Vỡ trận bảo hiểm thủy sản

Vỡ trận bảo hiểm thủy sản
TP - Hàng loạt vụ tranh chấp, khiếu kiện về đền bù bảo hiểm thủy sản phát sinh thời gian gần đây khiến doanh nghiệp thực hiện thí điểm bảo hiểm như ngồi trên đống lửa, do bị lỗ nặng, chưa biết tiến hay lùi. Trong khi đó, người nuôi tôm hụt hẫng vì mất chỗ dựa.

> Bảo hiểm tôm nuôi bồi thường hơn 1 tỷ đồng
> Hỗ trợ người nuôi tôm bị dịch bệnh

Dân, doanh nghiệp tố lẫn nhau

Báo cáo của Cục Quản lý, Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho thấy, đến hết tháng 4/2013, thí điểm bảo hiểm nông nghiệp đã được triển khai ở tất cả các tỉnh, thành với 234.235 hộ dân tham gia (80,8% là hộ nghèo). Lượng người tham gia bảo hiểm lớn nhưng doanh nghiệp bảo hiểm không lấy làm mừng khi tiền thu không đủ bù chi.

Thống kê cho thấy, các doanh nghiệp thu được 303,2 tỷ đồng tiền phí nhưng phải đền bù tới 466,8 tỷ đồng. Trong đó, việc bảo hiểm thủy sản được đánh giá là “khó nhằn” nhất do xuất hiện tình trạng trục lợi của người dân. Tính riêng số tiền bồi thường các các hợp đồng thủy sản của các doanh nghiệp bảo hiểm, sau một năm thực hiện, xấp xỉ 500 tỷ đồng trong khi tiền phí thu được chỉ đạt 199,4 tỷ đồng.

Tình trạng lỗ nặng xuất hiện ở hầu hết các doanh nghiệp bảo hiểm. Như Cty Bảo Việt Sóc Trăng thí điểm bảo hiểm tôm nuôi cho 3.458 hộ, với phí thu được 70 tỷ đồng nhưng phải bồi thường 218 tỷ đồng. Hiện Bảo Việt Sóc Trăng vẫn tồn đọng 471 hồ sơ chưa giải quyết, tương đương 20 tỷ đồng. “Lỗ nên chưa thể triển khai ký hợp đồng bảo hiểm mới”, ông Quách Pái, Phó giám đốc Cty Bảo Việt Sóc Trăng cho biết.

Tương tự, Cty Bảo Việt Bạc Liêu cũng phải bồi thường cho 1.212 hộ nuôi tôm tổng cộng 168,5 tỷ đồng trong khi vẫn còn gần 20 ha tôm nuôi bị chết, chưa bồi thường cho dân với số tiền hơn 3 tỷ đồng. “Chờ chỉ đạo của Tổng Cty Bảo Việt, đang giải quyết tồn đọng nên chưa thể triển khai tiếp bảo hiểm tôm nuôi”, ông Trần Thanh Lạc, Giám đốc Bảo Việt Bạc Liêu cho biết.

Doanh nghiệp bảo hiểm kêu lỗ, chậm bồi thường khiến người dân rất bức xúc. Ông Lâm Văn Khiếm, ở ấp Tân Long, xã Tân Duyệt (Đầm Dơi, Cà Mau) mua bảo hiểm 5 ao tôm với mức phí hơn 68 triệu đồng cho biết, 2 vụ nuôi tôm liên tiếp bị thiệt hại nhưng đến nay vẫn chưa được bồi thường đồng nào.

 “Các doanh nghiệp bảo hiểm tôm cần minh bạch từ tham gia đến bồi thường, phải công khai và người dân giám sát để tránh lợi dụng trục lợi. Việc ngưng bảo hiểm tôm sẽ gây thiệt hại cho bà con nuôi tôm, nhất là bà con nghèo”.  

“Vua” tôm sạch Bạc Liêu
Võ Hồng Ngoãn

“Đầu tháng 7/2013, những người nuôi tôm tham gia bảo hiểm nhưng chưa được bồi thường đã kéo đến Bảo Minh Cà Mau để khiếu nại nhưng được ông Trịnh Hoàng Khanh, Giám đốc Cty Bảo Minh Cà Mau hẹn: Cty ghi nhận bức xúc của những hộ dân 3 xã của Đầm Dơi và sẽ trình với Tổng Cty Bảo Minh và Ban chỉ đạo tỉnh Cà Mau xử lý. Đến giờ không biết khi nào chúng tôi mới được bồi thường”, ông Khiếm cho biết.

Dừng bảo hiểm, dân thiệt

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Dương Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho rằng, thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp là chủ trương lớn của Nhà nước nhằm hỗ trợ sản xuất, bù đắp thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh, góp phần ổn định sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội nông thôn. Các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm không nên chú trọng yếu tố kinh tế, nếu có khó khăn phải đề xuất với Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ để giải quyết.

Theo ông Châu Công Bằng, Phó GĐ Sở NN&PTNT Cà Mau, sau một thời gian áp dụng quy tắc bảo hiểm không phù hợp, tôm chết nhiều nên để hạn chế thiệt hại, Tổng Cty Bảo hiểm Bảo Minh đã đơn phương áp dụng mức bồi thường mới cho hợp đồng cũ, đưa vào điều khoản quyền cắt hợp đồng, trả tiền lại...Những biện pháp này khiến người nuôi tôm gặp khó.

Trước những bất cập trong thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, Bộ Tài chính mới đây đã có văn bản gửi UBND các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh yêu cầu các doanh nghiệp bảo hiểm phối hợp chặt chẽ với địa phương tập trung công tác đề phòng hạn chế tổn thất, kiểm soát quy trình quản lý rủi ro đối với những hợp đồng còn hiệu lực.

Với những hợp đồng bảo hiểm phát sinh trách nhiệm bồi thường, các doanh nghiệp bảo hiểm cần giải quyết nhanh chóng, đầy đủ, kịp thời cho các hộ dân, đảm bảo tài chính cho các hộ dân tái đầu tư sản xuất. Với những hồ sơ chưa hoàn thiện, cần rà soát lại quy trình nuôi thả, chăm sóc, chữa bệnh cho tôm, cá và cả quy trình khiếu nại, bồi thường. Nếu thấy có dấu hiệu trục lợi cần phối hợp với chính quyền địa phương giải quyết.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG