Vợ chồng già giữ lửa nghề quạt giấy thủ công hàng trăm năm ở xứ Nghệ

TPO - Vợ chồng ông Lê Văn Trung và bà Nguyễn Thị Thu ở làng Nam, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An là những người hiện còn gắn bó với nghề làm quạt giấy thủ công truyền thống.
Vợ chồng già giữ lửa nghề quạt giấy thủ công hàng trăm năm ở xứ Nghệ ảnh 1

Nghề làm quạt giấy làng Nam, xã Nghi Trung, huyện Nghi Lộc, Nghệ An hình thành cách đây hàng trăm năm, khởi nguồn từ chính những người dân trong làng. Ông Lê Văn Trung (74 tuổi) cho biết không ai biết nghề làm quạt giấy ở làng có từ lúc nào. Chỉ biết khi lớn lên đã thấy ông bà, cha mẹ đi khắp nơi chặt tre về cưa, chẻ, gọt, phết giấy…

Vợ chồng già giữ lửa nghề quạt giấy thủ công hàng trăm năm ở xứ Nghệ ảnh 2

“Trước đây, cả làng, già trẻ, gái trai đều làm quạt, làm cả ngày lẫn đêm. Nhất là vào mùa nắng nóng, quạt làm ra không kịp đơn hàng. Đêm đến, chúng tôi thắp đèn dầu lên làm tới gần sáng. Tiếng tre chạm vào thớt gỗ cóc cóc vang khắp làng, vui như hội. Giờ khác rồi, cả làng nay chỉ còn vài người bám trụ với nghề”, ông Trung chia sẻ.

Vợ chồng già giữ lửa nghề quạt giấy thủ công hàng trăm năm ở xứ Nghệ ảnh 3

Từ lúc lên 6 tuổi, ông Trung đã biết phụ giúp bố mẹ một số công đoạn như phơi, xếp quạt... 10 tuổi, ông đã có thể tự tay hoàn thiện một chiếc quạt. Cứ thế, nghề làm quạt giấy theo ông cho đến tận bây giờ.

Vợ chồng già giữ lửa nghề quạt giấy thủ công hàng trăm năm ở xứ Nghệ ảnh 4

Ông Trung cho biết cao điểm nghề làm quạt thường tập trung vào tháng 3 đến tháng 7 âm lịch hàng năm, đây là thời điểm vào hè nắng nóng nên quạt bán chạy hơn. Nghề làm quạt không quá vất vả nhưng trải qua nhiều công đoạn và đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu.

Vợ chồng già giữ lửa nghề quạt giấy thủ công hàng trăm năm ở xứ Nghệ ảnh 5

Để tránh co ngót, tre được phơi cho đến khi "no" nắng. Sau đó, cưa bỏ mắt ở 2 đầu, lấy mỗi phần lóng có chiều dài đúng kích cỡ chiếc quạt. Ống tre được chẻ ra từng thanh đủ làm một chiếc quạt. Khoan một lỗ nhỏ ở đầu để chốt các nan lại với nhau làm tay cầm. Các nan quạt được chẻ bằng nhau, sau đó được vót đến khi thật đều, trơn và mượt.

Vợ chồng già giữ lửa nghề quạt giấy thủ công hàng trăm năm ở xứ Nghệ ảnh 6

“Tính sơ sơ, để làm một chiếc quạt giấy cũng phải trải qua 32 công đoạn”, bà Nguyễn Thị Thu nói.

Vợ chồng già giữ lửa nghề quạt giấy thủ công hàng trăm năm ở xứ Nghệ ảnh 7

Trong lúc ông Trung đang vót nan, bà Thu đi vào phía trong nhà, lấy ra một tập giấy gió rồi tỉ mẩn cắt vành theo hình cánh cung, sau đó đặt lên khung tre rồi dùng chiếc chổi phết nước hồ từ vỏ cây sắn.

Vợ chồng già giữ lửa nghề quạt giấy thủ công hàng trăm năm ở xứ Nghệ ảnh 8

Những chiếc quạt giấy sau khi được “trang điểm” bởi nước vỏ cây sắn sẽ được mang đi phơi. Nếu trời nắng to, chỉ cần phơi tầm 1 giờ đồng hồ, vừa đủ để nước vỏ sắn bám chặt vào giấy gió, lúc đó chiếc quạt sẽ có mùi thơm ngai ngái của nước vỏ sắn rất dễ chịu.

Vợ chồng già giữ lửa nghề quạt giấy thủ công hàng trăm năm ở xứ Nghệ ảnh 9

“Nhìn thì có vẻ dễ nhưng không phải ai cũng quét giấy gió vào khung được. Phải thật khéo léo, tỉ mỉ, nếu không tấm giấy gió mỏng tanh sẽ bị nát hoặc rớt xuống. Chiếc quạt để chắc chắn hơn sẽ được quét nước sắn lần hai, rồi tiếp tục đem phơi khô. Sau cùng, xếp các cánh quạt lại, cắt bỏ những phần thừa là hoàn thiện”, bà Thu cho hay.

Vợ chồng già giữ lửa nghề quạt giấy thủ công hàng trăm năm ở xứ Nghệ ảnh 10

Một ngày, ông Trung, bà Thu có thể làm được khoảng 30 cái quạt phết hồ hoàn chỉnh. Hiện, ông bà vẫn làm 3 loại quạt: 20 nan, 15 nan, và 10-13 nan, được bán với giá thành khác nhau từ 10–20.000 đồng/chiếc. Sau khi trừ chi phí, ông bà còn khoảng 150.000 đồng/ngày. Sản phẩm làm ra chủ yếu nhập ở khu vực Diễn Châu, các huyện miền núi Nghệ An, và các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Tin liên quan