Vinaconex vẫn làm đường ống số 2, vì sao?

Đường ống nước Sông Đà số 1 do Vinaconex thiết kế và thi công liên tục bị vỡ tới 9 lần, gây khó khăn cho người dân thủ đô và bức xúc trong dư luận
Đường ống nước Sông Đà số 1 do Vinaconex thiết kế và thi công liên tục bị vỡ tới 9 lần, gây khó khăn cho người dân thủ đô và bức xúc trong dư luận
TP - Liên quan đến việc Tổng Công ty Vinaconex được giao thực hiện thi công dự án đường ống số 2 dẫn nước sạch sông Đà về Hà Nội, sau khi để xảy ra 9 lần vỡ ống nước, nhiều câu hỏi đã được đặt ra cũng như việc cần phải giám sát việc thực hiện dự án này như thế nào. 

Lý giải việc Tổng công ty Vinaconex tiếp tục được triển khai đầu tư tuyến ống nước sông Đà từ quốc lộ 21 về vành đai III (phân kỳ 1), thuộc dự án hệ thống nước sông Đà giai đoạn II, ông Đỗ Đức Duy- Chánh Văn phòng Bộ Xây dựng cho biết, tại văn bản 1285 (ngày 24/9/2003) của Thủ tướng đã cho phép Vinaconex đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước chuỗi đô thị Sơn Tây - Hòa Lạc - Xuân Mai - Miếu Môn - Hà Nội - Hà Đông. 

Dự án được chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn I (2005): Xây dựng 2 đơn nguyên, công suất 300.000 m3/ngày đêm, 1 tuyến ống truyền tải nước sạch dài 45,8km. Giai đoạn II (2010): Xây dựng thêm 2 đơn nguyên, công suất 600.000 m3/ngày đêm, 1 tuyến ống truyền tải nước sạch dài 45,8km. Định hướng đến năm 2020: nâng tổng công suất lên 1.200.000 m3/ngày đêm. Như vậy, việc Vinaconex triển khai giai đoạn 2 đã được xin từ trước.

Còn việc xử lý trách nhiệm của Vinaconex, theo ông Duy, hiện nay Vinaconex là công ty cổ phần, hoạt động theo Điều lệ của Tổng công ty do Đại hội cổ đông thông qua trên cơ sở tuân thủ các quy định của pháp luật về doanh nghiệp cổ phần. Đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinaconex là Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) trực thuộc Bộ Tài chính. 

Bộ Xây dựng không phải là cơ quan chủ quản của Vinaconex, không được giao làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Vinaconex, không trực tiếp quản lý cán bộ lãnh đạo của Vinaconex, vì vậy việc xem xét, xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân cán bộ lãnh đạo tại Tổng công ty Vinaconex không thuộc thẩm quyền của Bộ.

Về phía TP Hà Nội, Phó Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Văn Hoạt cho rằng, việc Hà Nội tiếp tục giao cho Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư tuyến đường ống nước sông Đà số 2 là chủ trương nhất quán. Sau chất vấn tại Kỳ họp vừa qua, HĐND TP cũng thống nhất để cho Vinaconex tiếp tục thực hiện giai đoạn hai, mở rộng dự án nước sạch sông Đà. 

Tại cuộc họp mới đây nhất, sau khi cân nhắc các yếu tố, UBND TP Hà Nội đã thống nhất với đề nghị của Bộ Xây dựng tại Thông báo số 15, đồng ý để Tổng Công ty Vinaconex khẩn trương đầu tư xây dựng tuyến đường ống truyền dẫn số 2 từ quốc lộ 21 về đường vành đai 3. “Về con số nguồn vốn thực hiện dự án hơn 1.000 tỷ đồng hay 1.200 tỷ đồng là từ phía Vinaconex đề xuất đưa ra, còn việc tiếp tục cho đơn vị thực hiện dự án đường ống số 2 đã được bàn bạc thống nhất”, đại diện Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết.

Phải giám sát chặt chẽ ngay từ đầu

Ông Nguyễn Văn Hoạt nói: “Cần giám sát chặt chẽ việc xây dựng tuyến đường ống nước sạch sông Đà (tuyến số 2) do Tổng Công ty Vinaconex làm chủ đầu tư”. Theo lãnh đạo HĐND TP Hà Nội, vấn đề an toàn của đường ống nước sạch sông Đà không chỉ nhân dân mà lãnh đạo thành phố đặc biệt quan tâm. Vừa qua HĐNDTP đã chất vấn về nội dung này, Phó Chủ tịch TP Nguyễn Quốc Hùng đã có những chỉ đạo quyết liệt. 

“Về phía HĐND, chúng tôi theo dõi rất sát, sẽ có giám sát chặt chẽ những vấn đề liên quan trong việc thực hiện dự án, cũng như sự phối hợp giữa thành phố, Bộ Xây dựng và Vinaconex” - ông Hoạt cho biết.

Liên quan đến thông tin Hà Nội sẽ tự mình đầu tư làm một tuyến đường ống mới từ đường 21 về vành đai 3 (giáp Big C), ông Nguyễn Văn Thịnh - Phó Chánh Văn phòng UBNDTP Hà Nội cho hay: Do thời gian qua đường ống nước sông Đà liên tục bị vỡ 9 lần; trong và sau thời gian diễn ra kỳ họp HĐNDTP vỡ hai lần (10, 12/7), vì vậy, thành phố đã tổ chức một cuộc họp đột xuất do Phó Chủ tịch Nguyễn Quốc Hùng chủ trì với các sở ngành, Tổng công ty Vinaconex và đưa ra phương án thành phố sẽ tự làm một đường ống nước sạch (giao sở Xây dựng chủ trì/chủ đầu tư). “Đây là khả năng đã được tính đến. '

Tuy nhiên, hiện Vinaconex cũng đang tiến hành để chuẩn bị đầu tư giai đoạn 2 dự án nước sạch sông Đà (làm tuyến ống số 2). Vì vậy, Chủ tịch thành phố đã họp với các sở ngành để đi đến quyết định cuối cùng. 

Việc thành phố có tự mình xây dựng tuyến đường ống mới hay không cần cân nhắc nhiều yếu tố. Vấn đề là việc xây dựng tuyến đường ống nước sông Đà mới phải đảm bảo an toàn để cung cấp nước sạch cho nhân dân thủ đô và phải tiết kiệm chi phí” - ông Thịnh cho biết. 

Cũng theo ông Thịnh, số tiền để thực hiện dự án xây dựng tuyến ống mới có thể đến cả nghìn tỷ đồng, và nếu Hà Nội thực hiện, ít nhất cũng phải mất ba tháng chứ không phải chỉ là hai tháng như dự kiến trước đó.

Sẽ thanh tra toàn diện dự án đường ống dẫn nước sạch sông Đà

Chiều 23/7, ông Ngô Văn Khánh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, cơ quan này đang lên kế hoạch thanh tra toàn diện dự án đường ống dẫn nước sông Đà của Vinaconex (dự án đường ống dẫn nước số 1 đang đi vào hoạt động nhưng bị vỡ tới 9 lần - PV). 

Theo đó, cơ quan thanh tra sẽ thanh tra tổng thể từ khâu chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư đến kết thúc đầu tư; đồng thời cũng xem xét trách nhiệm của đơn vị thực hiện đầu tư và trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. 

L.D

MỚI - NÓNG