Võ sư Tuấn 'Hạc': Học đạo từ võ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Học võ từ năm 6 tuổi, 30 năm qua dạy hàng ngàn học trò, từng tham gia lực lượng chuyên biệt trong quân đội, mới đây nhất đóng phim và làm cố vấn võ thuật, võ sư Phạm Anh Tuấn (Tuấn “Hạc”) rất trăn trở với sự nghiệp giáo dục thể chất, dạy kỹ năng sinh tồn, cũng như tăng tính giáo dục, nhân văn trong phim hành động-võ thuật.

Giảm máu me, tăng tính thực tế, bảo đảm yếu tố thẩm mỹ

Là cố vấn võ thuật và đóng vai phụ trong “578: Phát đạn của kẻ điên” ra rạp từ ngày 20/5, anh có nhận xét gì về yếu tố võ thuật trong bộ phim hành động này cũng như dòng phim bạo lực nói chung?

Võ sư Tuấn “Hạc”: Phim “578: Phát đạn của kẻ điên” của đạo diễn Lương Đình Dũng kể về hành trình một người cha cứu con và báo thù cả một tập đoàn tội phạm nên đầy rẫy cảnh giao đấu tay không, với binh khí với nhiều đòn đánh vừa hiệu quả vừa đẹp mắt. Âm hưởng chung là các đòn thế tấn công, tự vệ của võ tự do, không đặc tả một môn phái hay công năng đặc dị nào.

Nhân vật tài xế Hùng (nam chính do diễn viên nghiệp dư Pháp gốc Việt Alexandre Nguyễn đóng) có tập boxing nên sử dụng nhiều đòn tay. Nhân vật do Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2017 H’Hen Niê thủ vai ra đòn kín, có tính trấn áp cao, kiểu như của cảnh sát đặc nhiệm, cớm chìm. Tôi thiết kế đòn hiểm khóa khớp, dùng chân khóa chân để siết cổ, hợp với người mảnh dẻ, sức yếu nhưng kỹ thuật cao. Hen như tờ giấy trắng, giấy pơ-luya mỏng tang vậy. Phải hướng dẫn nhiều nhưng cô cực kỳ chuyên nghiệp, nhiệt huyết và nỗ lực. Phải nói Hen là người truyền lửa. Thực tế chân tay run rẩy nhưng trong lòng ấm áp, sung sướng ấy làm dấy lên cảm hứng sáng tác nhạc. Đứng trên container ở cảng Đình Vũ (Hải Phòng) dưới trời mưa, mưa nhân tạo phun từ téc nước ra trời lạnh 6-7 độ, cộng gió biển thổi lạnh buốt, chúng tôi ai nấy chân tay run bần bật, lạnh hơn so với Ngọc Tình (siêu mẫu thủ vai Thái - con trai biến thái của ông trùm) đánh nhau dưới nước. Có lúc Hen ngất đi.

Võ sư Tuấn 'Hạc': Học đạo từ võ ảnh 1

Võ sư Tuấn “Hạc” trò chuyện với phóng viên Tiền Phong ngày 19/5/2022. Năm 2009, anh hạ cao thủ Vịnh Xuân Pierre Francois Flores (quốc tịch Canada)

Ảnh: Thái An

Nhân vật Sơn “khổng lồ” do vận động viên Hà Văn Hiếu (đoạt huy chương vàng vật cổ điển SEA Games chiều 17/5) thủ diễn nên đúng nghề của chàng - địa chiến với các pha bốc, vét, kê, đệm… Còn anh Hoàng Phúc (vai ông trùm) có âm lượng, âm sắc, thần thái, đòn thế đúng chất trùm cuối, rất sống động, có hồn. Kiểu như anh ấy trong đời thực từng xài võ giang hồ táng nhau trên đường phố rồi ấy (cười).

Tuy nhiên, phim hành động-võ thuật nói chung vẫn nhiều chi tiết thừa, thiếu tính thực tế như tử chiến mà hoa tay múa chân, sàng qua sàng lại quá nhiều, bị ảnh hưởng bởi yếu tố nước ngoài và thị hiếu. Ví dụ, phim này có ê-kíp chỉ đạo, đóng thế của Hàn Quốc. Anh Dũng đạo diễn Lương Đình Dũng có nói khi làm phần 2, sẽ dành nhiều đất hơn cho tôi vùng vẫy. Tôi thích đặc tả một số môn phái và tăng tính thực tế của các cảnh chiến đấu cũng như của tính cách nhân vật mà vẫn đảm bảo tính thẩm mỹ.

