân do lo sợ đã sơ tán đồ đạc khỏi khu vực sụt lún mà tâm điểm là nhà ông Phạm Văn Nga, xóm Thủy Tinh, thị trấn Quốc Oai, huyện Quốc Oai, Hà Nội.

Theo tường trình của gia đình này thì sau khi thợ khoan giếng được 50m bỗng nhiên đất sụt xuống, kéo theo nhiều nhà đổ nghiêng, tường đứt gãy. Hố sụt có độ sâu tới hơn 1m, rộng hàng chục mét vuông. 

Với một số hộ gia đình, cuộc di tản chắc chắn là không có ngày về. Ít nhất có 4 hộ dân gần tâm sụt lún sẽ phải di dời vĩnh viễn. Việc trám lấp hố sụt, cải tạo nền và tường nhà có thể ở được tạm thời, nhưng các nhà địa chất khuyến cáo là không nên vì sau đó đất sẽ tiếp tục sụt xuống.

Khoan chạm hang ngầm

Ngay trong chiều 30/11, các cán bộ Viện Địa chất Khoáng sản đã có mặt tại khu vực sụt lún ở Quốc Oai, Hà Nội. Theo ghi nhận bước đầu, vụ sụt lún này là do sụt sập hang ngầm đá vôi. Những người dân ở đây cho biết, khoảng năm 1945 khu vực này có một giếng nước tự nhiên, hay còn gọi là ao nước.

Trong quá trình đô thị hóa, cái giếng này bị lấp đầy dần. Đến nay mặt giếng đã bị san phẳng và xây nhà, làm đường trên đó. Giếng này chính là một phễu sụt lún (hay còn gọi là phễu caster), thông với hệ thống hang ngầm. Khi lấp giếng, hệ thống hang ngầm vẫn hoạt động.

Trước đây, người dân khu vực này khoan giếng mà không bị sụt và vẫn hút được nước là do tầng đá tại vị trí khoan dày, cứng. Trong khi đó, vị trí nhà ông Nga sinh sống và khoan giếng lại nằm ngay trên trên mặt giếng.

Mặt giếng này chỉ là lớp đất mượn tạm thời, được san lấp trong khoảng 50 năm trở lại đây, có kết cấu không chặt và bị bở sau đợt ngập lụt vừa qua. Mũi khoan đã tạo ra một lỗ hổng thông với hang ngầm, khiến đất đá từ trên kéo xuống hang, gây sụt lún. Cũng theo người dân ở đây cho biết, ngôi nhà của ông Nga từ nhiều năm trước đã có hiện tượng lún.

“Chuyện sụt lún là bình thường và có thể xảy ra với bất kỳ vùng địa chất đá vôi nào – TS Nguyễn Linh Ngọc, Viện trưởng Viện Địa chất Khoáng sản, cho biết – Tại những nơi có địa hình đá vôi, có rất nhiều hang động nổi và chìm. Những hang nổi tạo thành danh lam thắng cảnh như chùa Hương, vịnh Hạ Long.

Những hang ngầm ở dưới lòng đất chứa nước, là vị trí lưu thông nước. Nhà ông Nga có thể đã được xây dựng ngay trên vị trí phễu ngầm thông với hang ngầm nên sụt lún là điều dễ xảy ra. Hiện nay chưa kiểm tra, khảo sát được hệ thống hang ngầm này dài bao nhiêu, diện tích như thế nào”.

Cũng theo TS Ngọc, nếu không có mũi khoan nhà ông Nga thì khu vực này trước sau gì cũng sẽ sụt, nhất là khi trải qua vài trận mưa nữa.

Biện pháp trước mắt cần làm, theo TS Ngọc, là phải xác định lại diện tích giếng cũ. Xác định này trước hết qua kinh nghiệm, trí nhớ của dân địa phương. Tiếp đó, phải di chuyển vĩnh viễn các hộ dân sống ở khu vực còn khả năng sụt lún ra nơi khác.

Cần dừng khai thác nước ngầm tại khu vực này; kiểm tra lại hệ thống hang ngầm xem diện tích đó có bao nhiêu phễu sụt lún. Ngoài ra còn phải lấy lại số liệu tất cả các lỗ khoan mà bà con đang dùng, từ đó, đưa ra cảnh báo một loạt các vấn đề khác về xây dựng, giao thông, v.v….

Cần khảo sát tổng thể địa hình đá vôi

Theo các chuyên gia địa chất, có tới 23% diện tích nước ta là địa hình đá vôi. Do đó, nếu không có những khảo sát, quy hoạch mang tầm quốc gia, rất có thể nhiều khu vực dân cư, đô thị sẽ bị thiệt hại nặng nề do sụt lún.

Sau sự việc này, Viện Địa chất Khoáng sản sẽ có kiến nghị với Bộ Tài nguyên và Môi trường cho tiến hành một cuộc khảo sát tổng thể về hệ thống hang ngầm caster, sau đó khảo sát để xác định chi tiết có bao nhiêu miệng hang, miệng phễu, kế đó là có kế hoạch di dân, quy hoạch xây dựng. Các chuyên gia địa chất nhìn nhận đây phải là một cuộc khảo sát mang tầm quốc gia nhằm tiến tới phát triển lâu dài và bền vững.

MỚI - NÓNG