Quán ăn nằm trong "sổ tay" của khách du lịch
Trưa tháng 3, Cassy ngồi dưới tán cây bàng, cô gọi phần bún bò đầy thịt cùng đĩa chả giò giòn rụm. Sau khi thử vài thìa đầu tiên, cô gái người HongKong (Trung Quốc) xuýt xoa trước phần nước súp đậm đà, nồng nồng vị sả, chút mắm.
"Đây là món ăn ấn tượng nhất trong chuyến thăm Việt Nam lần này", cô nói.
Không chỉ Cassy, nhiều khách du lịch đến với TPHCM đã thêm quán ăn vỉa hè này vào danh sách "phải thử một lần".
Từng nguyên liệu đều được bà Thanh chăm chút (Ảnh: Ngọc Ngân) |
Hơn 20 năm trước, bà Nguyễn Thị Thanh (57 tuổi) mở quán ăn nhỏ trên vỉa hè thuộc khu chung cư Nguyễn Đình Chiểu (quận 1, TPHCM). Quán không tên, nằm dưới hai cây bàng lớn nên dân văn phòng ghé ăn gọi là "quán cây bàng". Trong lần tình cờ, phóng viên của tờ Asia Life đã đến thưởng thức và viết bài về quán ăn.
Bài báo đã gây ấn tượng cho Anthony Bourdain, một đầu bếp người Mỹ có tầm ảnh hưởng trên thế giới. Năm 2009, Anthony quyết định mang ê-kíp sang Việt Nam để thực hiện chương trình truyền hình No Reservations.
"Vua đầu bếp" đã đặc biệt thích thú với ẩm thực Việt Nam được thể hiện qua bàn tay của bà Thanh. Quán ăn vỉa hè luôn có nồi nước dùng nghi ngút khói, thực đơn được bà Thanh thay đổi từng ngày: bún mọc, bún mắm, bánh canh cua, bò kho, hủ tíu, mì quảng, bún bò…
Quán vỉa hè gần 20 năm phục vụ khách du lịch quốc tế (Ảnh: Ngọc Ngân) |
Anthony đặt tên cho quán ăn là "Lunch Lady". 14 năm trôi qua, bà Thanh vẫn luôn biết ơn vị đầu bếp quá cố làm cho quán ăn vỉa hè Sài Gòn được nhiều người biết đến hơn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế.
Bà Thanh học nấu ăn từ mẹ, một người phụ nữ luôn biết cách làm cho các món bún trở nên hấp dẫn. Rau mùi được bà nhặt từng cọng rồi rửa, nước dùng đậm đà, cân bằng các gia vị mắm, muối, sả, thơm…
Các loại thịt được thái mỏng, xếp lớp trên tô, đặt trong tủ kính trông khá hấp dẫn. Năm 20 tuổi, bà từng xuất khẩu lao động tại Đức nên đã làm quen với khẩu vị phương Tây, rồi tập nấu nướng món Việt Nam ở xứ người.
"Dù quán có nhiều người phục vụ nhưng tôi và chị gái luôn là người nêm nếm nước dùng, trụng bún cho khách. Nếu đến quán 7 ngày, bạn sẽ được trải nghiệm 7 món ăn, mang đặc trưng của các vùng miền khác nhau", bà Thanh nói.
Bà Thanh phục vụ thực khách tại quán, chiều ngày 24/3 (Ảnh: Ngọc Ngân) |
Bên cạnh khách hàng là dân văn phòng từ các tòa nhà lân cận, quán vỉa hè của bà Thanh đã tiếp đón hàng nghìn lượt khách từ khắp nơi trên thế giới. Quán đông khách nhất là khung giờ ăn trưa 11h-13h. Có du khách Mỹ đến quán ăn liền 3 tô, xuýt xoa hương vị đậm đà.
Thậm chí, khách châu Á đến từ Hàn Quốc, HongKong, Nhật Bản… vốn đã quen với sợi mì, bún cũng thể hiện sự bất ngờ trước các món ăn đặc sắc của Việt Nam. Đồng thời, nhiều công ty du lịch, lữ hành cũng đã đưa khách đến ăn tại quán "madam Thanh" để trải nghiệm.
"Tôi muốn mãi là quán vỉa hè"
Kể từ lần xuất hiện trên No Reservations, "quán cóc" của bà Thanh đã được nhắc tên trên các tạp chí quốc tế như New York Time, The Sydney Morning Herald… Vài năm trước, một nhà đầu tư đã tìm đến bà đề nghị "nâng cấp" quán ăn vỉa hè thành nhà hàng dưới tên thương hiệu "The Lunch Lady". Tuy nhiên, bà Thanh từ chối.
"Tôi muốn quán ăn này mãi là quán vỉa hè, ai đến đây cũng được bữa ăn ngon với giá phải chăng. Nếu bán mắc quá làm sao người lao động ăn được? Đồng thời, đây cũng là cách tôi tri ân Anthony, vị đầu bếp người Mỹ đã qua đời vào năm 2018", bà Thanh nói.
Du khách Hong Kong thưởng thức món bún bò có giá tầm 50.000 đồng (Ảnh: Ngọc Ngân). |
"Vua đầu bếp" Anthony là người đặc biệt hứng thú với ẩm thực Việt. Ông đã từng ăn bún chả với tổng thống Obama, dành lời khen ngợi bánh mì Phượng tại Hội An, thưởng thức bún ốc tại Hà Nội, cơm hến ở chợ Đông Ba (Huế).
Bà Thanh tâm sự: "Nhờ ông ấy, quán vỉa hè của tôi mới được nhiều người biết đến. Tôi muốn giữ những gì đặc trưng nhất, dung dị nhất và "Việt Nam" nhất đối với quán ăn của mình".
Đây cũng là lí do khiến người phụ nữ U60 vẫn giữ nguyên giá bán, dù quán ăn đã nổi tiếng khắp thế giới. Chỉ mất khoảng 2 USD, khách quốc tế đã có thể thưởng thức tô bún bò đầy ắp thịt tái, gân, chả, dùng kèm rau muống bào, giá đỗ, ớt tươi và chanh.
"Madam Thanh" trụng rau cho khách (Ảnh: Ngọc Ngân). |
Bí quyết để quán ăn giữ chân được thực khách hàng chục năm qua nằm ở sự tỉ mỉ, chu đáo. Bà chăm chút từng tô bún, nêm nếm vừa vặn, nấu ăn như nấu cho những người trong gia đình. Bà ghi nhận mọi sự góp ý để điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với thực khách.
Ai đến với quán ăn vỉa hè, cũng đều thấy người phụ nữ mặc đồ bộ, đội nón lá, tất bật trụng bún, lấy rau, sắp xếp chén, đĩa cho khách. Đối với bà, quán ăn là niềm hạnh phúc, là nơi bà kể với thế giới câu chuyện ẩm thực Việt Nam.
Link bài gốc: https://dantri.com.vn/du-lich/duoc-vua-dau-bep-my-ghe-tham-quan-via-he-tphcm-noi-tieng-the-gioi-20230324212759710.htm