Vợ đẻ, chồng... nghỉ phép nuôi con

Vợ đẻ, chồng... nghỉ phép nuôi con
TPO - Việc thực hiện chế độ nghỉ phép gia đình, theo đó người bố được hưởng thời gian hai tháng nghỉ phép nuôi con hưởng lương 100% (ngoài tiêu chuẩn 13 tháng của mẹ) đã mở ra cuộc cách mạng xã hội thực sự tại Thụy Điển.

Đã có 85% đàn ông quốc gia Bắc Âu này phấn khởi tận dụng chế độ mới và nhà nước đặc biệt ưu đãi gia đình đã trở thành mô hình cho nhiều quốc gia học tập.

Mikael Karlsson có xe máy trượt tuyết, hai chó săn và 5 súng săn. Trong thời gian rỗi anh đi săn cá hồi và trao đổi kinh nghiệm tã lót với những ông bố khác. Bế ẵm trong vòng tay đứa con gái hai tuổi Siri, Karlsson thừa nhận, anh không thể hình dung, ai đó từ chối chế độ nghỉ phép nuôi con. – Tất cả đều tận dụng – Karlsson giải thích.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa.

Tại tổ quốc những thổ dân Viking, đã nhiều năm đàn ông trở thành trung tâm các cuộc tranh cãi về bình đẳng giới. Bộ trưởng tài chính thuộc phái hữu tự nhận là người bênh vực phụ nữ; trong quảng cáo các chất tẩy rửa hiếm khi phụ nữ được giới thiệu như người nội trợ, tại các trường mẫu giáo trẻ học về các hình mẫu giới từ sách giáo khoa, mà nhân vật là những con vật dễ thương. Suốt gần bốn mươi năm chính phủ tất cả các đảng phái chính trị có thể đều soạn thảo những chính sách, để mang lại cho phụ nữ đầy đủ quyền lợi về lao động, còn đàn ông – có nghĩa vụ gia đình.

Cho dù các bà mẹ Thụy Điển vẫn dành nhiều thời gian hơn cho con cái so với đối tác của họ, việc thực hiện chế độ 13 tháng nghỉ phép gia đình, trong đó chỉ có tiêu chuẩn hai tháng dành riêng cho các ông bố, cũng được coi là sự khởi đầu của cuộc cách mạng xã hội thực sự. Các chủ thuê nhân công buộc phải chấp nhận thực tế: nhân công của họ - không phụ thuộc vào giới – có thể nghỉ phép nuôi con. Thu nhập của phụ nữ đã bắt đầu tăng cao, sự thay đổi vai trò người bố đã dẫn đến hiện tượng giảm thiểu con số các vụ ly hôn. Hệ quả cũng xuất hiện định nghĩa mới về tính đàn ông.

- Đàn ông đã không thích được đánh giá duy nhất qua lăng kính lao động nghiệp vụ - cựu phó thủ tướng Bengt Westerberg, vị quan chức đầu tiên đấu tranh cho chế độ đàn ông có một tháng nghỉ phép nuôi con đi vào cuộc sống năm 1995 nhận xét. – Bây giờ nhiều phụ nữ hy vọng, đối tác của họ tự giác gánh vác tối thiểu một phần chế độ nghỉ phép được hưởng.

Bà Birgitta Ohisson, bộ trưởng về các vấn đề châu Âu trong chính phủ Thụy Điển nhìn nhận vấn đề theo cách khác: - Đấng mày râu thuộc dạng “đại trượng phu” mạnh mẽ đã không còn chỗ đứng trong bảng xếp hạng 10 dạng đàn ông được kỳ vọng nhất trong các tạp chí phụ nữ Bắc Âu.

Trong thời gian mang thai bà Ohisson đã tích cực vận động chính phủ các quốc gia châu Âu dành nhiều sự quan tâm hơn cho các ông bố. Chồng bà – một giáo sư luật đã tận dụng chế độ nghỉ phép nuôi con theo luật định – khi bà sinh con, để gánh vác một phần trách nhiệm giúp vợ. – Ngày nay đàn ông có thể vừa thực hiện sự nghiệp của mình, vừa chứng tỏ là ông bố có trách nhiệm – bà Ohisson nói thêm. – Đó là dạng đàn ông mới, toàn diện hơn.

