Hôm nay (14/3), phiên tòa sơ thẩm của TAND TPHCM, xét xử vụ sai phạm xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các đơn vị liên quan, Hội đồng xét xử (HĐXX) sẽ tiếp tục cho các luật sư tham gia xét hỏi.
Trong ngày xét xử hôm qua, thẩm phán Phạm Lương Toản (Chánh tòa Hình sự, TAND TPHCM) thay mặt HĐXX thông báo, thẩm phán Lê Công Huân vì công tác đột xuất nên không tiếp tục tham gia HĐXX, thẩm phán Đoàn Thị Hương Giang là thẩm phán dự khuyết sẽ thay thẩm phán Huân tiếp tục tham gia thành phần HĐXX để xét xử vụ án.
Hội đồng xét xử phiên tòa vụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Phạm Nguyễn. |
Chủ tọa cũng thông báo, các luật sư trong quá trình tranh tụng về việc sử dụng các tài liệu mật, phải tuân thủ theo đúng các quy định. Trong trường hợp làm trái quy định, làm lộ bí mật nhà nước, thì phải chịu trách nhiệm theo quy định pháp luật.
Dự án Mũi Đèn Đỏ định giá trị bằng 0 là chưa hợp lý.
Cũng trong ngày hôm qua, các luật sư tham gia xét hỏi, làm rõ thêm hành vi của các bị cáo.
Trả lời các câu hỏi của các luật sư, bị cáo Trương Mỹ Lan (cựu Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) khai rằng, SCB ban đầu là do Nguyễn Phương Hồng quản lý. Theo bị cáo Lan thì Hồ Bửu Phương (cựu phó Tổng giám đốc tài chính Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) là người phụ trách tài chính, chỉ giúp SCB tìm công ty kinh doanh tốt, cổ phiếu có giá cho SCB mượn. Còn việc giải quỹ bị cáo Lan hoàn toàn không biết, bị cáo chỉ nói Phương hỗ trợ SCB còn làm thế nào thì bị cáo không biết.
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa. Ảnh: Duy Anh. |
Bị cáo Trương Mỹ Lan cũng khai không chọn Bùi Anh Dũng làm Chủ tịch HĐQT SCB, bà Lan chỉ nghe nói là chọn anh Dũng, bị cáo chỉ biết vậy thôi chứ bị cáo hoàn toàn không có quyền gì.
Về việc thưởng tiền cho các cán bộ SCB, bà Lan trình bày, tùy theo chức vụ mà sẽ được ít hay nhiều, bị cáo cho là do công sức của họ góp sức cho SCB chứ không có mục đích gì khác, toàn bộ tiền mua các cổ phần để cho là từ tiền của bị cáo.
Bà Lan cũng mong HĐXX xem xét là thời điểm hợp nhất 3 ngân hàng thì bị cáo không biết gì về 71 khoản vay tồn tại trước. Về việc tái cơ cấu, bà Lan chỉ biết cho mượn tài sản, còn việc cơ cấu thế nào là việc của SCB. Khi tái cơ cấu bị cáo chỉ biết vài người trong HĐQT. Trước khi hợp nhất thì bị cáo phải liên tục họp với NHNN, bị cáo chỉ lo về việc đưa tài sản còn việc bầu bán thế nào thì không biết.
Trả lời luật sư, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (cựu phó Tổng giám đốc SCB) đề nghị xem xét lại giá trị của Dự án Mũi Đèn Đỏ. Bị cáo Dung trình bày rằng, cần xem lại kết quả định giá của Công ty Hoàng Quân vì theo quan điểm của bị cáo, cổ phần, cổ phiếu cũng là tài sản nhưng xác định giá trị bằng 0 là chưa hợp lý.
Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung tại phiên tòa. Ảnh: Phạm Nguyễn. |
Cũng trong ngày xét xử hôm qua, các bị cáo Dương Tấn Trước (cựu Tổng giám đốc Công ty Tường Việt) đã từ chối trả lời về việc định giá vì bị cáo không biết. "Công ty bị cáo hoàn toàn độc lập nên bị cáo không biết, không quan tâm những vấn đề khác trong cáo trạng vì không liên quan đến bị cáo. Về xác định giá trị Dự án Mũi Đèn Đỏ, bị cáo không có đủ tài liệu pháp lý nên không có ý kiến"- bị cáo Trước trả lời.
Bị cáo Trương Khánh Hoàng (cựu quyền Tổng giám đốc SCB) cũng từ chối trả lời về giá trị Dự án Mũi Đèn Đỏ. Tại thời điểm giải quỹ, bị cáo không tham gia nên không rõ. Bị cáo chưa từng làm việc với Hồ Bửu Phương.
Một góc phòng xử án vụ Vạn Thịnh Phát. Ảnh: Duy Anh. |
Các bị cáo khác là cựu cán bộ SCB cũng trả lời các câu hỏi của các luật sư, liên quan đến việc tái cơ cấu SCB, việc cho vay, giải ngân, giải quỹ, thẩm định giá, xác định vị trí vai trò của bị cáo Lan tại SCB.
Đáng lưu ý là bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng giám đốc SCB) khai có lần chuyển thùng xốp đựng tiền đến nhưng bà Đỗ Thị Nhàn (cựu Cục trưởng Cục Thanh tra giám sát Ngân hàng II Ngân hàng Nhà nước) không có nhà, thì bị cáo có gọi điện bà Nhàn cho mật khẩu để vào nhà đặt thùng xốp đựng tiền (là lần thứ 3 đưa tiền)…