Việt Nam - Nga: Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện

Việt Nam - Nga: Thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện
TP - Ngày 12/11 tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Vladimir Putin hội đàm, ra tuyên bố chung khẳng định hai nước tiếp tục tăng cường quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, trong đó có việc đẩy mạnh hợp tác năng lượng, quốc phòng, thương mại…

* Ký 17 văn kiện hợp tác

> Việt Nam-Liên bang Nga ra tuyên bố chung
> Clip: Tổng thống Putin đến Hà Nội
> Tăng cường Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Nga

Ưu tiên lĩnh vực hạt nhân, dầu khí

Hai bên nhấn mạnh ưu tiên hợp tác trong lĩnh vực điện hạt nhân, chú trọng triển khai dự án hợp tác xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận I; nhất trí thúc đẩy đàm phán ký kết hiệp định giữa hai chính phủ về điều kiện cung cấp tài chính cho việc xây dựng Trung tâm Khoa học và Công nghệ Hạt nhân tại Việt Nam. Hiệp định sẽ xem xét việc phía Nga hỗ trợ lập luận chứng kinh tế - kỹ thuật cho việc xây dựng trung tâm này.

Phía Nga khẳng định tiếp tục hỗ trợ đào tạo, nâng cao trình độ cho các chuyên gia, nhà khoa học, cán bộ quản lý của Việt Nam trong lĩnh vực sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và sẵn sàng tiếp nhận sinh viên Việt Nam sang học chuyên ngành hạt nhân tại các trường đại học của Nga.

Hai bên bày tỏ hài lòng về việc hoàn tất chuyển về Nga toàn bộ nhiên liệu hạt nhân đã qua sử dụng của lò phản ứng nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt vào tháng 7.

Hai bên khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác thăm dò, khai thác dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam phù hợp luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Lãnh đạo hai nước đánh giá cao kết quả hợp tác trong lĩnh vực dầu khí, cụ thể là việc triển khai các dự án hiện có và thúc đẩy những dự án mới tại Việt Nam và Nga, bao gồm mở rộng khu vực thăm dò, khai thác dầu khí, nghiên cứu cung cấp khí hóa lỏng cho Việt Nam và tiêu thụ nhiên liệu động cơ.

Hai bên bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Gazprom và Cty Cổ phần Mở Zarubezhneft mở rộng tìm kiếm, thăm dò, khai thác dầu khí tại Việt Nam và Nga.

Hai bên đã đạt được thỏa thuận về việc tạo điều kiện cần thiết để Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam và Tập đoàn Gazprom (Cty Gazpromneft) hợp tác đầu tư, quản lý, vận hành, nâng cấp và mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất trên cơ sở bảo đảm cung cấp dầu thô dài hạn.

Hai nhà lãnh đạo ủng hộ nỗ lực của các công ty hai nước trong hợp tác khai thác khoáng sản; hoan nghênh sự phát triển mạnh mẽ trong hợp tác tài chính - đầu tư và cho rằng cần tiếp tục mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này, bao gồm việc đẩy mạnh sử dụng thẻ và nội tệ trong thanh toán song phương.

Tăng cường hợp tác nhiều mặt

Hai bên ghi nhận hợp tác trong lĩnh vực quân sự và kỹ thuật quân sự không ngừng phát triển và có độ tin cậy cao, phù hợp các quy định, nguyên tắc của luật pháp quốc tế, góp phần bảo đảm hòa bình, ổn định và phát triển bền vững tại châu Á - Thái Bình Dương; đánh giá cao quyết định thiết lập cơ chế đối thoại chiến lược cấp thứ trưởng quốc phòng. Lãnh đạo hai nước nhấn mạnh tầm quan trọng của tiếp xúc sâu rộng và thực chất giữa Bộ Công an Việt Nam và các cơ quan an ninh, thực thi pháp luật của Nga.

Chiều 12/11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp thân mật Tổng thống Nga Vladimir Putin, đánh giá cao ý nghĩa chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Putin, coi đây là sự kiện quan trọng, tạo xung lực mới thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hữu nghị truyền thống và đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Nga ngày càng phát triển năng động. Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hội kiến với Tổng thống Putin, hai bên nhất trí đẩy mạnh hợp tác quốc phòng, kỹ thuật quân sự, thăm dò và khai thác dầu khí, năng lượng, khai khoáng, giáo dục…

Hai bên ghi nhận ý nghĩa to lớn của hợp tác khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo và của việc đưa hợp tác trong các lĩnh vực này lên tầm chiến lược. Hai bên cùng quan tâm thúc đẩy việc thành lập Trường Đại học Công nghệ Việt - Nga tại Hà Nội.

Hai bên khẳng định thúc đẩy giao lưu, hợp tác trong lĩnh vực nhân văn, thúc đẩy việc dạy và học tiếng Nga, phổ biến văn hóa Nga ở Việt Nam, tăng cường hợp tác giữa các địa phương, hợp tác trong lĩnh vực địa chất và sử dụng lòng đất, nông nghiệp, y tế, cũng như vấn đề ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp tài nguyên sinh vật biển. Hai bên khẳng định tiếp tục trao đổi hợp tác du lịch, tạo điều kiện tăng cường hợp tác lao động giữa hai nước, đấu tranh chống di cư bất hợp pháp...

Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhất trí phấn đấu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 7 tỷ USD vào năm 2015 và 10 tỷ USD vào năm 2020. Hai bên đánh giá tích cực tiến trình đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia thành viên Liên minh Hải quan (Nga, Belarus, Kazakhstan), bày tỏ quyết tâm dành ưu tiên nguồn lực để đẩy nhanh, kết thúc đàm phán thành công.

Cần sớm có COC

Hai bên ủng hộ tăng cường nỗ lực quốc tế nhằm ứng phó các thách thức toàn cầu; nhất trí hợp tác chặt chẽ trong nhiều lĩnh vực cả trên kênh song phương và đa phương.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh, biện pháp duy nhất giải quyết khủng hoảng, kể cả khủng hoảng nội bộ là thông qua đối thoại chính trị giữa các bên xung đột.

Hai bên lưu ý rằng, chính sách can thiệp sức mạnh vào xung đột nội bộ của các quốc gia có chủ quyền, đơn phương áp dụng lệnh trừng phạt, không tính đến đặc thù chính trị nội bộ, sắc tộc, tôn giáo, văn hóa và các đặc thù khác có thể sẽ phá vỡ ổn định, làm gia tăng căng thẳng trong quan hệ quốc tế.

Hai bên nhận thấy vai trò ngày càng tăng của châu Á - Thái Bình Dương trong các vấn đề quốc tế, chủ trương tăng cường hợp tác trong khu vực; ủng hộ việc thành lập ở khu vực này một cấu trúc an ninh mở, không chia tách, minh bạch, bình đẳng và hợp tác. Hai bên khẳng định ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang định hình, ủng hộ nỗ lực của ASEAN tăng cường hợp tác đa phương.

Việt Nam và Nga sẽ tăng cường phối hợp và hợp tác trong khuôn khổ Diễn đàn Khu vực ASEAN và cơ chế Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng. Hai nguyên thủ khẳng định tầm quan trọng của Hội nghị Cấp cao Đông Á.

Hai bên cho rằng, các tranh chấp lãnh thổ và các tranh chấp khác tại châu Á - Thái Bình Dương cần được giải quyết chỉ bằng biện pháp hòa bình, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Hiến chương LHQ và Công ước LHQ về Luật biển năm 1982. Hai bên nhất trí ủng hộ việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) năm 2002 và sớm thông qua Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý cao hơn.

Chủ tịch Trương Tấn Sang và Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng tăng của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Nga khẳng định ủng hộ và sẵn sàng phối hợp cùng chủ nhà Việt Nam để bảo đảm thành công của Hội nghị Cấp cao APEC 2017.

17 văn kiện hợp tác Việt Nam - Nga

1-Hiệp định giữa Việt Nam và Nga về chuyển giao người bị kết án phạt tù;

2-Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nga về hợp tác quốc phòng;

3-Hiệp định giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Nga về việc công dân Việt Nam theo học tại các cơ sở giáo dục của Nga;

4-Bản ghi nhớ giữa Bộ KH&CN Việt Nam và Bộ Giáo dục và Khoa học Nga về hợp tác trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;

5-Bản ghi nhớ giữa Bộ TN&MT Việt Nam và Bộ Tài nguyên và Sinh thái Nga về hợp tác trong lĩnh vực địa chất và sử dụng tài nguyên khoáng sản;

6-Chương trình hợp tác giữa Bộ Y tế Việt Nam và Bộ Y tế Nga trong lĩnh vực bảo vệ sức khỏe và y học giai đoạn 2014 - 2016;

7-Bản ghi nhớ giữa Bộ Y tế Việt Nam và Cơ quan giám sát Liên bang Nga về bảo vệ quyền của người tiêu dùng về hợp tác trong lĩnh vực đảm bảo an toàn vệ sinh dịch tễ cho nhân dân;

8-Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Văn phòng Công nhận chất lượng Việt Nam và Cơ quan công nhận chất lượng Liên bang Nga;

9-Hợp đồng giữa Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cty "Viện nghiên cứu công nghiệp cao su" về nghiên cứu và chuyển giao công nghệ sản xuất sản phẩm cao su phục vụ công tác y sinh;

10-Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Cty Rosneft về việc tham gia lô 15-1/05 tại thềm lục địa Việt Nam;

11-Thỏa thuận giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Cty Rosneft về các điều kiện cơ bản về hợp tác tìm kiếm, thăm dò và khai thác dầu khí tại vùng biển Pechora;

12-Thỏa thuận giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Cty Gazprom về việc thành lập Cty liên doanh sử dụng khí làm nhiên liệu động cơ;

13-Bản ghi nhớ giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Cty Zarubezneft về việc phát triển và nâng cao hiệu quả Cty liên doanh Rusvietpetro;

14-Thỏa thuận khung giữa Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và Cty Gazprom Neft trong lĩnh vực lọc hóa dầu;

15-Thỏa thuận tín dụng giữa Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư Quốc tế của Liên bang Nga;

16-Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Ngân hàng Việt - Nga và Cty Uralvagonzavod;

17-Thỏa thuận giữa Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội và Học viện Kinh tế và Luật Mátxcơva về thành lập Đại học Nhân văn Nga - Việt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG