VIDEO: Ngư dân Huế hối hả đưa hàng nghìn ghe, thuyền vào nơi tránh bão

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Theo kinh nghiệm của ngư dân bãi ngang Thừa Thiên-Huế (TT-Huế), các cồn cát, đường giao thông, rừng phi lao khuất gió ven biển là nơi an toàn để tập kết ghe, thuyền tránh bão.

VIDEO: Ngư dân ven biển TT-Huế ứng phó bão số 4.

Trong ngày 18/9, người dân vùng bãi ngang ven biển TT-Huế hối hả, tất bật chạy đua với thời gian để di chuyển hàng nghìn chiếc ghe, thuyền nan cỡ nhỏ dùng đánh bắt gần bờ biển và khu vực bên trong đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, đến nơi tập kết an toàn.

Anh Ngô Văn Pháo (45 tuổi, ngư dân xã Phú Thuận, Phú Vang) cho biết: Khi sắp có bão, người dân địa phương luôn giúp nhau di chuyển ghe thuyền đến nơi trú tránh an toàn. “Chúng tôi vừa giúp nhau, vừa kiểm tra xem còn ai đi biển chưa về để tìm cách liên lạc, thông báo cho họ chủ động phòng tránh bão”, anh Pháo bày tỏ.

VIDEO: Ngư dân Huế hối hả đưa hàng nghìn ghe, thuyền vào nơi tránh bão ảnh 1

Ngư dân xã Phú Thuận đưa thuyền nan vào khu vực an toàn.

VIDEO: Ngư dân Huế hối hả đưa hàng nghìn ghe, thuyền vào nơi tránh bão ảnh 2

Đẩy chuyển thuyền nan vào khu vực rừng phi lao ít bị tác động của sóng to, gió bão.

VIDEO: Ngư dân Huế hối hả đưa hàng nghìn ghe, thuyền vào nơi tránh bão ảnh 3

Thuyền nhỏ được đưa lên đường giao thông và neo giữ để đề phòng sóng, gió cuốn đi xa khi có bão.

Các khu neo đậu bên trong đầm phá ít bị tác động của sóng gió cũng là nơi neo đậu an toàn dành cho những tàu cá đánh bắt xa bờ cỡ lớn.

“Nếu để ghe, thuyền nằm ven biển thì khi xảy ra mưa bão, phương tiện đánh bắt bị sóng lớn kèm gió mạnh kéo thẳng ra biển hoặc cuốn đi xa, gây ra rất nhiều thiệt hại. Hiện nay, trên địa bàn huyện Phú Vang có nhiều khu neo đậu nên rất thuận lợi cho người dân trú tránh bão”, anh Nguyễn Đính (ngư dân xã Phú Hải, huyện Phú Vang) chia sẻ.

VIDEO: Ngư dân Huế hối hả đưa hàng nghìn ghe, thuyền vào nơi tránh bão ảnh 4

Tàu cá xa bờ về tránh bão bên trong đầm phá.

Ông Nguyễn Quang Dân - Chủ tịch UBND xã Phú Thuận (huyện Phú Vang), cho biết, từ dự báo tình hình mưa bão, chính quyền xã luôn theo dõi để chỉ đạo thông suốt từ ban chỉ huy phòng chống lụt bão xã đến tận các thôn xóm; kịp thời huy động toàn bộ lực lượng tham gia sơ tán người, tài sản ra khỏi khu vực nguy hiểm khi có tình huống khẩn cấp.

Trong ngày, tại xã Phú Hải, chính quyền địa phương tích cực vận động, hỗ trợ người dân đưa phương tiện đánh bắt cá thuộc khu vực xa bờ và vùng bãi ngang đến nơi neo đậu an toàn.

UBND xã đã huy động máy móc, phương tiện mở rộng các bãi tập kết tàu thuyền cỡ nhỏ để đưa tất cả phương tiện đánh bắt về nơi an toàn.

VIDEO: Ngư dân Huế hối hả đưa hàng nghìn ghe, thuyền vào nơi tránh bão ảnh 5

Đối với công trình kè chống sạt lở bờ biển xã Phú Thuận hiện đang triển khai, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh TT-Huế đã lên phương án ứng phó thiên tai.

Xác định đây là khu vực xung yếu, Ban đã yêu cầu đơn vị nhà thầu triển khai giằng chống bảo vệ kho bãi, lán trại; di dời và bố trí bãi tập kết vật tư và phương tiện vào nơi an toàn; tổ chức trực ban và theo dõi tình hình để chủ động phòng tránh bão lũ.

VIDEO: Ngư dân Huế hối hả đưa hàng nghìn ghe, thuyền vào nơi tránh bão ảnh 6

Bơm nước vào những túi nylon lớn đặt cố định trong vỏ lốp ô tô để giằng chống mái nhà, phòng tránh bão.

VIDEO: Ngư dân Huế hối hả đưa hàng nghìn ghe, thuyền vào nơi tránh bão ảnh 7

Cắt tỉa cây xanh tại trường học ở Phú Vang trước khi bão đổ bộ.

VIDEO: Ngư dân Huế hối hả đưa hàng nghìn ghe, thuyền vào nơi tránh bão ảnh 8

Giằng chống bảo vệ mái nhà của một ngôi trường ven biển TT-Huế.

Theo ông Võ Văn Thịnh - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Phú Vang, các trường học thuộc bậc mầm non, tiểu học, THCS trên địa bàn huyện đều tuân thủ chỉ đạo phòng chống, ứng phó thiên tai của địa phương. Các đơn vị đã tổ chức cắt tỉa nhiều cây xanh có nguy cơ bị gió bão quật đổ, tiến hành giằng chống nhà cửa từ trước khi bão ảnh hưởng vào đất liền.

Thông tin từ Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng TT-Huế, đến chiều 18/9, lực lượng chức năng đã kêu gọi xong toàn bộ 1.884 phương tiện tàu cá, với 10.685 lao động địa phương hoạt động trên biển vào nơi neo đậu, tránh trú bão an toàn.

MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.