Vụ án vườn điều: Oan khiên đã giải, lòng tin còn lưu lạc

Vụ án vườn điều: Oan khiên đã giải, lòng tin còn lưu lạc
Với việc VKSND Tối cao và Bộ Công an thông báo kết luận, không đủ chứng cứ buộc tội các bị can trong “vụ án vườn điều”, quá trình tố tụng vụ án này chuyển qua một giai đoạn khác.
Vụ án vườn điều: Oan khiên đã giải, lòng tin còn lưu lạc ảnh 1
Côi cút 3 cha con Nguyễn Văn Tiền

Tiền Phong trở lại “vụ án vườn điều” không ngoài mong muốn sẽ không còn có những vụ án “lịch sử” như vụ này.  

Nước mắt và... nước mắt

Trong căn nhà nhỏ ở khu phố 3 thị trấn Tân Minh, ông Nguyễn Văn Gấm ngồi thẫn thờ nhìn ra cửa. Ông đang chờ mong đến giờ phút được thấy vợ ông – bà Nguyễn Thị Lâm- bước chân vào nhà.

Bà Lâm năm nay đã 68 tuổi, bị quy là người trực tiếp giết bà Dương Thị Mỹ, đến ngày 21/12/2005 mới mãn hạn 7 năm tù giam. Vẫn đang trong trại giam, có lẽ bà là người duy nhất của gia đình chưa biết tin vui.

Nhưng bà còn có diễm phúc hơn con gái đầu của mình là Nguyễn Thị Nhung, di ảnh của chị đang được đặt trên một bàn thờ nhỏ cạnh bàn thờ ông bà tổ tiên.

Chị Nhung chết vì ung thư năm 2001, sau hơn 3 năm bị tạm giam. Thấy chúng tôi đến thăm, ông Năm Gấm thắp hương trên 2 bàn thờ, mắt rân rấn nước.

Các con cháu ông lục tục kéo đến. Nguyễn Thị Tiến ôm di ảnh chị ruột khóc nức nở: “Chị ơi, gia đình mình chờ đợi ngày này đã lâu, nay nó đến thì chị đâu còn nữa!”.

Đứng bên dì ruột trước bàn thờ mẹ mình, Trần Thanh Vân và Trần Thanh An cũng giàn giụa nước mắt. Trong ánh mắt hàng chục đứa trẻ vô tội như còn dấu vết những tháng ngày tủi nhục, vất vưởng, thất học, bữa đói bữa no vì đại gia đình của chúng lâm cảnh tai ương.

Mãn hạn tù đầu năm nay, Tiến lủi thủi kiếm sống bằng hàng bún riêu ở chợ, trước đó hai con nhỏ được chính quyền xã giúp gửi vào Làng SOS Gò Vấp, con lớn theo cha sống ở xa.

Trong tù, Nguyễn Văn Tiền tưởng chừng không qua khỏi vì bệnh tật, thêm nỗi đau vợ bỏ lấy chồng khác, hai con đứa 5 đứa 7 tuổi (lúc Tiền bị bắt) lưu lạc tận Quế Sơn - Quảng Nam.

Bé Dung, con lớn của Tiền khóc: “Ngày đó con đi chăn bò, khổ lắm…”. Nay ba cha con Tiền tá túc ở nhà chị ruột, làm thuê mướn sống qua ngày. Nguyễn Văn Sơn có xe cải tiến chở hàng thuê, 3 con đều học giỏi.

Gia đình đang êm ấm thì tai họa ập đến: 3 tháng sau ngày vợ mất vì tai nạn giao thông, Sơn bị bắt. Các con Sơn phải nghỉ học, đứa bán vé số, đứa làm thuê, đứa vào Làng SOS. ở một góc hẻo lánh của thị trấn Tân Minh có một căn nhà thấp nhỏ lợp tôn do bà con góp tâm góp của xây dựng cho 3 đứa con của Nguyễn Thị Cẩm và Huỳnh Văn Nén trên đất chính quyền cấp không thu tiền.

Nén đang thụ án tù chung thân vì vụ án bà Bông (sẽ được Tiền Phong đề cập vào một dịp khác), sau khi được miễn truy tố, Cẩm đi làm thuê tận Bình Dương. Đứa con út của họ được một người ở xã bên nhận làm con nuôi, 2 đứa lớn mới mười mấy tuổi đầu phải tự kiếm miếng ăn…

Rời căn nhà bất hạnh, tiếng khóc nức nở của Tiến, của bé Dung..., ánh mắt những đứa trẻ vô tội bị đánh cắp tương lai cứ mãi ám ảnh chúng tôi...

Kẻ thủ ác vẫn giấu mặt

Phía trước căn nhà của bà Mỹ ở bên tỉnh lộ 336 từ Quốc lộ 1A đi Tánh Linh, cách ngã ba Tân Minh chừng 100m, vài tháng trước chồng con bà đã dựng lên một quán cà phê mái lá, bài trí khá trang nhã dễ chịu nhưng lại mang tên Giọt Đắng.

Khi chúng tôi tới, chỉ có 3 cô con gái ở nhà, ông Huỳnh Ngọc Bửu và 3 người con trai bận đi làm ăn. Ba chị em hờ hững tiếp chúng tôi, tỏ ra dửng dưng khi được hỏi phản ứng về kết luận của cơ quan có trách nhiệm.

Cô lớn nhất là Mỹ Hạnh bảo, gia đình chưa nhận được văn bản chính thức nào về việc này nên chưa thể nói sẽ có kiến nghị hay không. Năm 1993, Mỹ Hạnh đã 14 tuổi, là người gần gũi với bà Mỹ nhất và là người cuối cùng trong gia đình gặp bà Mỹ trong đêm 18/5/1993.

Chúng tôi trò chuyện được chừng 20 phút thì ông Bửu về. Vẻ ngoài già hơn nhiều so với tuổi 56, nhưng hàng ngày ông Bửu vẫn chạy xe ôm kiếm sống.

Ông bảo, cũng hơi bất ngờ với thông tin mới rồi thở dài, “thế lực người ta mạnh quá, gia đình tôi không biết làm sao!”

Khi được hỏi lại, “người ta” là ai, ông và các con đều im lặng. Ông bảo, “nếu pháp luật không tìm ra được kẻ ác để trị tội thì chỉ còn trông mong vào luật trời thôi...”? 

Nước mắt của ông Chủ tịch

Ông Nguyễn Thận – nguyên Chủ tịch UBND xã Tân Minh trong thời gian xảy ra “vụ án vườn điều”, nay là Bí thư Đảng ủy xã Tân Đức – một xã tách ra từ xã Tân Minh.

Khi các bị can trong vụ án bị bắt tạm giam, ông đã liên hệ với Làng Trẻ em SOS Gò Vấp để 8 đứa con của họ được nhận vào đây (hiện còn 3 cháu ở Làng).

Ông cũng là một trong những người kiên trì cho rằng các bị can này vô tội. Chúng tôi biết, suốt mấy năm qua ông Nguyễn Thận đã phải chịu rất nhiều áp lực. Chiều 10/12/2005, khi chúng tôi hỏi ông về “vụ vườn điều”, ông ôm mặt khóc hồi lâu.

Ông tâm sự, “Tôi không ngờ nói lên sự thật, bảo vệ công lý lại khó khăn, điêu đứng như vậy. Nếu không có cải cách tư pháp, có lẽ không có ngày hôm nay. Vô hình trung, việc chứng minh các bị can vô tội lại là sự buộc tội ai đó đã làm sai”.

Những mốc thời gian trong “vụ vườn điều”

-Theo cơ quan điều tra, đêm 18 rạng ngày 19/5/1993, bà Dương Thị Mỹ bị giết tại một vườn điều ở xã Tân Minh (Hàm Tân, Bình Thuận).

-Từ ngày 27/5/1993 đến ngày 26/7/1993, Công an Bình Thuận tạm giữ vợ chồng Nguyễn Thị Nhung - Trần Văn Sáng nhưng không có quyết định khởi tố bị can và lệnh tạm giữ.

-Ngày 22/9/1993, Công an Bình Thuận đình chỉ điều tra vụ án.

-Ngày 17/5/1998, Huỳnh Văn Nén (em rể chị Nhung) bị bắt giam vì bị coi là thủ phạm giết bà Nguyễn Thị Bông.

-Ngày 2/12/1998, từ lời khai của Nén, Công an Bình Thuận phục hồi điều tra. Tổng cộng 10 người thuộc 3 thế hệ trong gia đình bà Lâm bị khởi tố, chỉ có 2 người được tại ngoại.

-Từ ngày 7/3/2001 đến ngày 11/3/2005, đã có 2 phiên tòa xét xử sơ thẩm và 3 phiên tòa xét xử phúc thẩm được mở. Ngày 11/3/2005, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND Tối cao tại TP. Hồ Chí Minh tuyên hủy án sơ thẩm (lần 2), giao cho cơ quan điều tra Bộ Công an điều tra lại từ đầu.

-Ngày 14/10/2005, theo sự gợi ý của đồng chí Trương Vĩnh Trọng - Trưởng ban Nội chính Trung ương, Học viện Tư pháp tổ chức toạ đàm về “vụ án vườn điều” với sự tham dự của nhiều chuyên gia đầu ngành về pháp luật.

MỚI - NÓNG