Hành trình của Quạt giấy

Hành trình của Quạt giấy
TP - Sáng tạo, trẻ trung và đậm chất Việt là những gì chúng tôi cảm nhận được sau khi xem những bước nhảy của đội múa Quạt giấy do các du học sinh Việt Nam đang học tập tại thành phố Thượng Hải  (Trung Quốc) biểu diễn.
Hành trình của Quạt giấy ảnh 1
Đội Quạt giấy - Ảnh: Huyền Trang

Đội múa ra đời một cách ngẫu hứng. Đơn giản chỉ là những chiếc quạt, những tà áo dài truyền thống. Hình ảnh Quạt giấy xuất hiện lần đầu tiên tại cuộc thi Tài năng của học viện Ngoại ngữ trường Đại học Thượng Hải đã có sức hút mạnh mẽ tới bạn bè quốc tế bởi những tà áo dài và hình ảnh chiếc quạt rất độc đáo.

Sau lần gây ấn tượng ấy, Quạt giấy đã nhận được nhiều lời mời biểu diễn tại các cuộc thi, những buổi lễ mang tầm văn hóa quốc tế tại thành phố Thượng Hải.

Đội trưởng Quạt giấy là Nguyễn Anh Tú. Xuất thân từ sinh viên khoa Văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc trường Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2007, theo diện 322 của Bộ Giáo dục Đào tạo, Anh Tú nhận học bổng lên đường sang Trung Quốc.

Là người yêu nghệ thuật, và là một cây văn nghệ có chất giọng khá lạ nên Anh Tú đã trở thành linh hồn trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ của du học sinh. Anh suy nghĩ rằng cần tạo ra một sự độc đáo rất Việt Nam để góp phần nhỏ bé quảng bá hình ảnh đất nước mình. Và Quạt giấy đã kể cho bạn bè quốc tế một nét văn hóa bình dị rất Việt Nam ấy.

Khi hỏi về mục tiêu và những dự định sắp tới, đội trưởng Anh Tú cho biết: “Là những du học sinh Việt đang học tập tại nước ngoài, ngoài việc bản thân chúng tôi phải luôn rèn luyện, phấn đấu tốt, thì tham gia đóng góp những hoạt động có ý nghĩa tôn vinh vẻ đẹp Việt như thế này cũng là trách nhiệm của những người trẻ”. Hy vọng rồi đây sẽ không chỉ là Quạt giấy mà sẽ có thêm nhiều hình ảnh bình dị khác nữa được quảng bá với bạn bè quốc tế.

Với người Việt, hình ảnh chiếc quạt giấy gắn với lũy tre của miền quê Bắc Bộ, những trưa hè oi bức… Bằng một hành trình dài, Quạt giấy đã đến với bạn bè quốc tế dưới một góc nhìn mới của những thanh niên Việt Nam đang du học tại Trung Quốc, đó là chiếc quạt giấy song hành cũng tà áo truyền thống và điệu múa thuần Việt.

Minh Trang, thành viên đội múa tâm sự: “Ngay từ khi đưa ra ý tưởng, tôi đã có cảm giác rất gần gũi, vợi đi nỗi nhớ nhà. Vì thế mà những bước nhảy cùng với quạt giấy trở nên sống động và có hồn hơn…”. Trò chuyện với các thành viên đội Quạt giấy tôi bắt gặp những nụ cười rạng rỡ, các bạn đều đang là sinh viên trường Đại học Thượng Hải thuộc các chuyên ngành như: Kinh tế, Tài chính, Công nghệ thông tin, Kiến trúc…

Dù bận rộn với lịch học dày đặc, nhưng không một ai trong đội than thở; hễ có lời mời là mọi người đều tranh thủ sắp xếp tham gia, miễn là giúp chiếc quạt giấy chở hình ảnh bình dị Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Một thành viên Quạt giấy tâm sự: “Có những lần đi diễn, muốn thay đổi phục trang bằng hình ảnh áo tứ thân Bắc Bộ, cả đội đã phải thức trắng đêm để cùng nhau khâu khâu vá vá…”. 

Còn nhớ, trong lần diễn gần đây nhất tại Lễ hội các đặc khu Văn hóa quốc tế Giang Ninh lần 1 tổ chức ở thành phố Thượng Hải, đội nhảy đã trở nên nổi bật thu hút đông đảo người xem qua hình ảnh thiếu nữ áo dài và áo tứ thân và quạt giấy.

Trong lễ hội đó, RiTa, nữ sinh người Cuba, hào hứng: “Tôi chưa đến Việt Nam, chỉ biết qua sách báo, nhưng hôm nay được chung vui với mọi người, tôi đã hiểu thêm rất nhiều về con người và đất nước các bạn. Tôi thích chiếc quạt giấy, tà áo dài… Việt Nam”.

Matt, sinh viên người Mỹ, nói: “Khi được xem các bạn trình diễn, tôi hình dung ra những cánh đồng bạt ngàn lúa xanh, những miền quê yên ả và cả những con phố bình yên thướt tha áo dài.    

Nguyễn Thị Huyền Trang

(Du học sinh Việt Nam tại Thượng Hải, Trung Quốc)

MỚI - NÓNG
Đề nghị thanh tra toàn diện nhà ở xã hội
Đề nghị thanh tra toàn diện nhà ở xã hội
TPO - “Có ý kiến đề nghị Chính phủ chỉ đạo thanh tra toàn diện công tác phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua, xác định vướng mắc, bất cập, vi phạm, tiêu cực để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật”, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu.