Vô hình trung ngành đường sắt khuyến khích bán vé ra chợ đen

Vô hình trung ngành đường sắt khuyến khích bán vé ra chợ đen
TP - Đó là dự báo của lãnh đạo ngành đường sắt và Ga Sài Gòn (GSG) trong buổi gặp gỡ báo chí vào ngày 19/11 nhằm công bố kế hoạch phục vụ hành khách trong dịp Tết Mậu Tý 2008 sắp tới.
Vô hình trung ngành đường sắt khuyến khích bán vé ra chợ đen ảnh 1

Cò vé đang gạ gẫm hành khách mua vé Tết

Bà Nguyễn Thị Thanh Phương – Trưởng GSG cho biết kể từ sáng 19/11, phòng vé GSG và các đại lý nối mạng đã bắt đầu bán vé tàu Tết cho những hành khách (HK) có thể thu xếp về quê sớm (lên tàu trước ngày 20 tháng Chạp AL) với số lượng vé không hạn chế.

Theo lãnh đạo GSG, dự kiến trong các ngày cao điểm từ 25/1 đến 4/2/2008 (từ ngày 18 đến 28 Tết), ngành đường sắt sẽ bán ra gần 100 nghìn vé tàu, trong đó nhiều nhất là tuyến đi từ TPHCM về các ga từ Vinh đến Hà Nội (hơn 59 nghìn vé các loại).

Các tuyến khác được bố trí nhiều vé bao gồm Huế (hơn 8.400 vé), Đà Nẵng (hơn 6.500 vé), Quảng Ngãi (hơn 4.500 vé). Kể từ 8 giờ sáng 15/12, GSG sẽ đưa vé lên mạng www.vetau.com.vn để hành khách mua lẻ vào mạng đặt chỗ.

Ông Đinh Văn Sang - Phó tổng giám đốc Tổng Cty Vận tải hành khách đường sắt Sài Gòn (VTHKĐSSG), dự kiến ngành đường sắt sẽ phân bổ khoảng 50% lượng vé Tết để bán cho các đơn vị mua tập thể, 10% bán qua điện thoại và dịch vụ giao vé tận nhà, 15% chuyển cho Ga Hà Nội bán vé khứ hồi. Số vé còn lại (25%) sẽ được đưa lên mạng bán lẻ cho hành khách.    

Trả lời chất vấn của PV một số báo, đài về vấn nạn vé chợ đen, bà Nguyễn Thị Thanh Phương thừa nhận:

Vé chợ đen là một thực tế hầu như năm nào cũng có, xuất phát từ chênh lệch giữa cung - cầu quá lớn. Sau khi ngành đường sắt triển khai biện pháp ghi số CMND và tên HK đi tàu, tệ nạn này đã được khắc phục rất nhiều.

Lao động: Năm ngoái, một số đơn vị mua vé tập thể, sau đó tuồn ra ngoài chợ đen kiếm lời. Việc xử lý vi phạm này như thế nào ?

Ông Đinh Văn Sang: Năm ngoái, một số công nhân, HSSV được nghỉ sớm nên đã bán lại vé (trước đó mua tập thể) cho cò thay vì đến GSG đổi vé theo quy định (mất phí đổi vé 10%).

Rút kinh nghiệm, năm nay, trong hồ sơ xin đăng ký mua tập thể, ngành đường sắt yêu cầu các đơn vị phải kèm cam kết không được để vé tuồn ra ngoài, nếu vi phạm, các đơn vị trên hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Tiền phong: Nếu năm nay có đơn vị tiếp tục vi phạm tương tự, biện pháp chế tài cụ thể mà ngành đường sắt  như thế nào?

Ông Đinh Văn Sang:  Nếu đơn vị nào vi phạm và gây thiệt hại cho ngành đường sắt thì chúng tôi sẽ khiếu kiện yêu cầu bồi thường.

Lao động: Năm ngoái, một số HK ở Hà Nội mua vé khứ hồi chiều TPHCM – Hà Nội rồi đưa vào TPHCM bán ra chợ đen. Năm nay, Ga Hà Nội có biện pháp gì để phòng chống?

Bà Phùng Thị Lý Hà - Phó Ga Hà Nội: Tết năm ngoái xuất hiện 10 vé chợ đen ở TPHCM là vé khứ hồi bán ở Hà Nội. Chúng tôi kiểm tra, phát hiện số vé này xuất phát từ một đại lý mua vé hộ ở Nam Định và đã lập tức đình chỉ hoạt động đại lý này.

Năm nay, chúng tôi cho họ bán lại vì nói thật chính đại lý cũng không hiểu ai đã mua rồi tuồn vào TPHCM. Để hạn chế, năm nay, gần đến ngày đi (trước ngày khởi hành 7 ngày) chúng tôi mới giao vé khứ hồi cho hành khách.

Thanh Niên: Nói là chống nạn vé chợ đen nhưng ngành đường sắt lại áp dụng phí đổi vé lên tới 20%. Như vậy có phải là khuyến khích HK không đổi vé ở ga mà bán ra chợ đen để tránh thiệt hại?

Ông Đinh Văn Sang: Tỷ lệ 20% mà Tổng Cty Đường sắt VN quy định đúng là quá cao. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị và sắp tới sẽ tiếp tục đề nghị giảm tỷ lệ này xuống mức thấp hơn.

MỚI - NÓNG