Năm 1974, khi Thụy Điển là quốc gia đầu tiên trên thế giới thay chế độ mẹ nghỉ phép nuôi con bằng chế độ nghỉ phép gia đình, những ông bố đầu tiên tận dụng chế độ này đã được mang biệt danh “đàn ông nhung lụa”. Bất chấp các chiến dịch vận động do chính phủ tổ chức – một trong số đó xuất hiện nhà vô địch cửa tạ với đứa con nhỏ trên cánh tay lực lưỡng – tỷ lệ các ông bố can đảm quyết định tận dụng chế độ nghỉ phép nuôi con không vượt con số 6% suốt nhiều năm. Tình hình trì trệ duy trì cho đến năm 1991, khi ngài Westerberg trở thành phó thủ tướng.

Thực sự ngay từ thời gian đó về phương diện tạo điều kiện cải thiện cuộc sống các bà mẹ hành nghề, Thụy Điển đã tiến xa hơn hẳn các quốc gia còn lại của thế giới: chính phủ đã thực hiện chế độ phụ cấp tài chính học mẫu giáo cho trẻ từ 12 tháng tuổi, bố mẹ hưởng 100% lương trong thời gian nghỉ phép nuôi con và đảm bảo nhận lại làm việc. Ngoài ra cho đến thời gian trẻ vào lớp một, bố mẹ có thể tận dụng chế độ làm việc 6 tiếng/ngày. Chính nhờ những chính sách ưu đãi của chính phủ, chỉ số sinh đẻ của Thụy Điển đã nhiều năm duy trì ở mức cao nhất trong các quốc gia công nghiệp đã phát triển.

- Tôi luôn nghĩ rằng, nếu tạo điều kiện việc làm dễ dàng cho phụ nữ, bản thân gia đình sẽ tự chia sẻ chế độ nghĩ phép nuôi con công bằng hơn – cựu phó thủ tướng Westerberg năm nay đã 67 tuổi bộc bạch. – Tiếc rằng cùng với thời gian tôi đã hiểu ra rằng, thực sự các đối tác thường không có khả năng lựa chọn.

Tình hình Thụy Điển, như người ta nói, khiến chúng ta liên tưởng đến cái vòng luẩn quẩn. Phụ nữ vẫn sử dụng phần lớn chế độ nghỉ phép nuôi con – không phải vì lý do truyền thống, song vì thu nhập của họ thấp hơn nam giới. Cùng lúc mức chênh lệch tiếp tục củng cố. Đồng thời các chủ thuê mướn nhân công đều phát tín hiệu cho đàn ông hiểu rằng, việc ngồi nhà trông con chỉ ảnh hưởng xấu tới sự nghiệp của bố.

- Xã hội là tấm gương phản chiếu cuộc sống gia đình – cựu phó thủ tướng Westerberg lý giải. – Để đạt được sự bình đẳng trong xã hội, trước hết cần thực hiện nó ở gia đình. Nỗ lực khuyến khích đàn ông thực hiện một phần thời gian nghỉ phép nuôi con là bộ phận quan trọng của quá trình này.

Việc đưa vào cuộc sống chế độ bố nghỉ phép nuôi con năm 1995 mang lại hiệu ứng tức thì. Quy định không bắt buộc, nhưng nếu từ bỏ, khoản tiền trợ cấp sẽ bị cắt. Thời gian ngắn sau đó cho thấy, trung bình cứ 10 ông bố, có 8 tận dụng chế độ này. Những hiệu ứng tích cực đầu tiên của bước đi cũng xuất hiện. Theo những số liệu do Viện nghiên cứu Chính sách Lao động Thụy Điển công bố tháng Ba năm nay, thu nhập của các bà mẹ trẻ sẽ tăng trung bình 7%/tháng, suốt thời gian các ông chồng của họ ở nhà nuôi con.

Trong những năm 60, thế kỷ trước, khi nhu cầu lao động ở châu Âu tăng đột biến, thay vì nhập khẩu lao động từ nước ngoài, Thụy Điển quyết định khuyến khích phụ nữ tham gia thị trường lao động. Giờ đây, khi dân số châu Âu sụt giảm và không lâu nữa lại thiếu lao động, nhiều quốc gia bắt đầu quay về hướng mô hình Thụy Điển – GS Peter Moss, chuyên gia về lĩnh vực chính sách nghỉ phép Đại học London nhận xét.

