Ngày 23/7, ông Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm cùng đoàn công tác đã đến thăm hỏi các công nhân đồng thời giám sát điều tra nguyên nhân gây ngộ độc. Bước đầu, qua lời khai của công nhân và công tác điều tra, đoàn công tác nhận định nguyên nhân ngộ độc có thể do nhiễm khuẩn. Đồng thời, các mẫu thức ăn gồm thịt heo xào củ hành, rau sống (dưa leo và giá), sữa chua là những thực phẩm công nhân ăn trước khi xảy ra ngộ độc đã được gửi đi xét nghiệm để xác định nguyên nhân ngộ độc. Lực lượng chức năng đã quyết định tạm ngưng việc cung cấp suất ăn của công ty Đông Dương cho công ty MERAKI FW.
Theo đại diện công ty Đông Dương, các suất ăn của công nhân cung cấp cho công nhân được công ty MERAKI FW đặt với giá 16.000 đồng chưa tính thuế. Trong ngày 21/7, công ty cung cấp hai bữa ăn gồm bữa trưa với 966 suất, bữa tối là 803 suất. Công ty Đông Dương đăng ký hoạt động trong lĩnh vực thực phẩm cách đây nhiều năm, sau đó ngừng hoạt động và mới được cấp phép hoạt động lại cách đây khoảng vài tháng.
Ông Cao Văn Trung, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm, Cục An toàn thực phẩm kiểm tra cơ sở sản xuất suất ăn làm công nhân ngộ độc. Ảnh: Ngô Bình.
Theo quan sát của phóng viên tại cơ sở nấu ăn của công ty Đông Dương, diện tích cơ sở khoảng 200m2, một số dụng cụ nấu ăn, rau củ vẫn được chất tại kho phía sân sau. Nền nhà được lót gạch, một số can nhựa vẫn được chất đống phía sân sau. Tủ đông đựng thực phẩm bị rỉ sét bên ngoài, hệ thống vệ sinh với khoảng 10 bồn rửa chén, một số bồn vẫn còn ngâm các khay đựng thức ăn. Công ty không có hệ thống hấp khay đựng thức ăn mà theo đại diện công ty thì được trụng qua nước sôi.
Trước đó, tối ngày 21/7, hơn 800 công nhân tại công ty MERAKI FW (có vốn 100% Đài Loan, chuyên may túi xách xuất khẩu) nằm trong KCN Sóng Thần, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương ăn bữa chiều với các món bún, thịt heo xào hành, rau sống để vào làm tăng ca tối do công ty cổ phần Đông Dương, đường số 6, khu công nghiệp Sóng Thần 1, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương cung cấp. Đến khoảng 22h cùng ngày, sau giờ tăng ca về nhà, một số công nhân có triệu chứng đau bụng, nôn ói và tiêu chảy nên đã tự mua thuốc uống.
Khu vực rửa khay đựng đồ ăn của công ty Đông Dương. Ảnh: Ngô Bình.
Đến sáng 22/7, khi đến công ty làm việc thì hàng loạt công nhân có triệu chứng ngộ độc nên được đưa đến bệnh viện Quân Đoàn 4 cấp cứu. Tại đây, các bác sĩ đã nhanh chóng phân chia bệnh nhân ngộ độc theo từng cấp độ, sau đó chuyển về 7 khoa khác nhau để điều trị.
Bác sĩ Trần Văn Trường, Phó Giám đốc bệnh viện Quân Đoàn 4 cho biết, bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị cho 172 công nhân ngộ độc trong sáng ngày 22/7, các bệnh nhân được truyền dịch, uống kháng sinh, lấy máu xét nghiệm.
Đến khoảng 16h chiều cùng ngày thì đa số bệnh nhân được xuất viện. Còn 6 bệnh nhân khác trong đó có người đang mang thai được giữ lại theo dõi đến sáng 23 thì xuất viện và còn một bệnh nhân phát hiện bị cao huyết áp nên được giữ lại tiếp tục điều trị.