Việt Nam trước cơ hội và thách thức

Muốn thay đổi phải bắt đầu từ giáo dục. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Muốn thay đổi phải bắt đầu từ giáo dục. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Ðầu xuân 2016, đất nước tròn 30 năm Ðổi mới với nhiều thành tựu rực rỡ, với nhiều bài học và còn không ít những thách thức. Việt Nam cần làm gì để đón bắt cơ hội và hóa giải thách thức? Trước thềm xuân mới, cùng nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt, TS Nguyễn Sỹ Dũng, TS Nguyễn Ðình Cung, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan bàn luận về nhiều góc độ của câu chuyện đang rất thời sự này.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt: Không tái cấu trúc được nền kinh tế, đừng bàn chuyện tương lai

Thưa ông, dự báo tương lai kinh tế Việt Nam từ nay đến năm 2020 – cái mốc được xác định là Việt Nam trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại - sẽ như thế nào?

Việt Nam trước cơ hội và thách thức ảnh 1

Tương lai 2020 theo tôi, nó khó lệ thuộc vào chúng ta. Năm 2020 kinh tế thế giới đã phát triển đến mức người ta khó dự báo một cách dài hạn, mọi cái đều có thể thay đổi. Chúng ta nợ công nhiều, khả năng trả nợ là chưa rõ, chúng ta có vay được tiền để phát triển? Thế giới còn tiền để cho chúng ta vay hay không? Chúng ta có thể trả được nợ cũ hay không mà tính đến chuyện vay tiếp để có thể phát triển đến năm 2020?

Bàn chuyện xa không phải thể hiện tầm nhìn, bàn chuyện gì có ích thì mới thể hiện tầm nhìn. Tầm nhìn không phải là nói về chuyện xa xôi. Tầm nhìn thể hiện ở việc từ chối nói những chuyện xa xôi. Bởi những chuyện xa xôi là hệ quả của việc chúng ta có cải cách được cơ cấu, cấu trúc của nền kinh tế hay không, có cải cách được các xí nghiệp nhà nước hay không để tăng độ hiệu quả của quá trình đầu tư vào nó. Tương lai lệ thuộc vào việc chúng ta có khôi phục lại được các khu vực kinh tế khác nhau của đất nước hay không? Khu vực vừa và nhỏ, khu vực kinh tế tư nhân là nơi phải gánh một trong những mục tiêu chính trị xã hội cực kỳ quan trọng để tạo công ăn việc làm, liệu nó có sống lại hay không? Nếu chúng ta không tái cấu trúc lại nền kinh tế, chúng ta không cải cách được các doanh nghiệp nhà nước, không làm sống lại khu vực kinh tế tư nhân, không cải cách hệ thống thể chế, hệ thống pháp luật để hỗ trợ việc làm sống lại các công cuộc khác nhau của nền kinh tế, và cân đối lại, chúng ta không bàn đến tương lai được. Cái trước hạn chính là tái cấu trúc lại nền kinh tế Việt Nam, tái cấu trúc lại doanh nghiệp nhà nước, tái cấu trúc lại bức tranh hợp lý của quá trình phân bố nguồn lực xã hội đối với các khu vực khác nhau của nền kinh tế. Bàn chuyện 2020 là một lối nói mà đối với thế giới bây giờ nó đã trở thành lạc hậu.

Nhiều người đã đưa ra thuật ngữ “ đổi mới lần hai đối với Việt Nam”. Ông nghĩ gì về điều này?

Tôi không thích thuật ngữ đổi mới lần hai, lần ba gì cả. Ðổi mới là một quá trình liên tục, cải cách là một quá trình liên tục. Trách nhiệm chính trị xã hội của Ðảng, của xã hội chúng ta là một khái niệm liên tục, không có đổi mới lần hai, lần ba gì đâu, đấy là một thứ chơi chữ. Tôi không thích chia cắt lịch sử ra như thế. Việt Nam đã rất cố gắng để tạo ra một công cuộc đổi mới, và chúng ta phải động viên để tiếp tục quá trình đổi mới này. Phải thừa kế tất cả những kinh nghiệm của thành công cũng như thất bại của quá trình đổi mới để tiếp tục quá trình này.

TS Nguyễn Sỹ Dũng - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Sống chụp giật, vay mượn ý tưởng không thể giàu

Việt Nam trước cơ hội và thách thức ảnh 2

TS Nguyễn Sỹ Dũng suy tư về những nhân tố đang ngăn cản Việt Nam trở thành một nước giàu có. TS Dũng nói:

Giàu có là một lối sống. Anh sống theo một cách nào đó thì giàu, sống theo cách nào đó thì không giàu. Ngôi nhà xây một trăm năm vẫn vững bền và có giá, nhưng cũng có những ngôi nhà vừa xây đã xuống cấp, mất giá. Tất cả phụ thuộc vào sự tính toán dài hạn và đầu tư vào những giá trị văn hóa để trường tồn. Phải vươn lên làm giàu bằng văn hóa của mình. Về bản chất vươn lên làm giàu quan trọng nhất là con người với lối sống, kỹ năng, thẩm mỹ, đạo đức, nhân văn. Nếu có tất cả những cái đó thì không thể không giàu. Nếu sống chụp giật, vay mượn ý tưởng của người khác, làm không nghĩ tới ngày mai, không nghĩ tới đời con cháu thì không thể giàu.

Tính sáng tạo, sự trung thực, ham muốn vươn lên chất lượng cao nhất , không thỏa mãn, thỏa hiệp với chất lượng và sáng tạo , biết hợp tác với nhau và với bên ngoài , cùng chia sẻ sự thịnh vượng là những phẩm chất mà người Việt cần có để thăng hoa. Phải giáo dục những phẩm chất đó rồi mới giáo dục kỹ năng, xác lập các thiết chế đảm bảo cho sự hợp tác, sự minh bạch, chế độ trách nhiệm rõ ràng và hệ thống thiết chế để bảo đảm: người tài được xếp vào đúng chỗ nhất.

Người Việt đang có những phẩm chất để vươn tới sự giàu có như ý chí vươn lên, năng lực làm giàu to lớn, thông minh, nắm bắt cái mới rất nhanh...Việt Nam  ở trong điều kiện địa chính trị, địa kinh tế khá tốt, khu vưc châu Á - Thái Bình Dương tăng trưởng kinh tế nhanh. Việt Nam lại đang trong thời kỳ dân số vàng.

Thưa ông, vậy còn những nhân tố nào đang ngăn cản Việt Nam trở thành một nước phát triển giàu mạnh?

Có những yếu tố thuộc về phẩm chất người Việt cũng ngăn cản hay làm chậm lại sự phát triển của đất nước. Chúng ta thường nhanh chóng thỏa mãn với những gì mình có, tự thỏa mãn với nhau, không lên được đỉnh cao, không hiểu sâu hay đi đến tận cùng của một lĩnh vực nào đó.

Người Việt vẫn có tính cả thèm chóng chán, như doanh nghiệp nhà nước  đổ xô nhảy vào đầu tư kinh doanh chứng khoán theo hội chứng đám đông. Khi cảm thấy thị trường đi xuống thì ồ ạt tháo chạy chứ không có một cách làm bài bản, lâu dài. Truyền thông kinh doanh của chúng ta cũng bị đứt đoạn, nguyên nhân tận cùng là việc không coi trọng chữ Tín. Gần đây chữ Tín mới bắt đầu được đề cao thôi. Các gia đình cũng chưa xem kinh doanh như một nghề cha truyền con nối, đưa kinh doanh đạt tới trình độ nghệ thuật.

Muốn thay đổi phải bắt đầu từ giáo dục , giáo dục ngay từ trong bụng mẹ, từ đưa nôi, truyền vào thế hệ tương lai đất nước khát vọng làm giàu bằng ý chí vươn lên, bằng đầu óc mới mẻ. Nếu đứa bé bị ngã mà bố mẹ lại nói với con rằng “đất làm con ngã” thì sẽ khiến cả một thế hệ người Việt không biết vươn lên, không biết chịu trách nhiệm về những hành động của mình.

TS Nguyễn Ðình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương: Cơ hội phụ thuộc vào chính chúng ta

Việt Nam trước cơ hội và thách thức ảnh 3

Nói về triển vọng kinh tế Việt Nam 2016, TS Nguyễn Ðình Cung - Viện trưởng Viện nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: Năm 2016 Việt Nam vẫn tiếp tục đà phục hồi ở mức chậm nhưng vững chắc, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, đặc biệt là giá các loại nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức thấp. Và các nền tảng kinh tế vĩ mô như lãi suất, tỉ giá cán cân thanh toán, dự trữ ngoại hối vẫn  tiếp tục được củng cố. Môi trường kinh doanh  theo công bố của Ngân hàng Thế giới, dự đoán năm 2016 có thể tăng trên 10 bậc (trong khi năm 2015 tăng 3 bậc), đặc biệt các chỉ số về bảo vệ nhà đầu tư  và khởi sự kinh doanh. Ðiều đó thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc liên tục cải thiện môi trường kinh doanh.

Theo ông Cung, mặc dù Chính phủ có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh, song DN Việt Nam, đặc biệt DN nhỏ và vừa vẫn tiếp tục khó khăn. Khó khăn đầu tiên là chi phí vốn vẫn còn lớn, khả năng tiếp cận nguồn vốn của DN vẫn bị hạn chế, nguy cơ bị tăng các khoản thu vẫn xảy ra vì chênh lệch thu chi ngân sách  lớn, nhu cầu về chi tăng cao, trong khi thu, đặc biệt thu từ bên ngoài có xu hướng giảm. Như vậy Chính phủ có thể sẽ triển khai nhiều biện pháp để thu, những thứ mà trước đây chưa thu thì có thể sẽ thu trong năm 2016 và những năm tiếp theo. Như vậy  ảnh hưởng đến chi phí, vốn hoạt dộng của DN nhỏ và vừa.

Tuy nhiên, ông Cung nhìn thấy có một điểm sáng đối với khu vực kinh tế tư nhân, đó là cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sẽ được đẩy mạnh hơn, quá trình thoái vốn nhanh hơn và thoái vốn cả ở những DN kinh doanh tốt. Ðiều đó tạo ra cơ hội đầu tư cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt khu vực kinh tế tư nhân trong nước. Như vậy có nhiều cơ hội và khó khăn đen xen lẫn nhau. Nhưng muốn thúc đẩy được khu vực kinh tế tư nhân trong nước phát triển thì phụ thuộc vào hai yếu tố. Thứ nhất là cải cách DNNN để chuyển đổi nguồn lực các DNNN đang sử dụng  sang khu vực kinh tế tư nhân. Thứ hai là phải thay đổi thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn  nữa để DN Việt Nam có niềm tin và có chiến lược đầu tư kinh doanh dài hạn. Khi đó người ta mới nghĩ đến đầu tư khoa học công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, nghĩ đến những  yếu tố nền tảng để cho DN tồn tại và phát triển lâu dài; để xóa bỏ sự nghi kỵ đối với DN tư nhân Việt Nam lâu nay, đó là kinh doanh ngắn hạn, nhỏ lẻ, phi chính thức, chụp giật.

Muốn xóa bỏ hình ảnh đó thì không chỉ là nỗ lực của DN tư nhân mà chính là nỗ lực từ phía Nhà nước, tạo ra động lực mới để người ta thay đổi văn hóa, tư duy về kinh doanh của người dân Việt Nam và đó là yếu tố quyết định để người Việt Nam có thể tận dụng được các cơ hội mà các hiệp định tự do mang lại, đặc biệt là TPP.

Kỳ vọng về các FTA rất cao, đặc biệt về TPP. Ðầu tư trực tiếp nước ngoài tiếp tục đổ vào Việt Nam để đón đầu và tận dụng các cơ hội đầu tư và thương mại. Nhưng nếu trong nước chúng ta không thay đổi, không cải cách để thúc đầy các doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh lên thì những cơ hội đó chủ yếu sẽ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Ðiều đó cho thấy cải cách trong nước mới là quyết định để chúng ta có thể tận dụng cơ hội đó cho người Việt Nam. Cơ hội rất lớn, nhưng tận dụng được hết hay không và tận dụng điều đó cho ai thì phụ thuộc vào chính chúng ta có thay đổi được không?

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan: Nhìn cân bằng để bước đi thăng bằng

Việt Nam trước cơ hội và thách thức ảnh 4

“Nhìn nhận về TPP, trước hết, cần có cái nhìn cân bằng hơn về cơ hội và thách thức”- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói. Theo bà, cái nhìn cân bằng sẽ giúp chúng ta giữ được trạng thái và có bước đi thăng bằng, tránh chao đảo do chủ quan hay bi quan thái quá.

