Thông tin được ông Trần Đăng Khoa, Phó Cục trưởng Phụ trách Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ tại Ngày An toàn thông tin 2023 diễn ra sáng 30/11.
Ông Khoa cho biết, từ đầu năm 2022, Việt Nam có sự thay đổi tổng thể trong diễn tập an toàn thông tin, chuyển từ diễn tập tình huống sang diễn tập thực chiến (diễn tập trên chính hệ thống công nghệ thông tin đang sử dụng của cơ quan, tổ chức).
Năm 2022, Cục An toàn thông tin tổ chức 3 cuộc diễn tập thực chiến trên quy mô quốc gia, hướng dẫn 36% bộ, ngành và 54% địa phương diễn tập thực chiến với sự tham gia của hơn 2.500 lượt chuyên gia.
Năm 2023 tổ chức 3 cuộc diễn tập thực chiến quy mô quốc gia, phát hiện 488 lỗ hổng, điểm yếu. Dự kiến hết năm 2023, có khoảng 55% bộ ngành và 83% địa phương diễn tập thực chiến.
Việt Nam sẽ đẩy mạnh diễn tập thực chiến trên không gian mạng trong thời gian tới. Ảnh minh họa. |
Ông Khoa chia sẻ, diễn tập thực chiến tạo ra hiệu ứng tích cực, mang lại hiệu quả cao. “Hầu như địa phương nào cũng phát hiện lỗ hổng nghiêm trọng trong hệ thống công nghệ thông tin được diễn tập của mình. Việc phát hiện và xử lý kịp thời đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an toàn thông tin cho cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân”, ông Khoa nói.
Đại diện Cục An toàn thông tin cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục đẩy mạnh diễn tập thực chiến trên không gian mạng ở quy mô quốc gia, đồng thời đề nghị các bộ ngành địa phương duy trì tối thiểu một cuộc diễn tập thực chiến hàng năm trên hệ thống công nghệ thông tin của đơn vị.
Để hỗ trợ diễn tập thực chiến, năm 2024, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thiết lập nền tảng, giúp các bộ ngành địa phương tri thức, tình huống, phương án xử lý các vấn đề và quản lý diễn tập thực chiến. “Hy vọng việc diễn tập thực chiến giữa các cơ quan sẽ dễ dàng hơn, đạt chất lượng cao hơn, đồng bộ hơn”, ông Khoa thông tin.
Khai trương Nền tảng hỗ trợ quản lý đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ
Trong sáng nay, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) cũng khai trương Nền tảng hỗ trợ quản lý đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ.
Theo đại diện Cục An toàn thông tin, Nền tảng cung cấp một công cụ quản lý đồng bộ, tập trung trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thông tin, từ trung ương đến địa phương. Mỗi bộ, ngành, địa phương sẽ sử dụng nền tảng để quản lý tổng thể công tác đảm bảo an toàn hệ thống thông tin thuộc phạm vi mình.
Sáng 30/11, Bộ Thông tin và Truyền thông khai trương Nền tảng hỗ trợ quản lý đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ. |
Nền tảng sẽ hỗ trợ việc quản lý cơ sở dữ liệu, cung cấp các biểu đồ thống kê, đo lường trực tuyến theo thời gian thực. Nhờ vậy, các cấp lãnh đạo quản lý, đơn vị chuyên trách, vận hành nắm bắt được hiện trạng, tiến độ phê duyệt hồ sơ đề xuất cấp độ và triển khai phương án bảo đảm an toàn hệ thống, từ đó dễ dàng ra quyết định.
Nền tảng cũng cho phép chỉ ra các vấn đề, yêu cầu mà mỗi hệ thống thông tin chưa đáp ứng theo quy định của pháp luật để các cấp quản lý biết, chỉ đạo sớm hoàn thiện.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, sau khi nền tảng đi vào hoạt động ổn định, sẽ lấy thông tin, dữ liệu để tổng hợp, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đánh giá, xếp hạng công tác bảo đảm an toàn hệ thống thông tin theo cấp độ của các bộ, ngành, địa phương.