Hội thảo "Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình" do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) tổ chức. Các chuyên gia, nhà quản lý, nhà hoạch định chính sách, doanh nghiệp trao đổi, thảo luận về các vấn đề liên quan đến phát triển cơ sở dữ liệu ngành văn hóa.
Không thể quản lý, lưu trữ theo cách thủ công
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định năm 2024, Bộ VHTTDL đã rà soát, làm sạch và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo dữ liệu "đúng - đủ - sạch - sống".
Việc xây dựng và phát triển cơ sở dữ liệu hiện đại, đồng bộ và hiệu quả không chỉ giúp ngành quản lý tốt hơn mà còn mở ra những cơ hội mới để khai thác, phát huy và bảo tồn các giá trị văn hóa của đất nước.
Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương phát biểu khai mạc phiên chính hội thảo. Ảnh: Nam Nguyễn. |
Ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam - nêu những bất cập của bảo tàng trước khi đổi mới các quản lý hiện vật. Trước năm 2022, gần 20.000 hiện vật ở bảo tàng vẫn được quản lý, khai thác một cách thủ công bằng hệ thống sổ đăng ký hiện vật, sổ phân loại hiện vật các loại.
"Những hiện vật này một phần đã có đủ thông tin cơ bản khi đăng ký, tuy nhiên một số vẫn thiếu thông tin hoặc thông tin chưa chính xác, chưa thống nhất giữa sổ đăng ký và thông tin giới thiệu trên trưng bày khiến cho công tác quản lý, khai thác gặp nhiều khó khăn", ông Nguyễn Đức Kiên nói.
Từ thực trạng đó các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện vật từ hồ sơ, tài liệu, sổ đăng ký hiện vật.
Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số. |
Các thông tin (dữ liệu) được tổng hợp trong phần mềm quản lý hiện vật theo trình tự các trường thông tin đã xây dựng sẵn, mang lại nhiều hiệu quả tích cực, trong công tác khai thác và phát huy giá trị hiện vật.
Tương tự, lãnh đạo Viện phim Việt Nam cũng nêu bài học kinh nghiệm về lưu trữ phim bằng phương pháp số hóa. Hiện nay kho phim của Viện phim Việt Nam đang lưu giữ gần 80.000 cuốn phim nhựa. Thạc sĩ Phạm Minh Trường - Trưởng phòng Kỹ thuật Viện phim Việt Nam - cho biết phim đã số hóa giúp cho các công tác tra cứu đơn giản, thuận tiện hơn.
Nhằm mục đích lưu trữ, bảo quản lâu dài các tư liệu đồng thời khai thác, phổ biến rộng rãi tới công chúng. Viện phim Việt Nam đã có kế hoạch, lộ trình nhằm số hóa các tư liệu quý giá.
Năm 2005, Viện phim Việt Nam đầu tư hệ thống thiết bị in chuyển phim kỹ thuật số hiện đại. Năm 2015, hệ thống số hóa phim nhựa độ phân giải 2K được áp dụng. Trung bình một năm Viện phim Việt Nam số hóa được khoảng 600-700 cuốn phim nhựa cho độ phân giải 2K.
Viện phim Việt Nam đã số hóa các tài liệu gồm thông tin liên quan đến bộ phim từ khâu sản xuất cho đến phát hành, phổ biến, kịch bản, áp phích, ảnh cảnh phim…
Hệ thống số hóa và phục chế phim tại Viện phim Việt Nam. |
TS. Chu Thu Hường (Viện Bảo tồn di tích) cho biết với mọi lĩnh vực, dữ liệu luôn là khởi đầu quan trọng đảm bảo sự khoa học và hiệu quả của nghiên cứu.
Quá trình thực hiện số hóa di tích, di sản luôn được triển khai một cách toàn diện từ việc khảo sát, tập hợp, xây dựng cơ sở dữ liệu hồ sơ phục vụ số hóa, đến việc xây dựng ngân hàng dữ liệu về di tích luôn được Viện thực hiện bài bản, theo quy chuẩn phù hợp.
Cần nền tảng dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa
Các chuyên gia, đại biểu cũng cho rằng nhân lực, trang thiết bị ở một số đơn vị chưa đáp ứng tốt công cuộc chuyển đổi số. Với trang thiết bị và nhân lực ở Viện phim Việt Nam hiện tại, để số hóa được hết kho phim đòi hỏi tốn rất nhiều thời gian.
Chuyên gia đề xuất xây dựng nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia về di sản văn hóa Việt Nam, từng bước hoàn thiện đội ngũ cán bộ giỏi về chuyên môn, tăng cường sức mạnh cho sự phát triển toàn ngành.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin kiêm Tổng Biên tập báo điện tử Tổ Quốc, Phó trưởng ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ VHTTDL - nhấn mạnh ngành văn hóa, thể thao, du lịch và gia đình mang tính đa dạng và có sức lan tỏa sâu rộng, đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ di sản văn hóa, phát triển du lịch, nâng cao chất lượng đời sống thể chất và tinh thần của người dân.
Bà Nguyễn Thị Hoàng Lan - Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Phó trưởng ban Ban chỉ đạo chuyển đổi số Bộ VHTTDL. Ảnh: Nam Nguyễn. |
"Thực tế, công tác quản lý thông tin và dữ liệu trong ngành còn gặp nhiều khó khăn, từ việc lưu trữ dữ liệu phân tán, chưa đồng bộ, cho đến hạn chế trong việc khai thác và kết nối dữ liệu giữa các đơn vị. Do đó, xây dựng một nền tảng dữ liệu tập trung và hiệu quả là giải pháp phát triển các dịch vụ du lịch thông minh, bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa", bà Lan nhận định.
Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, việc xây dựng hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu cho ngành VHTTDL không chỉ là một xu hướng mà còn là việc làm cần thiết để phát triển ngành.