Nói về lợi ích, bà Chi Lan cho rằng phải nói cân bằng. Nghiên cứu quốc tế chỉ ra, khi vào sân chơi TPP, Việt Nam có thể xuất khẩu 50 tỷ USD hàng dệt may từ vị trí chưa đến 20 tỷ USD hiện nay. Họ cũng tính toán được các công ty Mỹ sẽ chuyển bớt đơn hàng sang Việt Nam và thông qua các nhà sản xuất của các nước khác đến đầu tư tại Việt Nam và làm cho họ… để có được những con số đó. Từ tốc độ mà họ tính là Việt Nam được hưởng lợi nhiều nhất chứ không phải từ dung lượng. Khi nói Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất thì cũng phải bóc tách giữa tỷ lệ với dung lượng. Và phải thấy, xuất phát điểm khác nhau, sự hưởng lợi cũng khác nhau, đừng chỉ nhìn tốc độ không thôi mà phải so sánh cả hàm lượng, dung lượng. Nếu không đi vào các khía cạnh khác nhau mà chỉ dùng mỗi con số nghiên cứu để nói rằng Việt Nam là nước được hưởng lợi nhiều nhất và chỉ tuyên bố chừng ấy thôi thì sẽ rất méo mó, lệch lạc và dẫn đến tâm lý chủ quan.

Khi nói về thách thức, theo bà Chi Lan, chúng ta cũng nói quá nhiều thách thức đối với nông nghiệp, đặc biệt ngành chăn nuôi. Thậm chí người ta còn nói chăn nuôi là vật hy sinh cho TPP. Ðâu phải vậy. Ðàm phán là cả gói bao nhiêu thứ, bao nhiêu ngành chứ đâu phải mình nhượng bộ cái này để cho cái kia. Ngành chăn nuôi đâu chỉ là câu chuyện của Việt Nam hay sản phẩm này, sản phẩm khác. Với ngành chăn nuôi, nếu biết cách thì vẫn có thể biến những thách thức thành cơ hội cho mình. Như cách đầu tư của một số DN trong ngành sữa đang làm hiện nay, họ đầu tư trang trại bò sữa để cung cấp sữa cho xã hội. Như vậy, chăn nuôi không có nghĩa chỉ là bò thịt mà có thể chọn ngành mà Việt Nam làm hợp lý hơn và có lợi thế hơn, như bò sữa chẳng hạn.

Thách thức không chỉ đối với nông nghiệp hay chăn nuôi, mà còn đối với cả các ngành khác. Dệt may là ngành được nói đến sự hưởng lợi nhiều nhất, khiến người ta chỉ nghĩ cứ ngồi đấy mà hưởng tất cả những lợi ích của nó. Ðâu có phải vậy. Thách thức đối với dệt may Việt Nam là có thoát ra khỏi thân phận gia công hay không, có làm được giá trị gia tăng hay không, hay Việt Nam vẫn là cứ điểm cho các nhà đầu tư nước ngoài mượn với nhân công giá rẻ, còn cả chuỗi các sản phẩm trung gian, phần mà được hưởng lợi nhiều nhất rơi vào nước khác? Các ngành dịch vụ cũng thách thức rất lớn, bởi tầm ngắm của Mỹ vào Việt Nam thì trước hết là dịch vụ, EU hay các nước khác cũng vậy. Trong khi ngành dịch vụ trong nước còn khá thấp kém nên dễ bị họ đè bẹp.

“Lâu nay chúng ta toàn nói DN phải làm gì và nông dân phải làm gì, nhưng chưa mấy ai nói đến Nhà nước phải làm gì”- bà Lan nói. Trong khi câu chuyện hội nhập này, Nhà nước là nhân vật chịu trách nhiệm chính. Mục đích chính của các cam kết là đặt các nước trong một sân chơi song phẳng về môi trường kinh doanh, về thể chế. Nếu môi trường kinh doanh ở VN còn khấp khểnh, còn thua các nước như vậy thì tự nhiên mình lại đặt người mình vào một hoàn cảnh khó khăn, vất vả hơn rất nhiều so với các nước khác. 

MỚI - NÓNG
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
Tin mới vụ cô gái trẻ lái ô tô lao xuống sông Đồng Nai
TPO - Cơ quan chức năng cho biết trên xe ô tô lao xuống sông Đồng Nai chỉ có một nạn nhân nữ. Vị trí tìm thấy ô tô và nạn nhân thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương, do đó địa phương này tiến hành thụ lý việc khám nghiệm. Sau khi hoàn tất sẽ làm thủ tục bàn giao thi thể nạn nhân cho gia đình lo hậu sự.