Việt Nam đã thay đổi cuộc đời Anthony Bourdain

0:00 / 0:00
0:00
TP - Năm nay là tròn năm năm sau khi Anthony Bourdain ra đi. Bộ phim tài liệu đặc biệt về ông có tên “Roadrunner: Một bộ phim về Anthony Bourdain” đang nóng trở lại. Khán giả Việt chú ý đến câu chuyện này, ngoài vì danh tiếng của một đầu bếp có ảnh hưởng nhất thế giới, còn bởi Anthony luôn đặt Việt Nam “trong trái tim”. Nhiều lần, ông từng kể câu chuyện “phải lòng Việt Nam” trên các chương trình truyền hình nổi tiếng nhất thế giới.

Mong ước được ở lại Việt Nam mãi mãi

Anthony Bourdain biết đến Việt Nam khá sớm, gần như ngay khi ông quyết định làm một chương trình truyền hình thực tế về con đường ẩm thực, văn hóa vòng quanh thế giới. Đất nước đầu tiên mà ông và ê kíp chọn là Nhật Bản. Song họ đã có một khởi đầu không hề suôn sẻ. Các ý tưởng đều bế tắc, vị đầu bếp lừng danh thậm chí không biết bắt đầu câu chuyện của mình như thế nào. Và mọi chuyện bắt đầu chuyển biến khi họ đến Việt Nam.

Bạn đồng hành của ông kể: “Anthony rất vui vẻ và bớt hoài nghi. Khi chúng tôi đi chợ nổi ở miền Tây, Tony (tên thân mật của Anthony Bourdain) gọi một cốc cà phê bán trên thuyền và anh ấy khen vị ngon của nó ăn đứt Strabucks”.

Cùng với hành trình rong ruổi từ Bắc vào Nam, con người, cảnh vật và ẩm thực Việt Nam dần dần trở nên rõ ràng qua lời dẫn truyện của Anthony. “Tôi yêu Việt Nam, có lẽ đó là một sức hấp dẫn khó cưỡng. Cảm giác giống như lần đầu ta gặp tình yêu của đời mình và cô ấy tỏa ra một mùi hương mê đắm khiến ta thấy yên lòng vậy. Với cơ hội đó tôi cảm thấy đây là người phụ nữ khiến tôi muốn ở bên trọn đời suốt kiếp. Tôi có một ước muốn là được ở lại Việt Nam mãi mãi”.

Việt Nam đã thay đổi cuộc đời Anthony Bourdain ảnh 1

Anthony đặc biệt ấn tượng với ẩm thực Huế bao gồm cả bún bò, cơm hến, bánh bèo, bánh bột lọc...

Việt Nam đã thay đổi cuộc đời Anthony Bourdain ảnh 2

Anthony cầm đũa thành thạo thưởng thức món bún ốc Hà Nội

Chuyến đi sau đó được phát trên một trong hai chương trình truyền hình nổi tiếng nhất của Anthony Bourdain là “Parts Unknown” (trên CNN) và được đánh giá là một trong những tập hay nhất.

Năm 2016, câu chuyện của Anthony và Việt Nam còn được tô đậm bằng việc ông cùng cựu Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng ngồi ăn một bữa bún chả chỉ có giá 6 USD tại Hà Nội khi ông Obama tới Việt Nam.

Anthony Bourdain sinh năm 1956, là một người Mỹ nhưng lại thành danh với phong cách ẩm thực Pháp. Sau cuốn tự truyện “bóc mẽ” nghề nghiệp có tên “Bí mật nhà bếp” (nằm trong danh sách bán chạy nhất năm 2000, đã được dịch và xuất bản ở Việt Nam), ông lấn sân sang lĩnh vực truyền hình.

Ngoài tài năng thiên bẩm, các câu chuyện của Anthony còn cuốn hút người xem ở chính nghị lực và sự không hoàn hảo của ông. Là một đầu bếp thích viết, Anthony đồng thời còn mắc chứng nghiện ma túy khi còn trẻ. Khi được hỏi, làm thế nào mà ông cai nghiện được, ông đã nói một câu vô cùng ấn tượng: “Tôi nhìn vào gương, và thấy một người đáng để cứu hoặc ít nhất thì tôi cũng muốn cố hết sức để cứu lấy mình. Vì không có ai cứu tôi cả”.

Việt Nam đã thay đổi cuộc đời Anthony Bourdain ảnh 3

Anthony thưởng thức món bún chả Hà Nội cùng cựu Tổng thống Mỹ Obama

Để làm các chương trình truyền hình ẩm thực, văn hóa mang tên mình, Anthony cùng ê kíp đã đi vòng quanh thế giới trong suốt 20 năm. Trên hành trình ấy, ông “gặp” Việt Nam và “phải lòng”. Về sau, ông chia sẻ với CNN Travel: "Chuyến đi đầu tiên đến Việt Nam đã thực sự thay đổi cuộc đời tôi, có thể vì mọi thứ quá mới mẻ và khác biệt so với những gì tôi đã biết, so với thế giới tôi lớn lên. Món ăn, văn hóa, phong cảnh và hương vị hòa quyện đến không thể tách rời. Việt Nam như một hành tinh khác, một hành tinh có rất nhiều món ngon, hút tôi vào và không bao giờ thả ra”.

