Ngộ độc vì suất cơm 11.000 đồng

Kiểm tra cơ sở vật chất đã xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh của DNTN Thiên Đông (Bình Dương). Ảnh: Quốc Ngọc
Kiểm tra cơ sở vật chất đã xuống cấp, không bảo đảm vệ sinh của DNTN Thiên Đông (Bình Dương). Ảnh: Quốc Ngọc
TP - Chiều 15/7, sau khi ăn các món cơm với thịt chiên, dưa leo xào hành tây, cần tây và canh bầu, 45 công nhân của Công ty TNHH SXTM Lập Sinh, chuyên may giày da, ở Thủ Đức, TPHCM bị đau bụng, nôn ói, tiêu chảy, một số người sốt nhẹ được đưa vào Bệnh viện quận Thủ Đức cấp cứu.

Đơn vị cung cấp suất ăn cho công ty này là DNTN Thiên Đông ở phường An Bình, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương.

Đại diện công ty cho biết ký hợp đồng với đơn vị cung cấp suất ăn Thiên Đông  với đơn giá chỉ 11 nghìn đồng/suất. Theo đánh giá ban đầu của đoàn công tác từ mẫu thức ăn lưu, nguyên nhân ngộ độc có thể do công nhân bị nhiễm độc tố của vi khuẩn tụ cầu vàng có trong món giá hẹ mà họ đã ăn. Cơ quan chức năng đã lấy mẫu thực phẩm mang đi kiểm nghiệm để tìm nguyên nhân chính xác, đồng thời, yêu cầu Công ty Lập Sinh tạm ngừng tiếp nhận suất ăn từ DNTN Thiên Đông.

Kiểm tra tại DNTN Thiên Đông, đoàn ghi nhận nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm tại khu vực chế biến thức ăn của đơn vị này. Cụ thể, cơ sở vật chất nơi đây đã xuống cấp, nhếch nhác, mất vệ sinh. Toàn bộ sàn, lối đi dẫn vào bếp trơn trượt, bốc mùi khó chịu. Cơ sở cũng không áp dụng biện pháp lưu mẫu đầy đủ, không có lưới chắn côn trùng, dùng sàn nhà làm nơi tiếp nhận nguyên vật liệu chế biến thức ăn, các quy trình chưa bảo đảm an toàn thực phẩm…

Đại diện công ty cho biết nơi đây cung cấp 5.000 suất ăn cho các công ty, nhà xưởng mỗi ngày. Điều đáng nói, trong tháng 6, công ty này đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Bình Dương kiểm tra và ghi nhận các vi phạm tương tự và đang trong quá trình xử lý… Đoàn công tác Bộ Y tế yêu cầu DNTN Thiên Đông tạm ngừng hoạt động trong vòng 1 tuần để khắc phục các tồn tại.    

MỚI - NÓNG
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
Thu hồi phù hiệu hơn 6.800 xe vi phạm quá tốc độ
TPO - Trong 3 tháng đầu năm, các Sở Giao thông vận tải đã xử lý thu hồi phù hiệu đối với hơn 6.800 phương tiện vi phạm tốc độ từ 5 lần/1.000km trở lên trong tháng, đồng thời nhắc nhở đối với 85.600 phương tiện có vi phạm quá tốc độ, quá thời gian lái xe và không truyền dữ liệu.