Việt Nam-Campuchia khánh thành cột mốc biên giới số 30

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Hun Sen khánh thành Cột mốc số 30.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Hun Sen khánh thành Cột mốc số 30.
TPO - Sáng ngày 26/12/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Chính phủ Vương quốc Campuchia Hun Sen đã dự lễ khánh thành Cột mốc số 30 trên biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia và đoạn đường nối hai cửa khẩu quốc tế Lệ Thanh (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) với cửa khẩu Quốc tế Ô-za-đao (huyện O-za-đao, tỉnh Ratanakiri, Vương quốc Campuchia). 

Cột mốc số 30 được Thủ tướng Chính phủ hai nước thống nhất xác định sau khi hai bên ký bản Ghi nhớ ngày 23/4/2011. Tiếp đó, ngày 20/11/2015, tại Phnôm Pênh (thủ đô Vương quốc Campuchia), đại diện Uỷ ban liên hợp Phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia đã thống nhất khởi công xây dựng cột mốc số 30 vào ngày 22/11/2015, hoàn thành vào ngày 20/12/2015. 

  

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ 2 nước cùng khẳng định đây là một sự kiện lịch sử quan trọng, khẳng định tính đúng đắn của công tác phân giới cắm mốc mà hai nước đã và đang triển khai, thể hiện quyết tâm của lãnh đạo và nhân dân hai nước trong việc sớm hoàn thành toàn bộ công tác phân giới cắm mốc biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia.

Với việc khánh thành Cột mốc số 30, hai nước đã hoàn thành việc xác định, xây dựng tất cả các cột mốc đã có gắn Quốc huy tại 10/10 cặp cửa khẩu Quốc tế; cùng với cột mốc ở điểm đầu (mốc ngã ba biên giới Việt Nam-Lào-Campuchia) và cột mốc cuối cùng (mốc 314) trên đường biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia và 297 cột mốc chính đã được xây dựng, như “xương sống” của hệ thống mốc giới trên toàn tuyến.

Việt Nam và Campuchia có biên giới đất liền gần 1.200 km, đi qua 10 tỉnh của Việt Nam và 9 tỉnh của Campuchia. Việc hoàn thành phân giới cắm mốc trên biên giới đất liền Việt Nam-Campuchia sẽ tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước.


MỚI - NÓNG
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
Hà Nội: Một quận có tới 12 trường ngoài công lập
TPO - Ở bậc THPT, Hà Nội hiện có hơn 100 trường tư thục. Trong đó, Quận Nam Từ Liêm có số lượng nhiều nhất với 12 trường. Mức học phí các trường từ 1,8 triệu đồng/ tháng đến gần 600 triệu đồng/ năm. Tuy nhiên, năm học 2024-2025, chỉ có 9 trường được Sở GD&ĐT Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh lớp 10.