Rất tiếc, giống như lời cảnh báo ngay từ đầu bộ phim “Roadrunner”, người dẫn truyện nói rằng: “đằng nào thì các bạn cũng biết thôi nên tôi sẽ tiết lộ trước một sự thật là kết thúc không có hậu đâu, anh ấy đã tự tử, tên khốn đó”, Anthony đã tự kết liễu cuộc đời mình ở tuổi 61.

“Món ăn, văn hóa, phong cảnh và hương vị hòa quyện đến không thể tách rời. Việt Nam như một hành tinh khác, một hành tinh có rất nhiều món ngon, hút tôi vào và không bao giờ thả ra”.

Anthony Bourdain

Sau sự việc đáng tiếc này, ông Obama đã đăng lại bức hình của hai người khi ăn bún chả và chia sẻ: "Chiếc ghế nhựa thấp, món bún rẻ nhưng ngon tuyệt, bia Hà Nội mát lạnh. Đây là những gì tôi sẽ nhớ về Tony. Ông ấy đã dạy chúng ta về ẩm thực - nhưng quan trọng hơn, về khả năng đưa chúng ta xích lại gần nhau của nó. Khiến chúng ta bớt lo sợ hơn về điều chưa biết. Chúng tôi sẽ nhớ anh".

Tình yêu dành cho ẩm thực Việt

Trong bộ phim tài liệu “Roadrunner: Một bộ phim về Anthony Bourdain”, cộng sự của ông đã lý giải về tình yêu sét đánh của ông với Việt Nam rằng: “Có lẽ nó bắt nguồn từ một trong ba bộ phim yêu thích nhất của Tony là “Apocalypse Now” (tạm dịch: Tận thế đêm nay). Bộ phim từng giành giải Cành cọ Vàng tại LHP Cannes của đạo diễn Francis Ford Coppola lấy bối cảnh chiến tranh Việt Nam đã để lại ấn tượng sâu sắc với Anthony về một vùng đất nhiệt đới gió mùa tràn đầy bí ẩn và hấp dẫn. Thế nên, khi lần đầu đặt chân đến mảnh đất hình chữ S, ông đã biết, kể từ đây, Việt Nam không còn là bối cảnh trong phim hay áng văn trong sách, mà là một nơi ông đã tận mắt nhìn thấy, tự mình cảm nhận được.

Anthony yêu Việt Nam ở những góc rất bình thường: gánh hàng rong trên phố, quán nước nghèo ở bến sông hay những sạp hàng muôn hình vạn sắc trên ghe nổi... Trên các diễn đàn ẩm thực và du lịch nổi tiếng thế giới, hình ảnh Anthony ngồi vỉa hè thưởng thức những thức quà bình dân của Hà Nội nhanh chóng được chia sẻ và lan tỏa rộng rãi.

Một trong những kỷ niệm ẩm thực “nhớ mãi” của Anthony ở Hà Nội diễn ra tại quán bún ốc Lương Ngọc Quyến. Trong đoạn clip được CNN phát sóng tháng 9/2016, Anthony xuất hiện tại một quán bún ốc ven đường, ngồi ghế nhựa thấp, cầm đũa thành thạo không kém dân bản xứ và thông báo: “Tôi đã chính thức đến Hà Nội”.

Trong mỗi một lần đến Việt Nam sau này, Anthony đều có công lăng xê món Việt với cộng đồng du lịch thế giới. Đến Hội An, ông tả: “Cảm giác nhai từng miếng bánh mì Phượng giống như một “bản hòa âm trong miếng sandwich”, câu chuyện hấp dẫn đến mức rất nhiều người sau đó đã chọn Việt Nam du lịch và đi theo hành trình của Anthony. Anthony cũng là người đánh giá “Việt Nam là một trong những nơi có ẩm thực đường phố tuyệt vời nhất thế giới”.

Đây là bữa ăn đầu tiên của ông tại Thủ đô. Sau miếng ăn đầu tiên, Anthony đã phải trầm trồ là “kỳ diệu”, và khi bữa ăn kết thúc, ông nhận xét: Bún ốc là thứ người Việt Nam làm tốt hơn bất kể một quốc gia nào khác.

Vẫn là bún, khi Anthony quay trở lại Việt Nam và lạc bước vào chợ Đông Ba (Huế), vị giác của ông tiếp tục bị chinh phục.

“Nếu xếp hạng các món ngon của Huế thì món bún bò xứng đáng ở vị trí đầu tiên”, Anthony nhận xét khi ngồi trên chiếc ghế đẩu, xì xụp thưởng thức bát bún bò trong bầu không khí ẩm ướt sương sớm. “Nước dùng được chế biến công phu bằng cách hầm nhừ xương, thơm mùi sả, gia vị và mắm tôm. Món bún ăn kèm với thịt bò mềm, bánh chả cua, chân giò và huyết, cùng vô số loại rau như hoa chuối bào sợi, ngò rí, hành lá, giá đỗ và chanh. Đây quả thật là món bún ngon nhất thế giới. Bát bún bò của quán mang hương vị tinh tế và có cách nấu cầu kỳ, chẳng khác nào đang ngồi ăn tại một nhà hàng Pháp. Nó thực sự rất đỉnh!”.

MỚI - NÓNG