Việt Nam trắng tay ở Olympic Paris 2024

0:00 / 0:00
0:00
TP - Đây là kỳ Thế vận hội thứ 2 liên tiếp sau Olympic Tokyo 2020 đoàn thể thao Việt Nam chịu cảnh ra về tay không. Giới chuyên môn đánh giá kết quả trên bắt nguồn từ khâu chuẩn bị thiếu chu đáo, chiến lược đầu tư không có chiều sâu.

Rất ít điểm sáng

Nội dung cuối cùng Việt Nam tham dự là Canoeing 200m của Nguyễn Thị Hương, diễn ra chiều 8/8. Ở vòng loại, cô chỉ đạt thành tích 49 giây 74, đứng ở vị trí cuối cùng và phải tranh vé vớt vào bán kết với 7 tay chèo khác. Tuy nhiên ở phần thi này, tay chèo Việt Nam cũng không thành công. Với kết quả này, đoàn thể thao Việt Nam đã chia tay Olympic Paris 2024 mà không giành được huy chương nào như mục tiêu đề ra.

Trước đó một ngày, đô cử Trịnh Văn Vinh cũng thi đấu không thành công ở nội dung cử tạ hạng cân 61kg nam. Anh cùng BHL đăng ký mức cử giật 128kg nhưng không thành công cả 3 lần thi đấu. Kết quả trên đánh dấu sự tụt lùi đối với chính Trịnh Văn Vinh, bởi anh đã từng vượt qua các mức tạ 129kg, 130kg và 131kg ở các giải quốc tế gần nhất. Giai đoạn đỉnh cao, Trịnh Văn Vinh thậm chí từng có thời điểm đạt mức tạ 136kg.

“Chúng ta đã từng có những VĐV rất xuất sắc, giàu tiềm năng như Huy Hoàng, Ánh Viên… nhưng việc đầu tư cho họ lại dàn trải, thiếu tập trung. Dù hướng đến các đấu trường lớn nhưng ngành thể thao lại có biểu hiện đặt nặng thành tích ở SEA Games”.

Nhà báo Nguyễn Lưu đánh giá, đồng thời cho rằng đối với vấn đề này, Bộ VH-TT&DL cũng không thể né tránh trách nhiệm

Thất bại của đoàn thể thao Việt Nam ở Olympic Paris 2024 thực tế không bất ngờ, mà hoàn toàn trong dự báo trước đó của giới chuyên môn. Trong 16 gương mặt đại diện cho Việt Nam tham dự Thế vận hội, không trường hợp nào thực sự đem lại niềm hy vọng lớn. Điểm sáng hiếm hoi cho thấy sự tiến bộ là xạ thủ Thu Vinh, khi vào chung kết 25m súng ngắn nữ và 10m súng ngắn hơi nữ. Ở nội dung 10m súng ngắn hơi nữ, Thu Vinh đã xếp thứ 4, kết quả rất đáng khích lệ. Các nội dung còn lại của thể thao Việt Nam trong khi đó đều không thành công, thông số chuyên môn không có sự bứt phá.

Chiến lược 1 đằng, làm 1 nẻo?

Trao đổi với Tiền Phong, nhà báo thể thao kỳ cựu Nguyễn Lưu cho rằng thể thao Việt Nam thực tế đã đưa ra chiến lược tập trung vào các môn thuộc chương trình thi đấu ở Asiad và Olympic từ lâu. Chính phủ cũng tạo điều kiện tập trung nguồn lực đáng kể cho các môn mũi nhọn và các VĐV trọng điểm. Tuy nhiên quá trình thực thi, ngành thể thao thiếu quyết liệt cũng như tham vọng thực sự.

Việt Nam trắng tay ở Olympic Paris 2024 ảnh 1
Thể thao Việt Nam lần thứ 2 liên tiếp trắng tay ở đấu trường Olympic. Ảnh: RCT

“Chúng ta đã từng có những VĐV rất xuất sắc, giàu tiềm năng như Huy Hoàng, Ánh Viên…nhưng việc đầu tư cho họ lại dàn trải, thiếu tập trung. Dù hướng đến các đấu trường lớn nhưng ngành thể thao lại có biểu hiện đặt nặng thành tích ở SEA Games”-nhà báo Nguyễn Lưu đánh giá, đồng thời cho rằng đối với vấn đề này, Bộ VH-TT&DL cũng không thể né tránh trách nhiệm.

Nhìn sang các quốc gia khác trong khu vực Đông Nam Á, Thái Lan và Philippines cho thấy thực sự có chiến lược xoáy mũi nhọn vào những nội dung sở trường hoặc có cơ hội đoạt huy chương tại Thế vận hội. Carlos Yulo, đối thủ quen mặt của các VĐV TDDC Việt Nam tại đấu trường SEA Games, đã gây ấn tượng mạnh với 2 HCV (thể dục trên sàn và nhảy chống). Như vậy là ngoài môn thế mạnh là quyền anh, Philipines đã bứt tốc cực mạnh ở môn TDDC.

Thái Lan tương tự vẫn duy trì thế mạnh ở các môn võ hạng cân nhẹ, trong đó đáng kể là HCV hạng cân 49kg nữ Taekwondo, HCĐ hạng cân 66kg môn quyền anh và đồng thời thể hiện bước tiến đáng kể ở môn cử tạ với tấm HCB hạng cân 61kg của Silachai. Người Thái cũng có quyền tự hào với tấm HCB lịch sử môn cầu lông của Kunlavut Vitidsarn. Tay vợt 23 tuổi chỉ chịu thua trước “người khổng lồ” Axelsen ở trận chung kết, và hành trình trước đó đã đánh bại cả tay vợt số 1 thế giới Shi Yuqi.

MỚI - NÓNG