Bồ Đào Nha đã trở thành chính phủ đầu tiên áp dụng chính sách bố nghỉ phép nuôi con bắt buộc, cho dù chỉ với thời gian một tuần. Ailen đã có bước tiến xa nhất, nơi thời gian toàn bộ ba tháng đầu dành riêng cho người bố, ba tháng tiếp theo – dành cho mẹ, ba tháng cuối cùng – vợ chồng có thể phân chia thoải mái, theo thỏa thuận. Từ năm 2007 chính phủ Đức đã quyết định: trong tổng số 14 tháng tiêu chuẩn gia đình nghỉ phép được hưởng 100% tiền lương, có hai tháng dành riêng cho bố. Kể từ thời gian đó con số đàn ông tận dụng chế độ nghỉ phép nuôi con ở Đức đã tăng từ 3% lên trên 20%.

…Tại Sondermalm, khu phố được xếp hạng mốt thời thượng ở Stockholm, đàn ông đẩy xe nôi dạo bộ trong khuôn viên vườn hoa và đi mua sắm từ lâu đã là bức tranh thường nhật. Claes Boklund, chuyên gia tin học 35 tuổi đã quyết định sử dụng 10 tháng nghỉ phép nuôi con.Thoạt đầu anh hoảng loạn: con khóc, công việc bếp núc, lau dọn nhà cửa, thêm vào đó là những đêm mất ngủ. Sáu tháng sau anh cảm thấy tự tin hơn trong vai trò người chăm sóc cậu con trai 18 tháng tuổi Harri. – Công việc khó hơn và dễ hơn so với những gì tôi đã nghĩ – anh bố trẻ tâm sự.

Ngày càng nhiều đàn ông bắt đầu hiểu ra, các bà vợ của họ cảm thấy thế nào, khi chấp nhận số phận ở nhà chăm sóc con cái. Điều đó có thể lý giải, tại sao trong vòng 15 năm qua tỷ lệ ly hôn và ly thân ở Thụy Điển liên tục giảm thiểu, trong khi tại các quốc gia khác không ngừng tăng cao. Các cặp vợ chồng Thụy Điển, thậm chí cả khi đã chia tay nhua, họ phần thường cùng nhau chia sẻ nghĩa vụ chăm sóc con nhỏ.

Tuy nhiên không phải tất cả đều hài lòng với những thay đổi trên. – Tính đàn ông ngày càng bị giới hạn – bình luận viên nổi tiếng Ingemar Gens khẳng định. Những người đóng thuế cũng có thể buồn phiền. Thuế cá nhân ở Thụy Điển ngày nay chiếm 47% GDP (tại Mỹ là 27%, tại các quốc gia thành viên EU – trung bình 40%). Trợ cấp nuôi con chiếm 3,3% GDP, cao nhất thế giới – bên cạnh Đan Mạch và Pháp.

Mặc dù vậy Thụy Điển vẫn là đất nước có nền kinh tế ổn định. Thị trường lao động cũng thay đổi thích hợp với sự thay đổi văn hóa. Theo số liệu nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Goeteborg thực hiện, con số các chủ lao động tích cực tạo điều kiện thuận lợi giúp nhân viên tận dụng chế độ bố nghỉ phép nuôi con tăng từ 3% năm 1993 lên trên 41% năm 2006. Tại nhiều doanh nghiệp lớn đã áp dụng chế độ giờ làm việc linh họat: thậm chí nhân viên có chức vụ cao vẫn có thể về sớm để đón con và kết thúc công việc trên máy tính, tại nhà. Đối với không ít doanh nghiệp chính sách thân thiện với gia đình nhân viên đã trở thành sách lược thu hút nhân tài.

- Thời xưa giới trẻ tốt nghiệp đại học tìm kiếm việc làm có thu nhập cao. Bậy giờ đối với họ quan trọng nhất là nơi làm việc có thể dung hòa sự nghiệp với cuộc sống gia đình – Goran Henriksson, giám đốc quản lý nhân sự tập đoàn Ericsson , nơi năm 2009 đã có 28% nhân viên nữ và 24% nhân viên nam tận dụng chế độ nghỉ phép nuôi con, tiết lộ. – Chúng ta buộc phải thích nghi với trào lưu mới.

Thu Vinh
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG