Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước phối hợp Agribank tổ chức Hội thảo

0:00 / 0:00
0:00
Chiều ngày 26/4/2022, tại trụ sở của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước phối hợp Agribank tổ chức Hội thảo với chủ đề "Hoạt động đại lý ngân hàng theo mô hình ngân hàng làm chủ - Kinh nghiệm quốc tế và khả năng triển khai tại các NHTM Việt Nam".

Chiều ngày 26/4/2022, tại trụ sở của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước phối hợp Agribank tổ chức Hội thảo với chủ đề "Hoạt động đại lý ngân hàng theo mô hình ngân hàng làm chủ - Kinh nghiệm quốc tế và khả năng triển khai tại các NHTM Việt Nam".

Hội thảo nhận được sự quan tâm của các đại diện NHTM, tổ chức tín dụng và các công ty công nghệ cao tại Việt Nam. Về phía Agribank, có sự tham dự và phối hợp điều hành tại hội thảo của TV HĐTV Nguyễn Tuyết Dương, Phó Tổng giám đốc Phạm Đức Tuấn; sự tham gia của một số Ban chuyên môn, đơn vị thuộc Trụ sở chính, các chi nhánh Agribank trên địa bàn TP Hà Nội.

Viện Chiến lược Ngân hàng Nhà nước phối hợp Agribank tổ chức Hội thảo ảnh 1
Quang cảnh Hội thảo

Hiện nay xu hướng mới trên thế giới là phát triển mạnh một mô hình ngân hàng mới nhờ ứng dụng công nghệ được gọi là đại lý ngân hàng. Đại lý ngân hàng là giải pháp giúp mở rộng độ bao phủ các điểm cung ứng dịch vụ tài chính, qua đó gia tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, thúc đẩy tài chính toàn diện, giúp các ngân hàng vươn tới vùng sâu, vùng xa mà không cần mở chi nhánh/phòng giao dịch. Theo đó, khách hàng có thể tiếp cận các dịch vụ ngân hàng một cách thuận lợi; Ngân hàng có điều kiện tăng cơ sở khách hàng và thị trường bằng giải pháp chi phí thấp, tăng thu nhập từ những hoạt động đại lý. Có thể nói, Đại lý ngân hàng được xem là một trong những kênh phân phối mang tính đổi mới giúp mở rộng sự tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính.

Việc phát triển đại lý ngân hàng ở Việt Nam là một trong các giải pháp để đạt được các mục tiêu của Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, đáp ứng một phần nhu cầu chuyển tiền, thanh toán của các khách hàng thuộc nhiều nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là người dân ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa ít có điều kiện tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Thực tế tại Agribank, nhiều năm qua đã triển khai một số hoạt động có hiệu quả tương tự như hoạt động đại lý ngân hàng, trên quy mô lớn trong nhiều năm như:

Một là, Cho vay qua Tổ vay vốn: Kết hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội như Hội nông dân, Hội phụ nữ… Thông qua tổ vay vốn, khách hàng ở vùng sâu, vùng xa có thể tiếp cận vay vốn một cách thuận tiện, được hướng dẫn, tư vấn cụ thể, chi tiết về thủ tục, hồ sơ vay, tạo thuận lợi khi giao dịch với ngân hàng. Việc tham gia các Tổ vay vốn cũng tạo điều kiện cho các thành viên tổ tiếp cận với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng khác như mở tài khoản, phát hành thẻ, nộp ngân sách nhà nước, dịch vụ ngân hàng – bảo hiểm…Đến hết quý I/2022, dự nợ cho vay qua tổ vay vốn của Agribank đạt gần 184 nghìn tỷ đồng, thông qua gần 68 ngàn tổ vay vốn với gần 1,3 triệu thành viên.

Hai là, Điểm giao dịch lưu động bằng xe ô tô chuyên dùng: Thực hiện giao dịch với khách hàng trực tiếp tại địa bàn nông thôn, vùng sâu, vùng xa kết hợp với hoạt động của tổ vay vốn. Tính đến hết quý I/2022, Agribank đã triển khai điểm giao dịch lưu động bằng 68 xe ô tô trên 66 chi nhánh, 461 xã, với gần 2 triệu khách hàng, giải ngân 7.263 tỷ đồng, huy động tiết kiệm 4.869 tỷ đồng.

Trải qua hơn 34 năm hình thành và phát triển, Agribank là một trong những ngân hàng thương mại hàng đầu, đóng vai trò chủ lực trong hệ thống ngân hàng Việt Nam, đặc biệt là việc cung ứng vốn và dịch vụ tài chính phục vụ phát triển nông nghiệp nông thôn. Với hệ thống mạng lưới lớn nhất toàn quốc, thương hiệu đã được khẳng định trong nước và quốc tế, Agribank được coi là một trong những định chế tài chính chuyên biệt có định hướng hoạt động phù hợp để triển khai Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia.

MỚI - NÓNG