“Tôi thấy chẳng có vấn đề gì, đó là chuyện bình thường. Anh Chiến còn một ngày làm chủ tịch thì anh ấy có quyền ký”, ông Thương nói.
Trình nhanh, ký vội
Như Tiền Phong thông tin, ngay sau khi báo chí đề cập đến việc nhiều doanh nghiệp tư nhân núp bóng cải tạo, ngang nhiên phá nát ruộng đồi, ông Huỳnh Đức Thơ - Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng ngay trong ngày 11/3 ký công văn hỏa tốc yêu cầu đình chỉ ngay lập tức các hoạt động trái phép trên.
Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ giao Sở TN&MT, Công an thành phố thường xuyên kiểm tra, làm rõ trách nhiệm, kiến nghị xử lý. Ông Đặng Phú Hành - Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, cho hay: Ngày 12/3, sau khi lãnh đạo thành phố và các sở, ban ngành đi kiểm tra, yêu cầu đình chỉ, huyện đã họp dân và đọc quyết định cho các doanh nghiệp (DN) nghe. “Chúng tôi ngay lập tức chỉ đạo các bộ phận rà soát lại những khâu tham mưu hồ sơ cấp phép”.
Theo tìm hiểu, hai tờ trình của UBND huyện Hòa Vang lên thành phố, cái cho phép cải tạo ruộng thành ao nuôi cá vào ngày 9/6/2014, được ông Văn Hữu Chiến ký đồng ý vào ngày 29/12/2014. Còn tờ trình về việc cải tạo đồi gò để 4 hộ dân bán đất cho DN Thịnh Quốc Phong khai thác bán đất san lấp cho dự án đường cao tốc huyện Hòa Vang trình ngày 26/12/2014 thì chỉ ba ngày sau, tức 30/12, ông Chiến ký quyết định đồng ý.
Ông Lê Văn Quang - cán bộ phòng quản lý đô thị (VP UBND thành phố) thừa nhận cán bộ thành phố khó đi kiểm tra, giám sát thực tế với thời gian như vậy. “Ngoài ra, Bộ GTVT cũng có ý kiến yêu cầu Đà Nẵng tạo điều kiện cho các DN có đất để phục vụ dự án đường cao tốc cho kịp tiến độ” - ông Quang cho biết. Ông Võ Văn Thương cho rằng, lãnh đạo ký ban hành chủ trương, nhưng sau khi triển khai thấy không hợp lý thì thành phố có thể thu hồi.
Chuyện nhỏ, không cần Sở TN&MT tham mưu (?)
Thừa nhận chuyện sai phạm của các hộ dân lập phương án cải tạo, bán đất cho doanh nghiệp, sau đó DN chỉ mới có chủ trương đã đưa xe vào múc đất còn chính quyền địa phương giám sát thiếu chặt chẽ, ông Võ Văn Thương cho hay, sau khi Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ ký quyết định đình chỉ, sẽ tiến tới nghiên cứu thu hồi chủ trương mà ông Văn Hữu Chiến đã ký.
“Đáng lẽ khi có chủ trương, các DN này phải lập đề án cải tạo ra sao, hạ cao trình như thế nào, múc đổ đất ra làm sao, báo cáo tác động môi trường… Nói chung là phải chặt chẽ và đúng quy trình. Cái này họ sai rõ ràng rồi. Xã và huyện cũng thiếu giám sát nên mới xảy ra sự việc” - ông Thương nói. Ông Thương cũng cho rằng, mấy chuyện cải tạo đất, diện tích dưới 1 hécta không cần sự tham mưu của Sở TN&MT (?) mà chỉ cần cấp huyện trình lên là đủ.
“Tất nhiên sau này, Sở TN&MT có trách nhiệm kiểm tra, giám sát chuyện cấp phép, khai thác…”. Trong khi đó, trả lời chúng tôi, chủ DN Thịnh Quốc Phong cho biết, diện tích cải tạo mỏ đất đồi là 16.000m2, có trữ lượng lên đến hơn 60 ngàn khối.
Ông Nguyễn Điểu, GĐ Sở TN&MT, thừa nhận: “Sai rõ ràng rồi, nếu mấy dự án cải tạo này mà trình lên Sở thì làm chi xảy ra chuyện này”. Liệu một chủ trương về cải tạo ruộng đồi, múc đi hàng ngàn khối đất mà không có sự tham mưu của đơn vị quản lý đất đai, khoáng sản, tài nguyên là Sở TN&MT có hợp lý?
Tổng rà soát chuyện khai thác đất ở Đà Nẵng
Ông Võ Văn Thương cho hay, sau câu chuyện này, thành phố sẽ tổng rà soát tất cả các dự án cải tạo, khai thác đất, khai khoáng trên địa bàn thành phố. Cái nào không đúng quy trình, sẽ thu hồi ngay. “Tôi thấy có nhiều chỗ không nhất thiết phải cải tạo khi mà đất đồi còn trồng cây được, đất ruộng còn khả năng canh tác”, ông Thương nói. Theo ghi nhận của chúng tôi, đa phần những dự án cải tạo đất đồi, hạ cao trình hoặc chuyển đổi ruộng sang nuôi trồng thủy sản ở Hòa Vang đều bỏ hoang sau khi DN lấy hết đất đem bán.