Vũ Đình Bình: “Đời là thế”

Vũ Đình Bình trong một chuyến thăm nước Pháp mà ông ái mộ.Ảnh: NVCC
Vũ Đình Bình trong một chuyến thăm nước Pháp mà ông ái mộ.Ảnh: NVCC
TP - Trong nhiều nhà văn từng thân thiết với Tiền Phong, dịch giả Vũ Đình Bình thuộc nhóm tôi thích nhất. Bài vở chỉ một phần, chủ yếu gặp người như vậy được giải ngố về “nỗi lo âu làm người”.

Sáng suốt từ trẻ

Vũ Đình Bình là tác giả dịch thuật của khoảng hai chục đầu sách tiếng Nga và Pháp. Một số tiểu thuyết tiêu biểu được nhiều người nhớ: Teresa (Amado), Buồn ơi chào nhé (Sagan), Ly rượu cấm (Irwin Shaw), Khát vọng sống (Irving Stone), Muốn làm gì tôi thì làm (Joyce Carol Oates)… Ông dịch gần 300 truyện ngắn, có tập gom toàn truyện tình ngoài luồng, đặt tít chung thú vị là Những mối tình đan xen.

Vũ Đình Bình: “Đời là thế” ảnh 1 Hai dịch giả Vũ Đình Bình (phải) và Thúy Toàn (trái)

Sinh ở Bắc Ninh, sống Hà Nội từ 1951, em trai dịch giả Vũ Đình Phòng và dịch giả Vũ Kim Thoa, dịch giả Vũ Đình Vị, vốn học Bách khoa chuyển phắt sang Sư phạm tiếng Nga, làm giảng viên rồi nhà văn. Vũ Đình Bình kể rất biết ơn ông anh cả cấp tiến từ trẻ, cho mình lời khuyên đúng đắn nên cuộc đời thuận hẳn.

Chẳng là thanh niên Bình đầu thập kỷ 60 thế kỷ trước đỗ khoa Vô tuyến điện Đại học Bách khoa nhưng không được vào khoa này bởi lý lịch tiểu tư sản (khoa Vô tuyến điện hồi đó tuyển kỹ lắm) nên đành vào khoa Cầu đường để rồi nhanh chóng chán chường. Bèn kêu ca với anh trai- bác sĩ Vũ Đình Hải người sau này là Trưởng khoa Tim mạch Bệnh viện Việt Xô. Bác sĩ Hải nói nhẹ tênh: “Chán thì thôi bỏ đi”.

Bách khoa hồi đó đã tiếng tăm lừng lẫy, dễ gì vào được mà dám bỏ ngang. Bố mẹ nghe con dọa phát hoảng nhưng sinh viên Bình đã quyết, để rồi hài lòng với lựa chọn đó cả đời.

Vậy là ông xin nghỉ học, đi lao động ở công trường xây dựng công viên Thủ Lệ hai năm. Từ 1964 đến 1968 học khoa Nga Đại học Sư phạm 1, ra trường được giữ lại làm giáo viên tới 1984 thì về công tác tại NXB Hội Nhà văn cho đến khi nghỉ hưu năm 2007.

“C’est lavie”

Thập kỷ 90 thế kỷ trước và những năm 2000, Vũ Đình Bình cộng tác với các ấn phẩm Tiền Phong chủ yếu ở mảng dịch truyện ngắn, tiểu phẩm hoặc đời sống tâm lý. Hậu chuyện bài vở, bao giờ chúng tôi cũng ngồi cà kê về văn giới, về cuộc đời, sống để làm gì, làm thế nào để hạnh phúc...
Ông Bình chiêm nghiệm rằng cuộc đời hóa ra đơn giản lắm. Chúng tôi cùng đắc ý câu “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, “Tự do hai tiếng ngọt ngào”, “Tôi tự chủ tức tôi tồn tại” (Madonna- ca sĩ), “C’est lavie” (Đời là thế- của người Pháp), nên hay chèn vào khi đáng chèn, trong câu chuyện.
Và thích quan niệm nhẹ nhàng của những người biết quẳng gánh lo đi mà sống, ung dung tự tại kiểu bác sĩ Hải anh ông Bình. Nghe chuyện phức tạp đến đâu, long trời lở đất, ông Hải chỉ phán gọn lỏn: “Cũng bình thường thôi”. 

Giống Tô Hoài hay nói “Chả đáng” trước những sự việc mà người khác cho là to như cái đình, tày trời. Chả đáng hờn giận bực bõ, lao tâm khổ tứ đã đành, mà cũng chả đáng khốn đốn vì yêu chẳng hạn. Hihi.

Ai đó nói “Thượng đế cho người giàu những món sơn hào hải vị, còn cho người nghèo sự ngon miệng”. Công bằng lắm. Nên tôi và ông Bình đồng thuận rằng giàu có thì sướng rồi nhưng ngon miệng quan trọng không kém. No quá mất ngon. Mọi người hãy tự chắt chiu lấy niềm vui nho nhỏ, bởi người giàu cũng khóc.  

