Việt Nam và Lào làm việc về dự án thủy điện Pắc Beng

TP - Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam Trần Hồng Hà vừa có chuyến thăm và làm việc với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Kông Lào Sỏm-mạt Phôn-sể-na về quá trình tham vấn trước đối với Dự án thuỷ điện Pắc Beng.

Đoàn Việt Nam trao đổi với mong muốn giúp bạn Lào đánh giá tác động toàn diện của công trình thủy điện Pắc Beng đối với người dân Lào, thượng nguồn cũng như hạ du, bao gồm Đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam và có những biện pháp giảm thiểu tác động tối ưu nhằm sử dụng hiệu quả và bền vững nguồn tài nguyên nước Lưu vực sông Mê Kông.

Tại cuộc họp, Chánh Văn phòng thường trực Ủy ban sông Mê Kông Việt Nam đã báo cáo hai Bộ trưởng nội dung tham vấn trước cũng như những đề xuất của phía Việt Nam liên quan đến dữ liệu sử dụng, các giải pháp bảo đảm dòng chảy, phù sa bùn cát, giao thông thuỷ, đường di chuyển của cá, chất lượng nước, tác động xuyên biên giới, an toàn công trình.

Đại diện Bộ Năng lượng và Mỏ của Lào nêu các giải pháp đang được thực hiện nhằm hoàn thiện hơn nữa báo cáo, cũng như giải quyết những vấn đề các bên liên quan còn quan ngại như hạ thấp chiều cao của đập, hạ thấp cửa xả phục vụ xả phù sa lơ lửng, phù sa đáy hồ; mời Công ty Snowy Mountains Engineering Corporation (SMEC) của Australia vào nghiên cứu bổ sung về số liệu cá di cư và thiết kế đường cá đi; thuê công ty giám sát của Pháp tham gia giám sát an toàn công trình bên cạnh sự giám sát của chủ đầu tư.

Hai Bộ trưởng nhất trí sẽ phối hợp cùng với các nước thành viên của Ủy hội và Ban thư ký Ủy hội thông qua một Tuyên bố chung về Tham vấn trước đối với Dự án thủy điện Pắc Beng. Qua đó thống nhất các giải pháp nhằm giảm thiểu tác động của công trình đối với các quốc gia ven sông, đảm bảo hài hoà các lợi ích về kinh tế, xã hội và môi trường của các bên và sự phát triển bền vững lưu vực sông Mê Kông.

Nhiều chuyên gia Việt Nam bày tỏ lo ngại, dự án thủy điện Pắc Beng cùng chuỗi các công trình thủy điện trên dòng chính Mê Kông sẽ ảnh hướng lớn đến hoạt động đánh bắt nuôi trồng thủy sản cũng như sinh kế của hàng triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long đồng thời làm gia tăng sạt lở bờ sông và xâm nhập mặn.

MỚI - NÓNG