Viện Kiểm sát: 'Cần loại bỏ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Sáng nay (19/3), sau 2 tuần xét xử, phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xét xử vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng TMCP Sài Gòn và các đơn vị liên quan, hội đồng xét xử đã cho đại diện Viện Kiểm sát nêu quan điểm giải quyết vụ án.

Theo đại diện Viện Kiểm sát, bà Trương Mỹ Lan là Chủ tịch của Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, bao gồm một tập hợp các công ty con, công ty liên kết. Lợi dụng chính sách của Nhà nước về tái cơ cấu ngân hàng, bị cáo Lan đã tìm cách thâu tóm Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Sau khi hợp nhất 3 ngân hàng: Ngân hàng Đệ Nhất, Ngân hàng Tín Nghĩa và SCB cũ thành SCB như hiện nay, bị cáo Lan đã nắm giữ hơn 91% cổ phần. Từ đó, bị cáo này sử dụng SCB như là công cụ tài chính để rút tiền nhằm sử dụng cho mục đích cá nhân.

Cũng theo Viện Kiểm sát, kết quả xét hỏi tại tòa đã làm rõ. Ngoại trừ bà Lan, các bị cáo còn lại tại tòa đã khai nhận hành vi đúng như Viện Kiểm sát truy tố.

Viện Kiểm sát: 'Cần loại bỏ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội' ảnh 1

Trương Mỹ Lan tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Duy Anh.

Đối diện án tử hình

Đại diện Viện Kiểm sát cho rằng, bị cáo Trương Mỹ Lan bị xét xử về các tội “Đưa hối lộ”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” và “Tham ô tài sản”.

Viện Kiểm sát nêu, trong hơn 10 năm, bà Trương Mỹ Lan và hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát đã ‘rút ruột’ hơn 1,06 triệu tỷ đồng, dư nợ còn lại không thể thu hồi tại SCB là 677.000 tỷ đồng.

Bà Trương Mỹ Lan bị cáo buộc gây thiệt hại cho SCB 498.000 tỷ đồng. Để che đậy tình trạng tài chính của SCB, bà Lan đưa hối lộ cho bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng Nhà nước) 5,2 triệu USD.

Viện Kiểm sát: 'Cần loại bỏ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội' ảnh 2

Bị cáo Đỗ Thị Nhàn tại phiên tòa sáng nay. Ảnh: Duy Anh.

Theo Viện Kiểm sát, tại phiên tòa, bà Lan thừa nhận có gặp bà Nhàn nhưng không thừa nhận chỉ đạo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) đưa hối lộ 5,2 triệu USD. Tuy nhiên, theo Viện Kiểm sát, dù bà Lan không thừa nhận nhưng dựa trên các chứng cứ, có đủ căn cứ xác định ông Văn đưa tiền cho bà Nhàn theo chỉ đạo của bà Lan.

Viện Kiểm sát xác định, trong vụ án này, bị cáo Trương Mỹ Lan đã phạm tội nhiều lần, tổ chức phạm tội trong thời gian dài, chiếm đoạt và gây thiệt hại số tiền đặc biệt lớn cho nhà nước, Nhân dân và SCB. Tại tòa, bị cáo Lan không ăn năn hối lỗi, không thừa nhận, đổ lỗi cho cấp dưới. Do đó, cần nghiêm trị, loại bỏ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội.

Viện Kiểm sát cũng đề nghị cách ly vĩnh viễn ra khỏi đời sống xã hội một số bị cáo khác.

Viện Kiểm sát: 'Cần loại bỏ bị cáo Trương Mỹ Lan ra khỏi đời sống xã hội' ảnh 3

Các bị cáo tại phiên tòa sáng nay 19/3. Ảnh: Duy Anh.

12 bị cáo khác cũng có khung phạt đến tử hình

Ngoài bà Trương Mỹ Lan, hiện Viện Kiểm sát cũng đang luận tội 11 bị cáo khác về tội “Tham ô tài sản”, có khung hình phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

Ngoài ra, bị cáo Đỗ Thị Nhàn bị xét xử về tội “Nhận hối lộ” cũng có khung phạt từ 20 năm, chung thân hoặc tử hình.

72 bị cáo còn lại là cựu lãnh đạo chủ chốt tại SCB; cựu lãnh đạo và cán bộ thuộc hệ thống Vạn Thịnh Phát… là những người giúp Trương Mỹ Lan rút tiền; nhóm công ty thẩm định phát hành chứng thư thẩm định, nâng khống giá trị bất động sản của Trương Mỹ Lan; nhóm cựu lãnh đạo, nhân viên Ngân hàng Nhà nước… Những bị cáo này bị xét xử ở khung hình phạt từ 7 năm tù đến 20 năm tù.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.