Là một người khá bận rộn với công việc, cơ duyên nào đưa bà đến với chạy bộ và bà dành thời gian như thế nào để tập luyện?
Tôi tự nhận mình là người yêu thể thao và không thể ngồi yên lâu được một chỗ. Tôi chơi nhiều môn thể thao khá lâu rồi và vẫn tranh thủ khoảng thời gian rảnh rỗi để tập các môn thể thao mình yêu thích, dù công việc bận rộn. So với độ tuổi của mình, tôi tập thể thao với cường độ khá cao. Trước khi đến với chạy bộ, tôi vẫn đều đặn tập cả tennis, bóng bàn, yoga, bơi...
Tôi đến với chạy bộ cũng rất tình cờ khi nhận lời tham gia Giải chạy tiếp sức Việt Nam Kizuna Ekiden 2018 nhằm kỷ niệm 45 năm mối quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản hồi tháng 11 năm ngoái. Trước đó vài tháng tôi đã phải bắt đầu tập luyện nghiêm túc cho giải đấu và cuối cùng đã hoàn thành 2 vòng hồ Hoàn Kiếm, với thời gian lần lượt là 9 phút và 9 phút 30 giây.
Dù đến với chạy bộ khá muộn, chỉ gần 1 năm trở lại đây, ở độ tuổi khá cao, nhưng theo tôi không bao giờ là quá muộn để bắt đầu chạy bộ. Đây là môn thể thao khá đơn giản, phù hợp với mọi lứa tuổi, không phân biệt già hay trẻ, nam hay nữ, làm bất cứ công việc gì. Chỉ cần một đôi giày chạy cùng một bộ đồ thể thao thoải mái, bất cứ ai cũng có thể tập môn thể thao này. Mỗi dịp đi công tác, tôi đều mang theo một đôi giày thể thao nhỏ để có thể chạy mỗi khi rảnh rỗi. Đối với tôi, chạy bộ không chỉ cải thiện sức khỏe, mà còn giúp mình giải tỏa stress, căng thẳng và mệt mỏi, đồng thời mang lại niềm vui khi mình chinh phục một cột mốc mới, phá vỡ được giới hạn của bản thân.
Hiện tại, tôi vẫn duy trì 1- 2 buổi tập tennis, 1- 2 buổi tập yoga, 2 buổi chạy trong một tuần kết hợp với đạp xe, bơi vào cuối tuần. Dĩ nhiên, cũng phải tuỳ thuộc vào thời gian và khối lượng công việc để sắp xếp lịch tập cho phù hợp.
Vì sao bà lựa chọn Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong lần thứ 60 năm 2019 để tham dự với tư cách là một VĐV? Bà đã chuẩn bị cho giải đấu này như thế nào?
Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong lần thứ 60 năm 2019 là giải đấu chính thức thứ 3 mà tôi tham dự, sau Giải chạy tiếp sức Việt Nam Kizuna Ekiden 2018 hồi tháng 11 năm ngoái và Hanoi City Trail 2019 đầu năm nay.
Đây là giải đấu có truyền thông lâu đời và đã “thay da đổi thịt” trong 2-3 năm trở lại đây. Cũng như nhiều VĐV phong trào khác, tôi rất háo hức tham dự Việt dã Tiền Phong, không chỉ đơn thuần là bổ sung thêm vào bộ sưu tập một tấm “mề-đay” của một giải đấu mới, mà với tư cách một người làm việc liên quan đến thể thao, chúng tôi phải có ý thức noi gương và truyền cảm hứng để người dân chơi thể thao nhiều hơn.
Mới đây, Tổng cục TDTT triển khai chương trình tập thể dục giữa giờ tại công sở với sự góp mặt của lãnh đạo Tổng cục và các vụ đơn vị cùng các cán bộ công nhân viên, người lao động. Chúng tôi hy vọng có thể kêu gọi mỗi người dân hãy thực hiện chăm sóc sức khỏe của mình ngày một tốt hơn. Tham dự Việt dã Tiền Phong, tôi cũng có mong muốn như vậy.
Để chuẩn bị cho giải đấu, tôi hiện vẫn tập luyện đều đặn 2 buổi/tuần, 5-6 vòng xung quanh hồ Hoàn Kiếm hay 1 vòng cả hồ Tây, thường là sau giờ làm việc. Nói chung, khi chạy phải lắng nghe cơ thể và tự điều chỉnh việc tập chạy cho phù hợp với bản thân mình. Nhờ nền tảng thể lực có được từ việc chơi nhiều môn thể thao trước đó, tôi nghĩ 10km tại Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong là vừa sức mình và tôi đã đăng ký chạy cự ly này.
Bà đánh giá thế nào về vai trò của Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong đối với sự phát triển của điền kinh Việt Nam?
Như chúng ta đã biết, Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong là giải thể thao có tuổi đời lâu nhất của làng thể thao Việt Nam. Đây vốn là nơi tranh tài của các VĐV chuyên nghiệp hàng đầu quốc gia nhằm góp phần phát hiện, rèn luyện và tuyển chọn VĐV tài năng ở các cự ly trung bình và dài cho điền kinh Việt Nam. Từ giải đấu này, nhiều tên tuổi lớn đã đi vào lịch sử giải đấu, đóng góp nhiều thành tích cho điền kinh Việt Nam ở các giải đấu trong nước và quốc tế như lão tướng Bùi Lương với kỷ lục 9 lần vô địch Việt dã, Lưu Văn Hùng, Đặng Thị Tèo, Nguyễn Văn Thuyết, Đoàn Nữ Trúc Vân, Phạm Đình Khánh Đoan… Bên cạnh đó, trong bối cảnh hệ thống giải đấu của chúng ta còn ít, Việt dã Tiền Phong hiện vẫn là nơi giúp các VĐV trẻ được cọ xát, thi đấu.
Giải còn góp phần thúc đẩy và phát triển phong trào chạy bộ trong nước, khi “mở cửa” cho các VĐV phong trào tham dự ở 3 mùa giải gần đây. Theo tôi biết, giải năm nay thu hút tới gần 2.000 người yêu chạy bộ và du lịch, cả trong và ngoài nước đăng ký dự, trong đó có gần 100 VĐV nước ngoài đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, Anh, Pháp, Nhật, Thái Lan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines, Malaysia, Đài Loan, Czech, Nga.
Cảm ơn bà về cuộc trao đổi.