Ví dụ, nhân vật chính phải “đi cửa” dăm lần, tức có 5-6 nội dung chính để người xem nhìn qua cũng có thể nhận ra đó là môn phái gì. Tôi đánh giá cao vật cổ truyền nên muốn có thêm nhiều hình ảnh “địa chiến” bạo liệt mà không máu me trên phim. Với binh khí, ám khí cũng vậy, phải phù hợp với yếu tố công việc của nhân vật. Sát thủ nhận hợp đồng ám sát không thể nghênh ngang vác đại đao ngoài đường, mà có khi chỉ cần một cây kim đi lướt qua châm đúng huyệt. Nhưng phải bảo đảm tính thực tế, không thể phi kim vù vù từ xa như phim chưởng được. Nếu không đâm kim ở cự ly gần như châm cứu thì có thể ném bi sắt, viên bi dùng để lăn tay, để sát thương từ xa. Tôi rất tâm đắc với việc sử dụng đũa vì đậm chất văn hóa Việt. Bình thường để gắp thức ăn, nhưng khi cần, đũa sắt có thể trở thành vũ khí tự vệ hiệu quả và trong phim, việc sử dụng như vậy sẽ giảm độ bạo lực, tăng tính nhân văn cũng như độ hấp dẫn. Dùng đũa điểm trúng huyệt, mạch đóng tạm thời, cơ bất hoạt, máu không chảy, người không chết. Tóm lại, tôi muốn tăng tính giáo dục trong phim hành động-võ thuật - cảnh chiến đấu không quá rùng rợn kiểu đầu rơi máu chảy, người xem được truyền cảm hứng học hỏi, vận dụng kỹ năng tận dụng môi trường xung quanh để sinh tồn. Phim nước ngoài về mafia có thể có cảnh dùng dây đàn guitar để siết cổ nạn nhân. Phim Việt có thể đơn giản là xỏ tay vào giày để làm lá chắn, chống đỡ kiếm chém, búa bổ, hoặc nối dây hai chiếc giày là thành côn nhị khúc tự chế…

Ý thức là siêu vũ khí

Anh dường như rất tâm đắc với chủ đề vũ khí? Vũ khí nhiều khi là chất xúc tác khiến bạo lực bùng phát nguy hiểm trong thực tế?

Mình làm chủ được binh khí thì đoạt chúng dễ dàng, tránh nguy hiểm cho cả mình và đối phương. Vũ khí tối cao là kiến thức, ý thức là siêu vũ khí.

Võ sư PHạm Anh Tuấn

Võ sư Tuấn “Hạc”: Binh khí là cánh tay nối dài. Tâm pháp binh khí là trường (dài) thì cường (mạnh), đoản (ngắn) thì hiểm. Tôi thích 2 loại binh khí, 1 ngắn 1 dài là hổ đầu đao và trường côn. Nhưng đấy là luyện tập, là làm chủ binh khí, là để hóa giải nó khi chúng ta buộc phải phòng vệ chính đáng, chứ không phải như trẻ trâu cưỡi xe máy cầm phóng lợn phi bạt mạng trên đường. Các cụ bảo rồi, chơi dao có ngày đứt tay.

Khi nào thì cần binh khí? Đó là khi đối phương mang binh khí đến cho mình. Họ bất chấp pháp luật mang theo hung khí bên người, rồi tấn công mình. Nếu mình không sử dụng được đao kiếm mà cứ vận dụng mấy miếng võ tự vệ để đoạt vũ khí thì có ngày chết oan. Mình làm chủ được binh khí thì đoạt chúng dễ dàng, tránh nguy hiểm cho cả mình và đối phương. Vũ khí tối cao là kiến thức, ý thức là siêu vũ khí.

Khoảng 30 năm qua, tôi dạy không nhiều, với tinh thần "quý hồ tinh" nhưng vẫn rất mong đạt được cảnh giới như sư phụ tôi, võ sư Đặng Tuấn Hải được lớp lớp học trò yêu kính. Sau 30 năm lăn lộn với nghề võ, nghề y, khoảng chục người thầy trò chúng tôi vẫn luôn gắn kết như anh em ruột thịt. Khi giáo dục thể chất, dạy võ, kỹ năng sinh tồn, sơ cứu, tôi luôn chú trọng yếu tố trọng tâm là tính giáo dục và khoa học. Làm sao thông qua bạo lực (tập đấm đá trong võ đường, đóng phim hành động…) để đạt được tính nhân văn, tính giáo dục, để trò được truyền cảm hứng sống khỏe, bản lĩnh mà khiêm tốn, ham học hỏi. Trò đi chậm hay chạy nhanh không quan trọng mà quan trọng là cần đúng hướng. Với con trai, tôi không sống hộ con, nghiêm khắc nhưng có động viên, khuyến khích, áp dụng mô hình “con hơn cha”, làm bạn thân để hiểu con, làm học trò để con nỗ lực tìm hiểu, vươn lên dạy lại mình.

Cảm ơn anh!

MỚI - NÓNG