Vụ án đêm giao thừa

Vụ án đêm giao thừa
Từ Thăng Long về Thanh Hóa đón tết, chồng của ngàng Đào bị bọn cướp ở làng Đa Giá Thượng giết hại. Người đẹp kiên nhẫn đợi chờ suốt nhiều năm để có cơ hội tiêu diệt bọn gian ác…
Vụ án đêm giao thừa ảnh 1
Ảnh minh họa

Vào cuối thời vua Lê - chúa Trịnh, chiến tranh triền miên, loạn lạc nhiễu nhương, dân tình khổ sở trăm bề. Vua Lê chỉ có hư quyền, còn thực quyền nằm trọn trong tay chúa Trịnh.

Vua Lê có Hoàng cung; chúa Trịnh cũng có Phủ chúa, mà chúa lúc nào cũng lấn át vua.

Các quan văn võ lớn nhỏ thì chia phe phái: kẻ theo vua, người theo chúa tha hồ tranh quyền đoạt lợi, mà nạn nhân lúc nào cũng là đám dân lành thấp cổ bé miệng, kêu trời không thấu.

Trong cả nước trật tự xã hội bị đảo lộn. Trộm cướp nổi lên khắp nơi, mặc sức cướp của, giết người.

Ở những địa phương xa xôi hẻo lánh, luật pháp không được tôn trọng vì quan tham chỉ lo vơ vét tiền bạc của dân bỏ túi riêng; có người còn thông đồng với bọn gian ác và bao che cho chúng. Dân còn biết trông cậy vào ai đây? Chỉ biết giả vờ mắt mù tay điếc để tự bảo vệ an toàn thân phận mình.

Thuở đó, tuy đã có con đường cái thông suốt từ đàng ngoài vào đàng trong nhưng giao thông rất khó khăn, hiểm trở. Trộm cướp nhan nhản. Khách bộ hành cũng như khách thương hồ đều không dám đi ban đêm. Cả ban ngày họ cũng không dám đi đơn lẻ, phải tụ tập thành từng nhóm đông người cùng đi chung, sợ thú dữ  ít hơn sợ thảo khấu…

Chuyến về quê ăn Tết định mệnh

Nho sinh Lê Thanh, quê quán Thanh Hóa nhưng thi đỗ tú tài ở Thăng Long nên ở luôn kinh thành sinh sống lập nghiệp. Với mức sống bình thường, tú tài Lê may mắn có được một người vợ rất xinh đẹp tên là Đào. Hai vợ chồng sống hạnh phúc.

Đã lâu không về thăm quê nên mùa xuân năm đó, Lê bỗng nảy ý định dẫn vợ về Thanh Hóa, trước là thăm họ hàng làng xóm, sau để cô vợ trẻ biết quê chồng.

Hai vợ chồng tú tài Lê thu góp chút ít vàng bạc rồi khăn gói lên đường về quê, dự định sẽ đón giao thừa ở quê nhà.

Lộ trình Thăng Long - Thanh Hóa đã được sắp xếp chu đáo. Trên đường đi, một sự cố bất ngờ xảy ra khiến đôi vợ chồng trẻ vừa qua khỏi bến đò Khuốt thì trời tối.

Quãng đường còn lại rất hoang vắng và cũng rất nguy hiểm, chẳng ai dám đi ban đêm dù là đông người. Không dám mạo hiểm, tú tài Lê đành thở dài, buồn rầu nói với vợ: Tiếc quá, chúng ta không được đón giao thừa ở quê nhà rồi! Phải tìm chỗ trọ ngủ tạm qua đêm sáng sớm mai đi tiếp, cũng kịp ăn Tết mà!

Từ đường cái rẽ vào chưa tới một trăm thước có một cái làng gọi là Đa Giá Thượng. Đó là một làng nhỏ ít dân, ở gần đường cái và là điểm dừng chân thuận lợi của đông đảo khách thương hồ nghỉ tạm qua đêm.

Vợ chồng tú tài Lê thuê phòng ở một cái quán trọ đầu làng. Họ đâu có ngờ đã lọt vào hắc điếm. Làng Đa Giá Thượng bề ngoài có vẻ yên bình, nhưng thực sự là nơi hoạt động táo tợn của bọn gian phi có tổ chức, chuyên cướp của giết người một cách tàn bạo.

Bọn ác ôn này hoạt động phi pháp đã lâu năm nhưng không bị phát hiện, vì tất cả nạn nhân đều bị chúng thủ tiêu mất tích sau khi đã cướp sạch vàng bạc lẫn tư trang.

Có thể dân trong làng biết qua hành động gian ác của chúng, nhưng không dám tố cáo vì sợ chúng trả thù.

Vả lại, chúng hành sự rất kín đáo, tuyệt đối bí mật. Chúng mở các quán trọ nằm rải rác trong làng và đều do đồng đảng của chúng quản lý. Khi con mồi đã sa vào bẫy, đợi đến khuya, bọn cướp ung dung xông vào quán trọ dễ dàng chiếm đoạt tài sản của nạn nhân mà không gặp chút kháng cự. Bởi lẽ trước đó, họ đã ngất lịm do bị uống nhầm rượu bỏ thuốc mê hoặc bị xông mê hồn hương.

Để không bị lộ bí mật, bọn cướp tước luôn mạng sống của nạn nhân, ném xác xuống hang Kẽm Trống phi tang.

Không biết bao nhiêu người bị hãm hại theo kiểu này, cho đến ngày vợ chồng tú tài Lê xuất hiện...

Sau một ngày đi đường mệt nhọc, vợ chồng tú tài Lê ngồi trước cửa quán trọ chuyện trò thư giãn. Họ để ý thấy một người đàn ông tướng tá nhỏ đi qua đi lại nhiều lần trước quán rồi hỏi to vọng vào:

- Có lợn bán không?

Tên chủ quán ngồi ở quầy hàng đáp vọng ra:

- Có

- Lợn béo hay lợn gầy?

- Béo

Tên hỏi bỏ đi, tên đáp cũng chạy theo tên hỏi.

Vào khoảng canh hai đêm đó, bọn cướp có 5 đứa võ trang dao mác, rựa xông vào quán trọ. Tú tài Lê đã uống rượu chiêu đãi có bỏ thuốc mê của tên chủ hắc điếm nên dễ dàng bị trói, miệng bị nhét giẻ. Cô vợ xinh đẹp yếu đuối bị trói sơ sài ở cổ tay.

Tên cướp đầu đảng ra lệnh cho tên cao lớn vạm vỡ nhất trong bọn:

- Chú Tam mau đưa hai đứa này đến hang Kẽm Trống thủ tiêu! Rõ chưa?

Tên Tam dạ to một tiếng, mặt mày tươi rói có vẻ hài lòng lắm.

Kẽm Trống là một cái hang sâu đá lởm chởm, là nơi hoang vắng hiểm nguy; dân làng không ai dám đặt chân tới. Bọn cướp chọn nơi tử địa này để dễ thủ tiêu những nạn nhân đã bị chúng cướp đoạt tài sản.

Trên đường đến hang đá, vợ tú tài Lê còn tỉnh táo nên không ngớt van xin tên cướp tha mạng. Ban đầu tên cướp Tam vốn háo sắc, thấy nạn nhân trẻ đẹp đã có ý định hãm hiếm rồi mới giết. Sau thấy nàng ăn nói ngọt ngào dễ thương nên tên Tam thay đổi ý định.

Tên cướp vung dao chém chết tú tài Lê rồi ném xác xuống hang sâu. Nó lấy đôi hoa tai của vợ tú tài Lê mang về trình báo với thủ lĩnh chứng tỏ đã thi hành xong phận sự.

Thực ra tên Tam đã bí mật mang vợ tú tài Lê cất giấu ở nơi thật kín đáo để rồi thường xuyên lén lút tới lui ân ái với nàng. Tên Tam mê mệt nhan sắc vợ tú tài Lê.

Y nuông chiều người đẹp hết mực. Thỉnh thoảng lại mang chút ít nữ trang vàng bạc cướp được cho nàng. Y còn phái tay chân thân tín hầu hạ nàng chu đáo, ngoài ra còn để giám sát canh giữ nàng.

Sau khi chồng bị giết, nàng Đào muốn nhảy xuống hang chết theo chồng nhưng nghĩ lại: "Mình có lẽ là nạn nhân duy nhất còn sống sót, nếu mình chết thì còn ai biết rõ được hành động gian ác của bọn cướp làng Đa Giá Thượng và còn ai để tố cáo chúng? Mình phải sống, kiên nhẫn sống, nhịn nhục sống, chờ đợi cơ hội, sẽ có một ngày nào đó...”.

Tiêu diệt bọn cướp làng Đa Giá Thượng

Thấm thoắt đã 2 năm nàng Đào sống với tên cướp Tam. Hai năm sống trong tủi nhục, hận thù nung nấu tâm can. Nàng phải vui vẻ, dịu dàng mỗi lần gặp tên cướp mà cũng là kẻ thù của nàng.

Bề ngoài nàng phải đóng kịch để nó khỏi nghi ngờ, bên trong lúc nào nàng cũng chú ý, theo dõi, dò xét hành tung của gã chồng hờ và đồng bọn của chúng.

Trong tình thế hiện tại, nàng không thể trốn thoát khỏi làng Đa Giá Thượng. May ra chỉ còn nhờ trời phật thương tình. Không lẽ kẻ gian ác không bị trừng phạt?

Mọi việc diễn tiến khác hẳn với mong đợi của nàng Đào. Sự dan díu vụng trộm giữa nàng và tên Tam lâu ngày cũng bị đổ bể. Bọn cướp đã phát hiện được việc làm mờ ám của tên Tam.

Theo quy lệ của bọn cướp, tên Tam muốn sống phải tự tay giết chết nàng Đào, nếu không cả hai người sẽ bị bọn cướp tử hình. Không còn cách nào khác, tên Tam đành nói rõ mọi chuyện với nàng Đào rồi tự thân đưa nàng đến hang Kẽm Trống để thủ tiêu.

Đến trước cửa hang Kẽm Trống, tên Tam thương tình không nỡ dùng dao chém nàng Đào, định đẩy nàng rơi xuống hang.

Nàng Đào trong lúc thập tử nhất sinh, không còn đường nào khác, không còn sợ hãi, liền liều mạng nắm chặt vạt áo tên Tam. Hai người giằng co quyết liệt hồi lâu, cuối cùng cả hai cùng lăn xuống vực sâu.

Chẳng biết có phải "người hiền gặp lành, kẻ ác gặp dữ" hay không mà chỉ có tên cướp Tam rơi tuốt xuống hang sâu chết tan xương nát thịt, giống như các nạn nhân bị hắn hãm hại trước kia. Còn nàng Đào may mắn rơi trúng một cành cây.

Bản năng sinh tồn mạnh mẽ, nàng Đào cố bám 2 tay vào cành cây, mép đá cố hết sức trèo dần lên miệng hang và thoát hiểm một cách nhiệm mầu. Không chần chừ, chậm trễ, nàng Đào chạy miết về hướng Bắc.

Sau nhiều ngày gian khổ vượt đường xa, nàng đã đến được kinh thành Thăng Long. Và phải mất nhiều ngày trực chờ ở cửa Đại Hưng, nàng Đào mới đón đầu được xa giá của chúa Trịnh để quỳ giữa lộ đầu đơn tố cáo tội ác của bọn cướp làng Đa Giá Thượng.

Chúa Trịnh đang muốn thu phục nhân tâm nên nhận đơn tố cáo của nàng Đào và trao trọn quyền giải quyết cho một vị quan thân cận. Vị quan thanh liêm chính trực này thuộc bộ Lại, có biệt tài kinh nghiệm phá án và xét xử.

Nhận gươm lệnh của chúa Trịnh, vị minh quan dẫn 2.000 quân khẩn cấp kéo về làng Đa Giá Thượng. Không muốn làm náo động dân tình, bứt dây động rừng và cũng muốn chứng minh đơn tố cáo của nàng Đào là chính xác, vị minh quân âm thầm lặng lẽ cho đội quân bao vây kín khu vực hang Kẽm Trống rồi giả làm một thầy lang dạo giàu có.

Ông đeo theo tay nải to chứa đầy vàng bạc và tư  trang quý giá, đến thuê phòng ở quán trọ Hắc Điếm mà vợ chồng tú tài Lê đã đến nghỉ trọ trước kia. Quả nhiên, sự việc xảy ra đúng như đơn tố cáo của nàng Đào.

Thầy Lang để mặc bọn cướp cho uống rượu mê, cướp hết hành trang rồi dẫn đến hang Kẽm Trống để thủ tiêu. Khi đến gần cửa hang thì một tiếng pháo lệnh nổ ầm vang lên, rồi 2.000 quân mai phục sẵn đồng loạt ào ra.

Bọn cướp không thể chống cự hoặc trốn chạy, đành buông khí giới, chịu trói. Quân lính xuống tận đáy hang để kiểm tra thì tìm thấy rất nhiều hài cốt của những nạn nhân bị bọn cướp sát hại từ trước đến nay.

Vị minh quân báo cáo toàn bộ vụ việc về kinh thành. Chúa Trịnh xem xét kỹ rồi ra lệnh: Triệt hạ làng Đa Giá Thượng vì dân làng phạm tội che giấu tội phạm; điền đất được chia đều cho các trấn xung quanh được gọi là Kỳ Tại điền; xử trảm bọn cướp đầu lĩnh và lưu đày ra biên cương những tên đồng phạm. Nàng Đào, vợ tú tài Lê được tuyên dương công trạng và ban thưởng đặc biệt.

Vụ án này xảy ra vào cuối thời vua Lê - chúa Trịnh, từng làm xôn xao dư luận cả nước và được dân gian gọi là: "Vụ án đêm giao thừa". n

Quang Vĩnh
 Báo Công Lý

MỚI - NÓNG