Thiền sư Thích Nhất Hạnh khuyên: “Nếu bạn hạnh phúc khi thiền thì hẵng thiền, còn nếu khổ sở thì đi chơi còn hơn”. Nhà văn Bình thì khuyên thế này khiến kẻ lười thêm vững dạ: Ăn uống đơn giản nhẹ nhàng thôi. Đừng cố bồi thêm vitamin vì chẳng ích gì. Tập thể dục được thì tốt nhưng nếu tập thấy khổ quá thì thôi chứ! Cũng như chúng ta sống để hạnh phúc, nhưng nếu con đường để đạt hạnh phúc gập ghềnh quá thì sao?Elizabeth Gilbert tác giả Ăn, cầu nguyện, yêu từng viết đại loại: Người Mỹ phấn đấu cả đời để không những hạnh phúc mà còn hạnh phúc nhất! Ví dụ uống cái này thì phải kèm với cái này, ở địa điểm này, nghe loại nhạc này…Cũng hay đấy nhưng nên tùy tạng người. Sống cho mình nhưng phải thuận theo tự nhiên, theo bản tính mỗi người. Có người nhàn hạ mới hạnh phúc, có người coi hạnh phúc là đấu tranh thì cứ việc đấu tranh, lấy hy sinh làm hạnh phúc thì hãy cứ hy sinh.

Về sinh lão bệnh tử, có lúc nhà văn nửa đùa nửa thật: “Bố mẹ trước khi mất nên ốm đau vài tháng cho con cháu hầu hạ khổ sở, bớt thương. Chứ bất đắc kỳ tử hoặc đi nhanh quá thì sợ chịu không nổi”. Hihi.

Đại khái chúng tôi cứ chuyện không dứt như thế. Tầm chương trích cú nước ngoài nước mình, lôi những người quen chung vào cuộc chuyện. Vũ Đình Bình cho biết lâu nay cũng bớt dần những người cần gặp gỡ chuyện trò. Vâng tôi chưa già mà đã và đang thanh lọc nữa là. “Yêu ai cứ bảo là yêu, ghét ai cứ bảo là ghét” (thơ Phùng Quán). “Không tưới cho hoa ni-lông/Không tâm sự với người không hợp mình” (thơ Nguyễn Bảo Sinh). Thậm chí đến lúc hình ảnh xuống cấp quá thì bản thân bớt lảng vảng mà cũng khỏi cần ai khách sáo: “Cảm ơn bạn đến chơi nhà/Nhưng quên nhau, ấy mới là tri âm” (thơ Hoàng Như Mai). 

Đấy, biên tập viên với cộng tác viên văn nghệ là thế, không chỉ bài vở là xong đâu. Ngoài ra, có cộng tác viên thuộc văn giới như Vũ Đình Bình còn được cái lợi nữa, là họ hay tặng sách, không chỉ sách họ làm mà sách quí nói chung. Niềm vui công việc là đây chứ đâu. 

Chính từ gợi ý của cộng tác viên Vũ Đình Bình mà tôi viết loạt bài mục TÔI NGHĨ: Chết như Quỳnh Dao, Bộ lạc cúi đầu, Vị Thần Bề ngoài…

Bài Vị Thần Bề ngoài khởi đi từ nhận định của tác giả Joel Luguern người Pháp trong cuốn Le Vietnam: “Người Việt thờ rất nhiều loại thần nhưng vị thần họ chuộng nhất, thờ phụng nhất chính là Thần Bề ngoài”. Tôi với dịch giả Bình hay buôn chuyện phần vì  nhất trí  từ những chủ trương như thế này trở đi: Càng có tuổi tôi càng thích nói thật hơn. Trả giá cũng được, thua thiệt cũng được. Nhất là bét. Còn hơn là lo thờ Thần Bề ngoài và những thứ na ná.

Có một tiểu phẩm vui Vũ Đình Bình dịch in Tiền Phong, đại ý: Khi phụ nữ không yêu, họ có muôn vàn lý do. Nào anh nghèo, không thông minh sáng láng, lắm thói hư tật xấu, không môn đăng hộ đối. Vân vân. Còn khi đàn ông không yêu hoặc hết yêu thì lý do duy nhất, lý do thực sự mà họ không nói ra, đó là: “Cô ấy không đủ đẹp!”. 

Nghe có lý? Nên thỉnh thoảng tôi lại giễu người quen thân, họ đã qua thời hoàng kim từ lâu mà vẫn còn quay quắt khổ sở vì đàn ông. Tôi nói phũ: “Có đủ đẹp không mà đòi!”. 

MỚI - NÓNG
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
Hai nữ du khách thiệt mạng trong Rừng Khỉ thiêng
TPO - Mới đây, hai du khách đã thiệt mạng trong một vụ tai nạn bất ngờ xảy ra tại Khu bảo tồn Rừng Khỉ thiêng ở Ubud, Bali, Indonesia. Theo thông tin từ ban quản lý khu rừng, nguyên nhân ban đầu của sự cố được cho là một "cơn gió mạnh và bất ngờ" đã làm một cây lớn đổ xuống, gây tai nạn thương tâm.