Vĩnh Phúc: Mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ cả nước

Hệ thống cáp treo tại Khu du lịch Tây Thiên (Tam Ðảo).
Hệ thống cáp treo tại Khu du lịch Tây Thiên (Tam Ðảo).
TP - Với quyết tâm phát huy những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh về vị trí địa lý, kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư, khuyến khích nội lực, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu tăng trưởng kinh tế cao hơn 5 năm trước, đồng thời xây dựng tỉnh trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước.

Công nghiệp: Ðộng lực để phát triển

Với việc ban hành các chính sách thông thoáng, tạo điều kiện và hỗ trợ tối đa cho các nhà đầu tư, Vĩnh Phúc đã trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới.

 Minh chứng mới nhất là cuối tháng 10/2015, tỉnh Vĩnh Phúc đã chính thức trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hạ tầng Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long Vĩnh Phúc cho Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản. Ðây là một dự án với những nỗ lực rất lớn của chính quyền tỉnh Vĩnh Phúc bởi Tập đoàn Sumitomo là một trong những đơn vị xây dựng hạ tầng các KCN hàng đầu thế giới. Hiện tại Tập đoàn có 135 trụ sở ở 66 quốc gia trên thế giới với 74.638 nhân viên, cùng nhiều nhà sản xuất công nghiệp lớn nhất của Nhật Bản. Ở Việt Nam, Tập đoàn Sumitomo đã có hai KCN là Thăng Long I ở Hà Nội và Thăng Long II ở Hưng Yên. Chỉ riêng KCN Thăng Long II giai đoạn I hiện đã thu hút được 45 dự án đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1,5 tỷ USD, tạo việc làm cho khoảng 12 nghìn lao động. Tiếp nối sự thành công của 2 khu công nghiệp ở thành phố Hà Nội và tỉnh Hưng Yên, Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản quyết định đầu tư KCN thứ 3 tại Việt Nam.

Sau hơn 30 tháng tìm hiểu, nghiên cứu, điều tra, khảo sát đánh giá rất kỹ các yếu tố, điều kiện và xã hội ở khoảng 20 địa điểm tại 10 tỉnh, thành phố, trong đó có Vĩnh Phúc, Tập đoàn Sumitomo Nhật Bản đã đi đến quyết định hợp tác với Công ty TNHH Sumitomo Việt Nam đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Thăng Long Vĩnh Phúc tại địa bàn thuộc 2 xã Thiện Kế và Tam Hợp (Bình Xuyên, Vĩnh Phúc) với diện tích 213 ha, tổng vốn đầu tư khoảng 135 triệu USD, thời gian thực hiện dự án trong 50 năm. Khi hoàn thành dự kiến sẽ thu hút gần 80 doanh nghiệp đến từ Nhật Bản, chủ yếu đầu tư sản xuất linh kiện ôtô, xe máy, mặt hàng công nghệ cao… Ðồng thời tạo việc làm cho khoảng 40.000 lao động địa phương.

Theo Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thúy Lan, từ những định hướng phát triển đúng đắn, Vĩnh Phúc đã và đang trở thành điểm đến tin cậy cho nhiều nhà đầu tư. Riêng Nhật Bản có 26 dự án, với tổng vốn đầu tư gần 800 triệu USD, dẫn đầu về vốn thực hiện trong 15 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Vĩnh Phúc. Cùng với các KCN hiện có, việc xây dựng KCN Thăng Long Vĩnh Phúc sẽ tạo hình ảnh mới về hạ tầng phát triển công nghiệp của tỉnh. KCN Thăng Long Vĩnh Phúc được kỳ vọng sẽ trở thành KCN kiểu mẫu, tạo bước chuyển mới thu hút các doanh nghiệp Nhật Bản và các nhà đầu tư trên thế giới tiếp tục đầu tư vào địa phương.

Vĩnh Phúc: Mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ cả nước ảnh 1

Bà Hoàng Thị Thúy Lan, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án Khu công nghiệp Thăng Long (Vĩnh Phúc) cho Tập đoàn Sumitomo - Nhật Bản. Ảnh: Văn Hiên

Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Văn Trì khẳng định, việc Tập đoàn Sumitomo đầu tư tại Vĩnh Phúc là thành công lớn của tỉnh sau nhiều nỗ lực kêu gọi, xúc tiến thu hút đầu tư với các nhà đầu tư tầm cỡ trong khu vực và trên thế giới. Vĩnh Phúc sẽ tạo mọi điều kiện giúp đỡ nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục theo đúng quy định của Nhà nước Việt Nam để đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện dự án trong thời gian sớm nhất.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu đưa công nghiệp trở thành động lực cho sự phát triển của tỉnh, đưa giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân khoảng 6,5 - 7,0% mỗi năm. Trong đó tỉnh sẽ tập trung mở rộng sản xuất và tăng tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm công nghiệp chủ lực như ô tô, xe máy; Khuyến khích phát triển các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ cho sản xuất ô tô, xe máy, điện tử, tin học, dệt may, da giày... Từng bước phát triển sản xuất các sản phẩm công nghiệp công nghệ cao như điện tử gia dụng (điện thoại, máy điều hòa không khí, ti vi, tủ lạnh, máy giặt…). Ðồng thời đẩy mạnh phát triển công nghệ  thông tin, đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm phát triển công nghệ cao của vùng.

Xây dựng nông thôn mới dựa vào sức dân

 Song song với phát triển công nghiệp, Chương trình xây dựng nông thôn mới của Vĩnh Phúc cũng đạt được những kết quả rất tích cực. Ðến cuối năm 2015 đã có 2 huyện là Yên Lạc và Bình Xuyên đạt chuẩn nông thôn mới, 70 xã đạt chuẩn (đạt tỷ lệ 62,5% số xã trong tỉnh), vượt mục tiêu đề ra.

Chúng tôi về Tề Lỗ, một trong những điển hình của huyện Yên Lạc trong xây dựng nông thôn mới, đạt chuẩn vào tháng 8/2015, vượt chỉ tiêu huyện và tỉnh giao trước một tháng. Bộ mặt nông thôn nơi đây đang có sự chuyển mình đáng kinh ngạc: Toàn bộ 100% đường trục thôn xóm, liên xã đã được bê tông hóa. Hệ thống trạm y tế xã, trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa các thôn được xây dựng bề thế, khang trang, trở thành điểm sáng của xã Tề Lỗ. 

Ðể hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, Bí thư Ðảng ủy xã Tề Lỗ Nguyễn Kim Hiền cho biết, ngoài vận dụng các cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, thành công của Tề Lỗ còn có được chính là nhờ vào sự đồng thuận, ủng hộ rất lớn từ phía người dân và doanh nghiệp. Các doanh nghiệp đã ứng trước nguồn vốn tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như Trung tâm văn hóa thể thao xã, chợ, giao thông, hạ tầng nghĩa trang, rãnh nước thải để hoàn thành đúng tiến độ đề ra. Với sự đồng thuận cao, các hộ gia đình, cá nhân đã tình nguyện góp tiền mặt, hiến đất cùng nhau làm thay đổi bộ mặt nông thôn.

Vĩnh Phúc: Mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp, dịch vụ cả nước ảnh 2

Nhà văn hóa xã Tề Lỗ được xây dựng khang trang.

“Có được kết quả như vậy chính là nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, làm chuyển biến về nhận thức và hành động, tạo nên sự đồng thuận cao ở cơ sở. Ðồng thời chúng tôi cũng thực hiện tốt quy chế dân chủ với phương châm dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra. Chính nhờ gần dân, sát dân, dựa vào dân và được nhân dân đồng tình ủng hộ đã giúp chúng tôi đạt được kết quả như ngày hôm nay”, ông Nguyễn Kim Hiền chia sẻ.

Hướng đến một trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế

Một trong những thế mạnh nữa của Vĩnh Phúc  là du lịch. Chính nhờ vào sự đổi mới, tập trung nguồn lực đầu tư hoàn thành nhiều công trình phục vụ văn hóa, du lịch lớn đã góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân trong tỉnh và thu hút hàng triệu lượt du khách đến với Vĩnh Phúc. Ðến năm 2015 doanh thu du lịch Vĩnh Phúc đã đạt 1,17 nghìn tỷ đồng, tăng bình quân 7,7% mỗi năm.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, Vĩnh Phúc chú trọng đầu tư và khai thác có hiệu quả các danh lam, thắng cảnh ở khu vực Tam Ðảo, Tây Thiên, Ðại Lải và xúc tiến thu hút đầu tư vào Khu du lịch nghỉ dưỡng hồ Sáu Vó, Dự án tổ hợp vui chơi giải trí Future Land để tạo ra bước phát triển đột phá. Ðồng thời tích cực hoàn thành và vận động tốt các nhà đầu tư tham gia vào khu du lịch Tam Ðảo II. Trong tương lai, nơi đây sẽ hình thành một số tuyến du lịch trọng tâm: Tuyến Tam Dương - Tam Ðảo; Tuyến Vĩnh Tường - Yên Lạc; Tuyến Sông Lô - Lập Thạch; Tuyến Phúc Yên - Bình Xuyên.

Với rất nhiều thuận lợi về vị trí địa lý cùng nhiều cảnh quan hấp dẫn, trong một tương lai không xa, ngành du lịch sẽ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tạo tiền đề đưa Vĩnh Phúc trở thành một trong những trung tâm du lịch mang tầm cỡ quốc tế.

MỚI - NÓNG