Vòng thành Đá Trắng, di chỉ thành cổ ở Nam bộ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa

0:00 / 0:00
0:00
Nhiều chuyên gia khẳng định Vòng Thành Đá Trắng là di chỉ thành cổ có giá trị độc đáo, là điểm nhấn nổi bật trong tổng thể tiến trình lịch sử phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và rộng hơn nữa.

Vòng Thành Đá Trắng di tích thành cổ duy nhất còn hiện hữu

Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh vùng Nam bộ có nhiều di tích thành cổ, di tích… gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất nhưng cho đến hiện nay Vòng Thành Đá Trắng (ấp Gò Cà, xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc, Bà Rịa - Vũng Tàu) là di tích thành cổ ở Nam bộ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa với cấu trúc thành xây bằng đá ong có hào bao quanh.

Vòng Thành Đá Trắng đang là di chỉ được nhiều nhà khoa học quan tâm, nghiên cứu và được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu triển khai nhiều hoạt động tôn tạo, giữ gìn…

Vòng thành Đá Trắng, di chỉ thành cổ ở Nam bộ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa ảnh 1

Tường thành xây bằng đá ong ở Vòng Thành Đá Trắng. Ảnh: M.Hưng

Mới đây UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vừa phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu thực hiện công tác khai quật mở rộng di chỉ khảo cổ Vòng Thành Đá Trắng giai đoạn 2, với tổng kinh phí hơn 4,6 tỷ đồng.

Vòng Thành Đá Trắng phân bố trên khu vực gò cao ở phía bắc và nghiêng thấp dần về phía Nam. Di tích này có cấu trúc gồm vòng thành hình vuông xây bằng đá ong được bao bọc bằng đường hào có dạng gần hình chữ nhật, quy mô tổng thể của di tích rộng hơn 10 ha với vòng hào có dạng hình chữ nhật (dài 410 m và rộng khoảng 265 m) bao quanh một vòng tường thành bằng đá ong rộng đến khoảng 4,2 ha (các cạnh rộng từ 208 - 215 m).

Khoảng 2 năm trước, vào ngày 7/12/2020, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã ban hành văn bản số 13652/UBND-VP phê duyệt kinh phí thực hiện khai quật di chỉ khảo cổ Vòng Thành Đá Trắng giai đoạn 1 với tổng kinh phí 2,9 tỷ đồng và đến nay sẽ triển khai giai đoạn 2.

Vòng thành Đá Trắng, di chỉ thành cổ ở Nam bộ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa ảnh 2

Di chỉ Vòng Thành Đá Trắng. Ảnh: M.Hưng

Cụ thể, giai đoạn từ tháng 11/2021 đến tháng 4/2022, Sở Văn hoá - Thể thao Bà Rịa - Vũng Tàu phối hợp Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ tổ chức khai quật di chỉ giai đoạn 1 trong diện tích khoảng 700m2 và phát hiện nhiều di vật bằng đá, kim loại có niên đại từ thế kỷ 15-17. Ngoài ra còn tìm thấy bếp sinh hoạt, hố rác, tường thành xây bằng đá ong, vòng hào, công trình có cột cao và các loại hình di vật khác nhau như đồ đá, đồ kim loại, đồ đất nung, đồ gồm, sứ…

Các nhà khảo cổ tìm thấy 14.965 mảnh vỡ chủ yếu là gốm Gò Sành (Champa). Đồ sành được dùng làm các loại vò, chum, chóe, có đế bằng, phần thân dưới xuống đế để mộc, một số ít được phủ men gần kín (không phủ men kín xuống đến đế). Bề mặt có lớp men màu vàng, nâu vàng, nâu đen… phủ từ miệng xuống đến gần đế.

Đồ bán sứ có 3.355 mảnh, loại hình phổ biến là tô, bát, âu, liễn, đĩa… có lớp men màu xám ghi, xám xanh rêu và số ít màu vàng nhạt, đặc trưng của đồ gốm Champa (gốm Gò Sành). Còn tìm thấy một số ít mảnh vật dụng bán sứ có xuất xứ từ miền Bắc Việt Nam thời Lê sơ (gốm Chu Đậu) và Thái Lan thời kỳ Sukhothai (gốm Sawankhalok).

Vòng thành Đá Trắng, di chỉ thành cổ ở Nam bộ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa ảnh 3

Tìm thấy nhiều mảnh vỡ gốm sứ... ở Vòng Thành Đá Trắng. Ảnh: M.Hưng

Về đồ sứ, thống kê được 526 mảnh, chủ yếu là đồ sứ hoa lam cùng số lượng rất ít đồ sứ men ngọc, sứ vẽ nhiều màu, chủ yếu có nguồn gốc từ Trung Hoa (thời Minh). Đồ sứ có các loại sứ men ngọc từ lò Long Quan, sứ hoa lam Trương Châu (Phúc Kiến) hay các loại đồ sứ có xương xám, vẽ hoa lam sậm màu có thể từ phía nam Trung Hoa.

Đất nung được tìm thấy 631 mảnh, là mảnh vỡ của các loại vật dụng sinh hoạt trong đun nấu (nồi, chõ...). Đây là dòng gốm bản địa với kiểu dáng thân tròn dẹt, miệng loe xiên hoặc loe cong, bờ vai rộng có trang trí đồ án hình sóng nước hay hình cánh cung nhỏ tạo bởi những ấn nhỏ hình vòng tròn byDable.

Ngoài ra, các nhà khảo cổ phát hiện nhóm mảnh vỡ ở phần đáy của loại bình gốm mịn có đặc điểm tương tự với đồ gốm trong các di tích thuộc giai đoạn Óc Eo muộn ở đồng bằng sông Cửu Long.

Giá trị to lớn về lịch sử - văn hoá và du lịch

Theo các nhà khoa học, Vòng Thành Đá Trắng là di chỉ thành cổ ở Nam bộ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa và đây cũng là nơi duy nhất phát hiện gốm văn hóa Chăm Pa có niên đại sớm nhất so với các di tích thành cổ ở Nam bộ.

Nhiều chuyên gia cũng khẳng định, Vòng Thành Đá Trắng là di chỉ thành cổ có giá trị độc đáo, là điểm nhấn nổi bật trong tổng thể tiến trình lịch sử phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và rộng hơn nữa.

Vòng thành Đá Trắng, di chỉ thành cổ ở Nam bộ duy nhất còn hiện hữu trên thực địa ảnh 4

Nhiều đồ gốm cổ có xuất xứ đa dạng được tìm thấy tại Vòng Thành Đá Trắng. Ảnh: PL

PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam nhận định, những phát hiện khảo cổ học tại Vòng Thành Đá Trắng đã dần hé mở về một giai đoạn chưa được biết đến trong lịch sử vùng đất Bà Rịa - Vũng Tàu và Nam bộ; và hứa hẹn cơ hội lớn để giải mã các vấn đề văn hóa - lịch sử trước thời kỳ khẩn hoang phương Nam.

Kết quả nghiên cứu cho thấy di tích đã đang bị mai một, hư hại dưới tác động của các hoạt động thay đổi cơ cấu sử dụng đất phục vụ canh tác, xây dựng và phát triển kinh tế. Điều này đã đặt ra một thách thức to lớn đối với việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích quan trọng này.

Do đó, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cần có những giải pháp để bảo tồn và từng bước phục hồi, phát huy giá trị lịch sử của di chỉ Vòng Thành Đá Trắng, mà trước mắt là thực hiện các bước như hoàn thành chỉnh lý hiện trường và xây dựng báo cáo khoa học; lập hồ sơ xếp hạng di tích; khai quật, nghiên cứu toàn diện di tích và có phương án bảo tồn kịp thời, không để di tích bị xâm hại.

Theo Bảo tàng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, đơn vị được giao quản lý di tích, công tác nghiên cứu, bảo tồn di chỉ Vòng Thành Đá Trắng chắn chắn sẽ mang lại nhiều giá trị về văn hoá - lịch sử và du lịch trong thời gian tới.

Trên địa bàn tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và Nam Bộ có nhiều di tích thành cổ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển vùng đất như thành Gia Định (TP.HCM), thành Biên Hòa (Đồng Nai), Lũy Phước Tứ (Bà Rịa- Vũng Tàu), Bảo Tiền, Bảo Hậu (Đồng Tháp)…


Link bài gốc: https://danviet.vn/vong-thanh-da-trang-di-chi-thanh-co-o-nam-bo-duy-nhat-con-hien-huu-tren-thuc-dia-20221221153001358.htm

Theo Dân Việt
MỚI - NÓNG