Hồi tháng 8-2015, Thổ Nhĩ Kỳ cũng khởi công xây dựng tường chắn dọc biên giới gần thị trấn Reyhanli - một điểm nóng về buôn lậu, nằm ở phía tây nam Kilis.
Theo nguồn tin của Dogan, nhiều máy móc, thiết bị, vật liệu xây dựng đã được tập kết và công nhân đang tiến hành đặt các khối bê tông dọc theo tuyến đường biên giới với Syria, nhằm ngăn chặn dòng người và vũ khí trang bị của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo lọt qua.
Truyền thông nước này nhận định, động thái trên có thể là một trong những biện pháp của chính quyền Ankara, sau sức ép từ phía Mỹ buộc Thổ Nhĩ Kỳ phải có những biện pháp cứng rắn hơn nhằm kiểm soát khu vực biên giới, tăng cường khả năng ngăn chặn hoạt động của IS ở khu vực đường biên.
Tuy nhiên, một số chuyên gia bình luận rằng, việc Thổ Nhĩ Kỳ xây hàng rào chắn biên giới chỉ là hành động “chữa cháy”, bởi khu vực biên giới đó giáp với vùng đang bị không quân Nga đóng tại căn cứ Hmeymim ở tỉnh Latakia của Syria oanh tạc dữ dội, các xe chở dầu lậu và vũ khí của IS cũng không thể lai vãng ở đây.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát biên giới không toàn diện có thể dẫn đến tình trạng đóng chỗ này, các tay súng khủng bố của Nhà nước Hồi giáo xâm nhập chỗ khác, mà khu vực biên giới giáp với đông bắc Syria và tây bắc Iraq là một ví dụ điển hình.
Cách duy nhất mà chính quyền Ankara phải làm là đóng cửa toàn bộ biên giới giáp với Syria và Iraq, không để xảy ra tình trạng các xe chở dầu lậu và nguồn cung vũ khí, binh lính, hậu cần của IS dễ dàng xuyên qua biên giới.
Những nhà quan sát đưa ra nhận định trên chủ yếu theo trường phái kết tội Thổ Nhĩ Kỳ có liên quan đến hoạt động buôn lậu dầu với tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo, đồng thời cung cấp vũ khí, hậu cần cho các nhóm phiến quân Syria như Turkmen và “Mặt trận Al Nusra” (chi nhánh Al-Qaeda ở Syria).