Phố đi bộ hay “chợ cóc”?
Phố Trịnh Công Sơn bắt đầu từ ngã ba ngõ 612 Lạc Long Quân đến dốc ngã ba đê Âu Cơ của quận Tây Hồ, mới được gắn biển mang tên cố nhạc sĩ vào tháng 8/2015. Theo thiết kế, không gian đi bộ mới bao gồm phố Trịnh Công Sơn là phần lõi, ngoài ra còn có không gian của ngõ 431 Âu Cơ, ngõ 612 Lạc Long Quân, bên cạnh khu đầm sen hồ Tây. Phố đi bộ hoạt động từ 19 giờ 30 vào các tối thứ sáu, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần.
Cũng theo dự kiến, phố đi bộ Trịnh Công Sơn sẽ có sân khấu ngoài trời rộng 2.000 m2, thưởng thức nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống như quan họ, dân ca. Đặc biệt, dưới hồ sen cũng sẽ tổ chức múa rối nước… Ngoài ra, còn có 60 gian hàng bán đồ lưu niệm, ẩm thực, nước uống để phục vụ du khách, tất cả được thiết kế mô phỏng kiến trúc phố cổ Hà Nội, Hội An. Tuy nhiên, chính việc xây gian hàng cố định đã khiến một số người dân sống trên phố phản đối.
“Thành phố muốn phát triển con đường này thành không gian phố đi bộ thì chúng tôi ủng hộ. Nhưng chúng tôi không đồng ý với việc xây dựng những gian hàng cố định như thế này, nó vừa lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ, vừa làm mất mỹ quan”- bà Nguyễn Thị Vinh (Âu Cơ, Tây Hồ) chia sẻ.
“Bản chất phố Trịnh Công Sơn vốn đã là phố đi bộ của người dân xung quanh đó từ lâu rồi. Cái sai lầm là giờ người ta định mang một cái chợ vào đó. Muốn biến nó thành phố đi bộ hoàn chỉnh, thay vì dựng chợ, nên làm biển báo giảm tốc độ giao thông dưới 30km/h, tạo không gian star-up cho các bạn trẻ, nơi giao lưu cho giới nghệ sĩ… Chính cảnh quan đẹp và thân thiện vốn có của con phố sẽ thu hút du khách đến, chứ không phải một khu buôn bán ồn ào, nhộm nhoạm”- KTS Trần Huy Ánh chia sẻ quan điểm.
Còn theo KTS Nguyễn Hoàng Mạnh, việc định hướng xây dựng phố Trịnh Công Sơn nhái theo phố cổ Hà Nội và Hội An là không cần thiết và không nên. “Đưa cái gì vào trong phố đi bộ thì tùy đặc thù từng nơi. Các tuyến phố đi bộ cũng cần có những nét văn hóa, vẻ đẹp kiến trúc khác nhau. Phố đi bộ hồ Tây thì phải theo cảnh quan hồ Tây, chứ không thể copy cái cũ”- ông nói.
Nên đối thoại với người dân và chuyên gia
Lý giải việc người dân Việt Nam nhìn chung có vẻ không mặn mà với phố đi bộ, KTS Trần Huy Ánh cho rằng việc một con phố đang hoạt động bình thường bỗng nhiên bị xáo trộn, các phương tiện cơ giới bị hạn chế, thói quen sinh hoạt của người dân cũng thay đổi, việc buôn bán của các hộ kinh doanh chịu ảnh hưởng… nên việc họ phản ứng cũng là điều dễ hiểu.
Phố đi bộ Trịnh Công Sơn không phải dự án duy nhất vấp phải sự bức xúc của người dân và giới chuyên gia. Phố đi bộ Hồ Gươm mặc dù đã đi vào hoạt động ổn định nhưng trong quá trình xây dựng, cũng đã có rất nhiều dự án manh nha thực hiện ở đây vấp phải phản ứng gay gắt của dư luận và bị dập ngay từ “trứng nước”, ví dụ như dự án dựng tượng rùa vàng ở Hồ Gươm, xây mô hình khỉ King Kông, lập “Tuyến đường ghi danh” khắc tên người có công với Hà Nội… “Nhờ lắng nghe dư luận, cho đến nay, có thể nói phố đi bộ Hồ Gươm đã khá thành công và tạo nguồn cảm hứng cho nhiều địa phương khác. Rất nhiều tỉnh thành cũng mong muốn có phố đi bộ. Tuy nhiên, muốn thì phải ngồi lại đối thoại với người dân, phải đảm bảo tất cả lợi ích của người dân về kinh tế, giao thông, hạ tầng, như vậy mới mong dân ủng hộ”- KTS Trần Huy Ánh phân tích.
KTS Nguyễn Hoàng Mạnh cũng cho rằng ý tưởng xây dựng phố đi bộ phải có sự tham gia của tất cả các ban bộ về cả kinh tế, kiến trúc,quy hoạch đô thị, giáo dục, tâm lý, xã hội... Thay đổi toàn bộ cục diện về nhận thức không thể một sớm một chiều là xong.
Trước phản ứng của người dân trên phố Trịnh Công Sơn, ngày 8/8, UBND quận Tây Hồ đã tạm dừng và tháo dỡ các hoạt động đang thi công trên tuyến phố này. Đây được xem là động thái tích cực của lãnh đạo quận sau khi tiếp thu ý kiến của người dân.