“Trước kia đơn giản lắm”
Báo cáo tiếp thu giải trình, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Nguyễn Thuý Anh cho biết, có ý kiến đề nghị nghiên cứu bổ sung quy định tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đối với người từ đủ 12 đến dưới 18 tuổi đã cai nghiện bắt buộc nhưng vẫn nghiện ma túy.
Thường trực Ủy ban này cho rằng, trẻ em trong độ tuổi này là đối tượng cần được ưu tiên bảo vệ và biện pháp phải khác so với đối tượng từ 18 tuổi trở lên, đó là quan điểm mang tính nhân văn của Nhà nước ta. Nếu tiếp tục áp dụng biện pháp cai nghiện bắt buộc đã vô tình coi trẻ em trong độ tuổi này giống như trường hợp người từ đủ 18 tuổi trở lên bị đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.
Cũng từ đề xuất của đại biểu, bà Nguyễn Thuý Anh cho biết, dự thảo luật dự kiến được chỉnh lý theo hướng bổ sung một điều về “lập hồ sơ đưa người nghiện ma túy từ đủ 12 tuổi đến dưới 18 tuổi”. Trong đó, quy định hồ sơ phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan bảo vệ quyền trẻ em với các thông tin về điều kiện, hoàn cảnh, nhân thân và đề xuất phương án quản lý tốt nhất cho từng trường hợp.
Tuy nhiên, đây lại là mối băn khoăn của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc khi cho ý kiến về việc này. Theo ông, nhiều gia đình muốn đưa con em vào cơ sở cai nghiện ma tuý, nhưng với trình tự quy định trong dự thảo sẽ khó khả thi.
“Gia đình phải đề nghị với chủ tịch xã, rồi phải đợi lập hồ sơ, xem có vấn đề gì không mới chuyển lên huyện xem xét, sau đó lại đề nghị toà án xem xét trong 2 ngày. Với quy trình này, nhất là với các tỉnh miền núi thì không khả thi được. Trước kia đơn giản lắm, công an chỉ lập danh sách xong trình tỉnh quyết định rồi đưa đi cai nghiện ngay, rất nhanh và không có vướng mắc gì. Còn bây giờ phải đợi cả toà án, tôi e rằng sẽ ùn tắc hồ sơ đưa đi cai nghiện”, ông Phúc nói và đề nghị phải đơn giản hoá trình tự thủ tục này.
Phải đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình lưu ý, có nhất thiết phải đưa trẻ em trong độ tuổi này vào cơ sở cai nghiên bắt buộc hay không? Nếu để trẻ em trong độ tuổi này cai nghiện cùng với đối tượng trên 18 tuổi sẽ gặp nhiều khó khăn.
Khắc phục điều này, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh đề nghị trẻ em trong độ tuổi này cần được bố trí một khu riêng. Đồng thời dự thảo luật cần quy định rõ: Cơ sở cai nghiện ma tuý có trách nhiệm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho trẻ em trong độ tuổi này trong thời gian cai nghiện bắt buộc.
Giải trình về nội dung này, Thượng tướng Lê Quý Vương, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, việc đưa các cháu vào cai nghiện bắt buộc phải hết sức tính toán vì còn liên quan đến quyền trẻ em và các vấn đề nhân đạo. Thậm chí, nếu đưa các cháu vào 6 tháng đến 1 năm, việc bảo đảm học hành cho các cháu như thế nào? “Cho nên phải có quyết định của toà án là như vậy. Khi soạn thảo luật, chúng tôi băn khoăn nhất độ tuổi này. Tuy nhiên, hiện độ tuổi này lại dễ bị nghiện hút nhất”, ông Vương lý giải.
Thông qua nghị quyết thành lập 2 thành phố Thủ Đức và Phú Quốc
Chiều 9/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và thành lập thành phố Thủ Đức thuộc TPHCM. Như vậy, sau khi thành lập, thành phố Thủ Đức có 211,56 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.013.795 người với 34 phường. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2021. Chiều cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét và thông qua Nghị quyết thành lập thành phố Phú Quốc và các phường thuộc thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang; thị trấn Tân Bình thuộc huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương; các phường thuộc thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa; thị trấn Vĩnh Thạch Trung thuộc huyện Châu Phú, thị trấn Cô Tô thuộc huyện Tri Tôn và thị trấn Vĩnh Bình thuộc huyện Châu Thành, tỉnh An Giang.